| Hotline: 0983.970.780

Nỗi khổ lao động nghề cá không chuyên

Thứ Hai 29/06/2020 , 06:01 (GMT+7)

Gần đây, sản lượng đánh bắt của ngư dân Bình Định đạt thấp, ngoài việc do biển vắng cá, lao động không chuyên cũng là nguyên nhân giảm hiệu suất đánh bắt.

Lao động nghề biển phải đều tay thì công việc mới trôi chảy. Ảnh: Ngọc Thăng.

Lao động nghề biển phải đều tay thì công việc mới trôi chảy. Ảnh: Ngọc Thăng.

Thiếu lao động nghề biển chuyên nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Bình Định, trong những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ nên ngư dân tỉnh này có điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn để tham gia đánh bắt xa bờ.

Tàu cá đánh bắt xa bờ ngày càng tăng trưởng thì nhu cầu về lao động nghề biển cũng tăng theo. Trong khi đó, lực lượng lao động nghề biển chuyên nghiệp có hạn, nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của hơn 3.300 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định, dẫn đến tình trạng tàu cá thiếu trầm trọng lao động đi biển.

Ví như trường hợp tàu cá vỏ thép BĐ 99252 TS (825CV) của ngư dân Võ Thế Dư (47 tuổi) ở thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành (huyện Phù Cát).

Sau thời gian dài tàu cá của anh phải nằm bờ vì hết hạn bảo hiểm, 12 lao động đi bạn trên tàu đồng loạt đi làm cho tàu khác. Đến khi tàu được bán bảo hiểm trở lại, để chuẩn bị cho tàu ra khơi, anh Dư phải chạy đôn chạy đáo kiếm bạn thuyền mới.

“Bạn thuyền bây giờ kiếm “chảy máu mắt” mới ra 1 người, trong khi tàu của tôi phải cần đến 12 người. Bây giờ, để chiêu mộ được bạn thuyền, trước khi họ xuống tàu, tôi phải ứng trước cho mỗi người 7 triệu đồng, thêm 1 triệu chi phí vận chuyển cho mỗi người, vị chi là 8 triệu đồng/người họ mới đi.

Có không ít trường hợp lao động nhận tiền của chủ tàu, đến ngày tàu vươn khơi họ vẫn mang ba lô đồ đạc xuống tàu.

Thế nhưng sau đó, nhân lúc mọi người bận bịu khởi động cho tàu xuất bến thì họ lặng lẽ rời tàu lên bờ đi mất, bỏ lại ba lô toàn đồ cũ.

Tôi nói là để minh chứng chuyện kiếm bạn thuyền bây giờ rất khó, nhiều khi kiếm ra rồi nhưng cuối cùng chủ tàu mất “cả chì lẫn chài” như trường hợp nêu trên”, ngư dân Dư bộc bạch.

Đối với nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa, các công việc quay tời kéo lưới phải được thực hiện đồng bộ. Ảnh: Ngọc Thăng.

Đối với nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa, các công việc quay tời kéo lưới phải được thực hiện đồng bộ. Ảnh: Ngọc Thăng.

Theo tâm sự của lão ngư Bùi Thanh Ninh, chủ của 10 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ tăng trưởng nhanh khiến lao động nghề biển thiếu trầm trọng.

Không kiếm ra lao động nghề biển chuyên nghiệp, các chủ tàu đành về các vùng nông thôn thuê những thanh niên làm nông đang rỗi việc xuống tàu đi bạn.

“Nông dân” tham gia lao động nghề biển dù tiền ứng trước mỗi chuyến biển có thấp hơn những lao động nghề biển chuyên nghiệp, chỉ 3 - 4 triệu đồng/người, nhưng hiệu suất lao động họ mang lại rất thấp.

Lao động không chuyên dẫn đến sản lượng đạt thấp

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định - phụ trách Cảng cá Quy Nhơn, liên tục mấy tháng gần đây, tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định đánh bắt không đạt sản lượng.

“Theo dõi qua 3 mùa trăng gần đây, tàu cá cập vào Cảng cá Quy Nhơn hầu hết sản lượng đạt rất thấp. Tàu nào đạt cao nhất cũng chỉ vài ba tấn cá, có tàu chỉ đánh bắt được vài tạ cá.

Những năm trước đây vào mùa này ngư dân đánh bắt được nhiều cá ngừ sọc dưa và cá nục, thế nhưng năm nay hầu như vắng bóng những loại cá nói trên. Những tháng gần đây tàu vào toàn mực xà chứ cá không có bao nhiêu”, ông Dũng cho hay.

Có những công việc đặc thù trên tàu cá mà những lao động không chuyên không thể làm được. Ảnh: Ngọc Thăng.

Có những công việc đặc thù trên tàu cá mà những lao động không chuyên không thể làm được. Ảnh: Ngọc Thăng.

Giải thích nguyên nhân tàu cá đánh bắt không đạt sản lượng, lão ngư Bùi Thanh Ninh, chia sẻ: “Những năm gần đây số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ tăng trưởng chóng mặt, trong khi nguồn lợi thủy sản ngoài khơi ngày càng cạn kiệt, đó là nguyên nhân chính khiến sản lượng đánh bắt của hầu hết các tàu cá bị sụt giảm.

Còn nguyên nhân khác là do số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ tăng trưởng nhanh dẫn tới thiếu lao động nghề cá. Có tàu mà không có lao động thì làm sao hoạt động, vậy là các chủ tàu phải thuê “nông dân” đi làm nghề biển.

Làm nông thì chỉ quen cày quen cuốc, bước xuống lao động trên tàu cá thì không tránh khỏi bỡ ngỡ, làm việc không đạt”.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh phân tích: Một người thao tác không quen sẽ làm ảnh hưởng đến cả chuỗi công việc trên tàu cá.

Ví như nghề lưới vây rút chì, mọi thao tác của các lao động trên tàu phải đồng bộ từ việc chạy ru lô quay tời đến kéo lưới, cho cá vào sọt, ướp vào hầm bảo quản… chỉ cần một khâu “lớ ngớ” là sẽ làm ảnh hưởng đến cả chuỗi công việc.  

Những chuyến gần đây, sản lượng đánh bắt của ngư dân Bình Định đạt thấp. Ảnh: Ngọc Thăng.

Những chuyến gần đây, sản lượng đánh bắt của ngư dân Bình Định đạt thấp. Ảnh: Ngọc Thăng.

“Hầu hết lao động nghề cá không chuyên thường bị say sóng, gặp những lao động như thế, chẳng những cả ê kíp thuyền viên trên tàu phải làm “gánh” việc cho lao động đang bị say sóng phải nằm bẹp mà còn phải mất thêm người chăm sóc cho lao động ấy. Đó là nói về nghề lưới vây rút chì, chứ với nghề câu cá ngừ đại dương đòi hỏi kỹ thuật thì lao động không chuyên càng không thể đáp ứng”, lão ngư Bùi Thanh Ninh bộc bạch.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất