| Hotline: 0983.970.780

Bình Phước: Héo hắt vì nắng hạn

Thứ Ba 24/03/2020 , 10:18 (GMT+7)

Chỉ mới cuối tháng 3 nhưng nhiều nguồn nước đập, ao, hồ, sông suối tại Bình Phước đã rút rất nhanh khiến nhiều nông hộ rơi vào cảnh thiếu nước sản xuất, sinh hoạt…

Hạn khốc liệt

Ghi nhận của PV NNVN tại huyện biên giới Bù Gia Mập, thời điểm này các hồ chứa trên địa bàn đang ở rất gần với mực nước chết. Người dân phải mua nước về sử dụng tiết kiệm vì chi phí tốn kém. Có mặt tại hồ Bù Rên, một trong những hồ chứa nước lớn nhất của địa phương, qua quan sát chúng tôi nhận thấy nước trong hồ chỉ đạt gần 50%, còn các hồ đập khác trong khu vực nước đang rút rất nhanh.

Cánh đồng cạnh ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện khô khát. Ảnh: Trần Trung.

Cánh đồng cạnh ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện khô khát. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi đến xem giếng và bể chứa nước mưa của gia đình, ông Điểu Diết ở thôn Bù La, xã Bù Gia Mập cho biết: “Do nắng hạn giếng nhà đã hết nước cách đây hơn 3 tháng. Để có nước, gia đình đã thuê người nạo vét nhưng cũng bất lực. Dù kinh tế khó khăn cũng phải mua nước bình với giá 10.000 đồng/bình 20 lít về sử dụng nhưng chỉ để nấu nướng và uống thôi. Gần 1 tuần nay, tôi không được tắm rửa gì, đàn ông còn đỡ chứ phụ nữ và tụi nhỏ thì khổ lắm”.

Dẫn chúng tôi ra xem vườn tiêu bị chết gần một nửa, số còn lại lá cũng đang chuyển màu, chị Điểu Ren ở thôn Bù Rên buồn rầu: “Chỉ vài tuần nữa nếu không có mưa thì toàn bộ diện tích hồ tiêu sẽ chết hết. Hộ tôi vay mượn đầu tư trồng được vài trăm nọc tiêu, đến lúc có thu hoạch thì tiêu rớt giá, nợ chưa trả được nay lại hạn hán làm chết cây. Giờ nước phục vụ sinh hoạt gia đình còn hiếm thì lấy đâu ra tưới cây!”

Tại huyện Bù Đốp nắng hạn cũng đang diễn biến hết sức khốc liệt. Ghi nhận tại đập M26 xã Phước Thiện, theo thiết kế hồ có dung tích trên 220.000m³ cung cấp nước sản xuất cho hơn 200 ha trồng lúa, cây trồng địa phương, nhưng hiện nay tỷ lệ lượng nước còn lại so với dung tích toàn bộ dưới 23%, nhiều điểm trong lòng đập người dân có thể chạy xe xuống để tắm giặt, câu cá..., các cánh đồng lúa tại khu vực này đang trở nên hoang hóa như sa mạc, cây cối úa màu.

Người dân xã Bù Gia Mạp nạo vét giếng tìm nguồn nước. Ảnh: Trần Trung.

Người dân xã Bù Gia Mạp nạo vét giếng tìm nguồn nước. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Bình, hộ dân sống gần đập, cho biết: “Năm nay thời tiết quá khắc nghiệt, chưa bao giờ mà nước trong đập lại rút nhanh đến vậy. Mùa này toàn bộ diện tích đất trồng lúa nơi đây phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Tuy nhiên, mạch nước ngầm vẫn ổn định nên nước sinh hoạt của người dân vẫn còn”.

Không chỉ sản xuất nông nghiệp, tình hình chăn nuôi cũng đối mặt nguy cơ hạn hán. Huyện Bù Đốp có lượng gia súc tương đối lớn với trên 74.000 con, trong đó trâu, bò trên 6.000 con, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã Thiện Hưng, Tân Tiến... Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, các đồng cỏ bị khô cháy, nguồn thức ăn của đàn gia súc ngày càng cạn kiệt. Đối với nhiều hộ đồng bào ở Bù Đốp, nuôi trâu, bò là nguồn thu nhập chính giúp không ít gia đình thoát nghèo nhưng tình hình thực tế hiện nay khiến người dân rất lo lắng. Hiện tình trạng thiếu thức ăn cho trâu, bò đang diễn ra phổ biến, nhiều nhà nông nơi đây rất lo lắng.

Chủ động đối phó với hạn

Để ứng phó với khô hạn, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã tổ chức nạo vét, nâng cấp, sửa chữa nhiều hệ thống, công trình thủy lợi. Đơn cử đập M26 tại xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp với tổng kinh phí 7,7 tỷ đồng vừa bàn giao đi vào hoạt động nhằm phục vụ tưới tiêu cho trên 100 ha đất nông nghiệp địa phương.

Hồ chứa nước Bù Rên xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Ảnh: Trần Trung.

Hồ chứa nước Bù Rên xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Ảnh: Trần Trung.

Sở tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn tiến hành nạo vét và đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ chứa Bù Nôm, huyện Bù Đăng. Đến nay, công trình đã phát huy tốt công năng trong việc khai thác nguồn nước tưới phục vụ sản xuất của người dân, trong đó có đồng lúa Bù Môn với diện tích trên 50 ha; đồng thời tạo điều kiện để các hộ dân xung quanh khai thác nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng bè với diện tích trên 1,6 ha. Với lượng nước ổn định quanh năm, hồ còn cung cấp nguồn cho nhà máy nước tập trung để phục vụ sinh hoạt trên 1.000 hộ dân thị trấn Đức Phong và xã Đoàn Kết với công suất 3.600 m3/ngày đêm…

Ông Đặng Đình Thuần, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước cho biết: Để ứng phó hạn, công ty đang phối hợp Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp tổ chức xả nước luân phiên từ kênh N1 đến kênh N18. Trung bình mỗi ngày xả nước ra 4 kênh với lưu lượng xả tối thiểu từ 2 m3/giây, để kịp thời phục vụ sản xuất cho các xã Tân Tiến, Tân Thành, thị trấn Thanh Bình và một phần xã Thanh Hòa trên địa bàn huyện.

Hồ chứa nước đập M26 xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Hồ chứa nước đập M26 xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có công văn khẩn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chủ động phòng, chống hạn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, nhu cầu dân sinh mùa khô 2019-2020.

Trong đó, cần tăng cường kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các công trình dẫn và trữ nước; rà soát các khu vực có khả năng thiếu nước, qua đó xây dựng kế hoạch phòng, chống và giải pháp cấp nước trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

Đặc biệt, trên cơ sở cân đối nguồn nước, có biện pháp hướng dẫn nhân dân gieo trồng, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý. Đối với những vùng không đảm bảo nguồn nước suốt vụ, phải khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp…

Ông Lê Anh Nam, Phó trưởng ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khuyến cáo: “Mực nước trên các hồ đập đang ở mức thấp, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng, vật nuôi là khó tránh khỏi. Do đó, ngành khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng các nguồn nước có thể để tưới cây trồng, hạn chế tối đa thiệt hại”.

“Thời gian tới, tỉnh Bình Phước tiếp tục theo dõi sát sao các dự báo về thời tiết nắng hạn để kịp thời xây dựng các kế hoạch ứng phó, chủ động cân đối nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu. Cùng đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường dự trữ, điều tiết nguồn nước để đảm bảo cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng đang phát triển ổn định, cho giá trị kinh tế cao”, ông Nam thông tin.

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Phấn đấu đạt tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên 70%

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Từ 25/11, các địa phương trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giám sát dịch bệnh thông qua việc lấy mẫu để kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đợt 2/2024.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.