| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Lúa hè thu được mùa, trúng giá

Thứ Tư 23/08/2023 , 08:59 (GMT+7)

Vụ hè thu năm nay ở Bình Định dù nắng nóng uy hiếp, nhưng nhờ bố trí thời vụ và cơ cấu giống hợp lý, nước tưới đầy đủ nên thắng lợi ngoài mong đợi.

Đến nay, lúa hè thu 2023 ở Bình Định đã thu hoạch được hơn 50% diện tích. Ảnh: V.Đ.T.

Đến nay, lúa hè thu 2023 ở Bình Định đã thu hoạch được hơn 50% diện tích. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, vụ hè thu năm 2023, Bình Định sản xuất hơn 41.500ha lúa, trong đó lúa vụ hè hơn 7.240ha, lúa vụ thu gần 36.000ha. Đến nay, lúa vụ hè ở Bình Định đã thu hoạch hoàn tất, năng suất bình quân ước đạt gần 65 tạ/ha; lúa vụ thu cũng đã thu hoạch được hơn 14.000ha. 

Vụ hè thu năm nay dù nắng nóng gay gắt kéo dài nhưng nhờ nguồn nước các hồ thủy lợi dồi dào, đảm bảo tưới nên cây lúa phát triển ổn định. Thêm vào đó, xen kẽ giữa các tháng vẫn có mưa tương đối đều, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa và nhiều loại cây trồng khác phát triển”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định chia sẻ.

Cũng theo ông Cang, lịch thời vụ của vụ hè thu 2023 cùng cơ cấu giống lúa do Sở NN-PTNT Bình Định ban hành phù hợp cũng giúp vụ hè thu thắng lợi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trên chân đất sản xuất 3 vụ lúa/năm, ngay sau khi thu hoạch vụ đông xuân 2022 - 2023, các địa phương đã hướng dẫn nông dân tận dụng nguồn nước còn lại trong ruộng tiến hành làm đất, gieo sạ ngay vụ hè, tập trung từ cuối tháng 3/2023 đến giữa tháng 4/2023.

Lúa hè thu 2023 ở Bình Định được nông dân gieo sạ mật độ hợp lý, lúa thuần từ 100 - 120kg/ha, lúa lai từ 40 - 50kg/ha. Ảnh: V.Đ.T.

Lúa hè thu 2023 ở Bình Định được nông dân gieo sạ mật độ hợp lý, lúa thuần từ 100 - 120kg/ha, lúa lai từ 40 - 50kg/ha. Ảnh: V.Đ.T.

Những diện tích sản xuất 2 vụ lúa/năm được bố trí gieo sạ tập trung từ ngày 1 đến ngày 15/5, kết thúc gieo sạ trước ngày 20/5. Những vùng có nguy cơ thiếu nước nông dân gieo sạ từ ngày 20/4. Căn cứ khung lịch thời vụ nêu trên, ngành nông nghiệp Bình Định đã hướng dẫn các địa phương cho nông dân gieo sạ đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng trong thời gian từ 5-7 ngày.

Về cơ cấu giống, để chủ động thích ứng với điều kiện nắng hạn, mưa lớn thường xảy ra vào thời điểm cuối vụ, giống lúa trong vụ hè thu 2023 được Bình Định ưu tiên sử dụng các giống trung, ngắn ngày.

Khảo sát qua những cánh đồng ở các huyện trung du có điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt trong vụ hè thu như Tây Sơn, Hoài Ân cho thấy cây lúa vụ này phát triển tốt.

Tại xã Tây Bình (huyện Tây Sơn), 30ha lúa BĐR999 trong mô hình sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật canh tác tổng hợp theo hướng giảm chi phí đầu vào (mô hình do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ triển khai) năng suất đạt hơn 7 tấn/ha, tương đương 350kg/sào (500m2/sào). Còn ở vùng ruộng bậc thang tại xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân), giống lúa thuần VNR10 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam cũng phát triển sởn sơ, năng suất đạt bình quân 80 tạ/ha, cá biệt có những diện tích đạt năng suất 90 tạ/ha.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, đến nay, dù chưa kết thúc thu hoạch vụ hè thu 2023, nhưng căn cứ năng suất thực thu của những diện tích đã thu hoạch và mã lúa của những diện tích còn đứng trên đồng, nếu thời gian tới trên địa bàn Bình Định không xảy ra mưa lớn thì lúa hè thu ở tỉnh này sẽ về đích an toàn, nông dân có vụ mùa thắng lợi.

Đến cuối tháng 8/2023, toàn bộ diện tích lúa hè thu ở Bình Định sẽ hoàn tất thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.

Đến cuối tháng 8/2023, toàn bộ diện tích lúa hè thu ở Bình Định sẽ hoàn tất thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Cang, trước khi triển khai sản xuất vụ hè thu, ngành nông nghiệp Bình Định đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ. Hướng dẫn nông dân tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân cân đối NPK; sử dụng các loại phân urê chậm tan để chống thất thoát đạm; tăng cường bón phân kali để tăng khả năng chống đổ ngã; sử dụng giống lúa đảm bảo chất lượng, gieo sạ mật độ hợp lý (lúa thuần từ 100 - 120kg/ha, lúa lai từ 40 - 50kg/ha).

Bên cạnh đó, áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm như: Quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), quy trình tưới ướt - khô xen kẽ; điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. Chủ động phương án thu hoạch nhanh, gọn, đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng khi lúa chín nhằm hạn chế đổ ngã do mưa bão cuối vụ gây ra.

“Vụ hè thu 2023 vật tư đầu vào giảm giá, thêm vào đó giá lúa tăng cao nên nông dân mạnh dạn đầu tư thâm canh, nhờ đó dù trong điều kiện thời tiết bất thuận nhưng vẫn đạt thắng lợi ngoài mong đợi”, ông Kiều Văn Cang chia sẻ.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.