Nếu như trước đây, người dân Bình Phước chủ yếu chăn nuôi bò tự phát, lạc hậu, thì nay nhiều hộ đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhờ vậy, chất lượng, tầm vóc đàn bò được cải thiện, nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa được hình thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ biên giới...
Huyện biên giới Bù Đốp từng được xem là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước. Thời gian qua, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu khiến đời sống người dân gặp không ít khó khăn, đã không ít hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ngoài dê thì bò được xem là một trong những vật nuôi ổn định, giúp bà con từng bước phát triển kinh tế.
Là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi đất trồng tiêu sang trồng cỏ nuôi bò, ông Nguyễn Quang Hơ (ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp) cho biết, ông đã chuyển toàn bộ 5.000 m2 đất trồng tiêu sang trồng cỏ voi.
Sau đó, với 4 con bò giống ban đầu, nhờ mát tay, đàn bò ít bệnh tật, sinh sản tốt, đến nay ông đã có đàn bò hơn 10 con, thu nhập từ bò dần thay thế được cây tiêu đang ngày một đi xuống. Ngoài ra, để giúp bà con trong vùng có được nguồn giống tốt, ông Hơ tiếp tục đầu tư nuôi bò đực để phối giống.
Ông Hơ chia sẻ: “Dân gian có câu bò giống cha, gà giống mẹ”, những giống bò phù hợp nhất với địa phương là bò Brahman, bò 3B (Blance Bleu Belge) bởi những giống bò này có tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ cao và chất lượng thịt ngon. Nhờ vào giống bò tốt, khi cần phối giống hầu hết người dân đều tìm đến ông".
“Mỗi suất “nhảy” của nó, thay vì giá thị trường 300.000 đồng, tui chỉ lấy bà con 180.000 - 200.000 đồng, với mục đích chia sẻ giống tốt để cùng nhau phát triển kinh tế”, ông Hơ nói.
Ông Đoàn Mạnh Quang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bù Đốp cho biết: Để đồng hành với người dân, thời gian qua, từ các chương trình tạo sinh kế cho hộ nghèo như chương trình 135, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo của tỉnh…, hàng trăm con bò giống đã được trao tận tay cho bà con.
Nhìn chung, sau khi tiếp nhận, số bò giống đều được bà con chăm sóc, phát triển tốt, sinh sản nhanh đem lại hiệu quả kinh tế ổn định góp phần cùng địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
...Đến thành thị
Đồng Phú là một trong 2 huyện được xem là trọng điểm về công nghiệp của tỉnh. Trong quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ đó diện tích đất ngày càng thu hẹp, ngành chăn nuôi dần trở thành xu thế phát triển nông nghiệp. Nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã ra đời, trong đó tiêu biểu là HTX thương mại, dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi Đồng Phú.
Anh Lưu Văn Thanh, Phó giám đốc HTX cho biết, được thành lập vào năm 2017, từ 8 xã viên ban đầu, đến nay, số thành viên của HTX tăng lên 50 người với vốn điều lệ 3 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, HTX đã mạnh dạn chuyển đổi phương pháp truyền thống sang nuôi bò chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Với phương châm “chăn nuôi hướng đến nhu cầu thị trường”, HTX đã áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, đảm bảo đầu ra ổn định.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã chủ động hướng dẫn bà con lai tạo đàn bò giống, bò thịt theo hướng tăng trọng lượng và chất lượng thịt. Theo đó, bằng việc sử dụng các giống bò to cao, nhiều thịt, như 3B, Brahman phối giống bò bản địa, từ đó cho ra đời đàn bò lai có nhiều ưu điểm vượt trội như kháng bệnh tốt, thời gian nuôi ngắn, tỷ lệ thịt cao; thích nghi điều kiện tự nhiên.
Theo các thành viên HTX, nhờ lai tạo giống thành công, đối với bò cái, khoảng 6 tháng tuổi, bê đạt từ 180-220 kg/con, có giá khoảng 13-16 triệu đồng/con, đối với bê đực khi trưởng thành có thể đạt trọng lượng từ 850-1.050 kg/con xuất bán với giá 45-65 triệu đồng/con, giá trị tăng gấp 2 lần so với các giống bò trước đây, từ đó bò trở thành vật nuôi chính.
Ông Tôn Thất Bình là thành viên HTX chia sẻ, để giúp bà con chủ động nguồn thức ăn cho bò, HTX còn được hướng dẫn xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín. Theo đó, phân bò sau khi thải ra tận dụng để nuôi trùn quế, phân trùn quế và nước thải bón cho cỏ, cỏ làm thức ăn cho bò.
“Không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phân trùn quế được xem là phân tốt nhất hiện nay, nhờ vậy cỏ phát triển rất nhanh, khỏe, đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng cho bò”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Văn Tặng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cho biết: Vai trò của HTX thương mại, dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi Đồng Phú rất đáng ghi nhận. Để ngành chăn nuôi mang lại lợi ích kinh tế cho các nông hộ, bên cạnh sự hỗ trợ từ nhiều phía, như cơ chế chính sách khuyến nông, kỹ thuật thì người chăn nuôi phải thay đổi tư duy trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo tính an toàn và bền vững.
Chung tay từ Nhà nước
Bên cạnh sự chủ động của người dân, để ngành chăn nuôi bò trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Phước, thời gian qua còn có sự hỗ trợ không nhỏ từ trung ương và sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan, ban ngành chức năng địa phương.
Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ (KH- CN) trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của của Bộ KH- CN do Trung tâm KH- CN tỉnh Bình Phước là đơn vị chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia súc lớn (Phân viện chăn nuôi Nam bộ) là đơn vị hỗ trợ chuyển giao công nghệ là một minh chứng.
Theo đó, tổng kinh phí dự án 8 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH- CN Trung ương 3,86 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia dự án. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 7/2019 đến tháng 5/2022.
Ông Đàm Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm KH- CN tỉnh cho biết: Dự án tại tỉnh Bình Phước được triển khai gồm 5 bước. Cụ thể: Xây dựng mô hình nuôi bò Brahman tập trung quy mô 60 con, Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị con giống; xây dựng mô hình nuôi bò lai Sind phân tán, quy mô 100 con, Nhà nước hỗ trợ 50%; xây dựng mô hình bò hướng thịt quy mô 500 con, Nhà nước hỗ trợ thụ tinh nhân tạo; mô hình trồng cỏ nuôi bò với diện tích 7,5 ha; tập huấn, đào tạo 8 kỹ thuật viên tham gia dự án và chuyển giao 9 quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò giống, bò thịt, thụ tinh nhân tạo và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.
Để dự án triển khai đúng tiến độ, Trung tâm KH- CN tỉnh vừa tổ chức bàn giao 30 con bò giống Brahman của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia súc lớn cho Hợp tác xã bưởi da xanh, huyện Bù Đốp.
Ngoài mô hình chăn nuôi tập trung, thời gian tới, Trung tâm KH- CN tỉnh tiếp tục bàn giao 100 con bò Brahman cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Bù Đốp.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm KH- CN tỉnh cho biết: Từ 60 bò cái Brahman ban đầu, giá trị 33,75 triệu đồng/con, sau khi kết thúc dự án, giá trị 60 bò cái Brahman tăng lên 43,9 triệu đồng/con. 81 bê sinh ra từ 60 bò cái ban đầu, khi kết thúc dự án bê khoảng 12 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 200 kg, giá trị bê đạt 29,8 triệu đồng/con.
Như vậy, tổng giá trị tăng lên từ 60 bò cái Brahman ban đầu và 81 bê sinh ra là 5.057 triệu đồng. Nếu so với nuôi bò lai Sind tăng 4.206 triệu đồng, thì nuôi bò Brahman tăng cao hơn 19%. Nếu so với nuôi bò vàng địa phương chỉ tăng 1.900,4 triệu đồng thì nuôi bò Brahman tăng cao hơn 47,7%.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, hiện nay Bình Phước có 39.036 con bò tăng 2% so cùng kỳ 2019; trong tháng 8/2020 toàn tỉnh xuất chuồng 1.105 con bò, sản lượng bò hơi xuất chuồng ước đạt 192 tấn. Từ đầu năm 2020 đến tháng 8/2020 số con xuất chuồng đạt 11.850 con, tăng 2,51% (290 con) so với cùng kỳ.