| Hotline: 0983.970.780

Bình Định sơ tán hơn 6.000 hộ dân trước bão số 5

Thứ Tư 30/10/2019 , 15:51 (GMT+7)

Ngày 30/10, trong mưa dầm, tất cả lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã dẫn đầu 4 đoàn công tác cùng lãnh đạo các Sở, ngành đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 5 tại các địa bàn xung yếu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra những vùng xung yếu như: đập dâng Nha Phu, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), tuyến bờ kè Nhơn Lý (TP Quy Nhơn).

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (thứ 2 từ phải sang) đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 5.

Hiện Bình Định đang nỗ lực vận động sơ tán hơn 6.000 hộ dân ở các vùng trũng ven sông, ven biển các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát… đến nơi an toàn.

Ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết, huyện có gần 1.500 hộ với 4.800 nhân khẩu thuộc diện phải sơ tán khi cần thiết. UBND huyện đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng để hỗ trợ, sơ tán dân kịp thời người dân về nơi cao ráo để bảo đảm tính mạng. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo đối phó với cơn bão số 5.

Ngư dân xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) kéo thuyền thúng vào bờ tránh bão.

“Huyện cũng đã điều động các lực lượng bộ đội, công an cùng với toàn bộ ca nô của các lực lượng trực 24/24 sẵn sàng giúp dân ở những vùng ngập nặng. Ngoài ra, huyện cũng đã chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện để xử lý các đoạn đê nếu tràn, xói lở. Vì Tuy Phước là rốn lũ nên huyện rất tập trung cho công tác này”, ông Tường cho hay.

Ở huyện trung du Hoài Ân cũng đang cấp tập triển khai di dời hàng trăm hộ dân vùng trũng. Theo ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, hiện ở các xã Ân Tín, Ân Tường Tây, Ân Tường Đông và Ân Mỹ có khoảng hơn 500 hộ dân cần di dời đến nơi an toàn.

Lực lượng quân sự Bình Định chuẩn bị phương tiện cứu hộ.

“Dự báo bão sẽ đổ bộ vào ban đêm dẫn tới cúp điện, vào thời điểm này người dân thường hay chủ quan; do đó, yêu cầu công tác chuẩn bị phải khẩn trương, đến hết ngày 30/10 tỉnh sẽ tiếp tục đi kiểm tra các vùng xung yếu, nếu mưa lớn thì phải thực hiện ngay công tác di dời dân, yêu cần người dân phải thực hiện ngay việc chằng chống nhà cửa để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nói.

UBND tỉnh Bình Định cũng đã huy động lực lượng quân đội, công an túc trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Đến trưa 30/10, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Định đã phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 308 tàu cá/2.156 lao động ra khỏi vùng biển nguy hiểm; hướng dẫn, sắp xếp 5.841 tàu cá neo đậu tại bến; hướng dẫn, buộc chặt 769 lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.

Đến 30/10, vẫn còn 84 tàu cá/753 lao động đang trong vùng biển nguy hiểm và Bộ đội Biên phòng Bình Định đang tích cực hướng dẫn các tàu cá này khẩn trương di chuyển đến vị trí an toàn.

Tại các xã ven biển của TP Quy Nhơn, gồm: Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, chính quyền địa phương đã thông báo ngư dân di chuyển ghe thuyền, thúng chai có gắn máy đến nơi trú ẩn an toàn; cấp phát bao cát để người dân chằng chống nhà cửa, kè chắn sóng.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.