| Hotline: 0983.970.780

Bình tâm, cặn kẽ và thấu đáo cháu nhé

Thứ Năm 27/12/2012 , 15:00 (GMT+7)

Chuyện của bố mẹ nếu viết ra thì như là vạch áo cho người xem lưng. Người mình có câu “tốt khoe, xấu che”, nhưng nhà nào cũng có mặt tốt và mặt tối, đúng không cô?

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Chuyện của bố mẹ nếu viết ra thì như là vạch áo cho người xem lưng. Người mình có câu “tốt khoe, xấu che”, nhưng nhà nào cũng có mặt tốt và mặt tối, đúng không cô?

Bố mẹ cháu vào Nam cách đây đã mấy chục năm, khi anh em cháu còn bé tí. Bố là bác sĩ giỏi nên đời sống ở thành phố nhanh chóng ổn định nhờ nhiều mối quan hệ. Mẹ cháu xưa làm thương nghiệp, khi kinh tế tự do thì mậu dịch quốc doanh hết thời, mẹ làm văn phòng một chi nhánh của bộ rồi về hưu non. Cháu thấy mẹ mất quyền trong khi bố ngày càng thành công, mát tay. Anh cháu đi theo con đường của bố, tốt nghiệp, đi du học ở Pháp, cưới vợ và làm việc ở Singapore. Cháu đi ngành kinh tế, nhờ học giỏi nên làm được với công ty nước ngoài, cuộc sống không khiến bố mẹ hai bên hỗ trợ gì cả.

Rồi mẹ cháu phải sang bên ấy để giúp anh chị nuôi con nhỏ. Chị dâu không có mẹ ruột để nhờ, mẹ cháu là chỗ dựa duy nhất. Bên ấy thuê người không có, giá quá cao. Mẹ cháu đi miết nên bố cháu đã không giữ được mình. Người mà bố quan hệ lại là cô giúp việc của bố mẹ, người mà mẹ kèm cặp để chăm sóc bố và nhà cửa. Cô ấy là người dân tộc, mù chữ nhưng khỏe mạnh và trẻ hơn bố cháu 35 tuổi. Cú sốc này quá lớn với gia tộc cháu, không ai ngờ một cô bé nhỏ hơn anh em cháu, mù chữ mà lại thoán đoạt được vị trí của mẹ cháu. Làm sao có thể nghĩ về già bố mình lại đổ đốn như vậy hở cô?

Anh trai cháu nhất quyết không cho mẹ về. Bố cháu đã đưa cô ta về căn hộ ở chung cư cũ để sống. Ngôi nhà của bố mẹ hiện cháu đang quản lý. Cháu dám đánh đổi cả ngôi nhà này để có được những ngày ấm áp khi xưa bên bố mẹ. Cuộc sống từ thanh sạch yên vui sao khi đầy đủ thì lại tan đàn xẻ nghé như thế hở cô? Thật không còn biết cất vào đâu sự xấu hổ này. Bố từng muốn bán ngôi nhà nếu có sự đồng ý của mẹ. Bán để làm gì kia chứ. Anh em cháu không để cho bố được toại nguyện. Bố biết là sẽ không có chuyện quay lại với mẹ vì chúng cháu không để việc ấy xảy ra. Nhưng gần đây bố lại bảo muốn bán căn hộ bố đang ở để đi xây nhà tiếp đất. Vì nhà này bố mua từ lâu để cho thuê, có cả mẹ đứng tên. Mẹ đã xiêu lòng, nhưng cháu thì không đồng ý.

Chúng cháu không có quyền với những ngôi nhà của bố mẹ. Nhưng chúng cháu cũng không để bố cháu bị lợi dụng dễ dàng. Nhiều lúc cháu cũng phân vân, không biết mình có “ngang ngược” như bố trách mắng không? Cháu rất muốn nghe ý kiến của cô.

Xin phép cô giấu email cho cháu.

Cháu thân mến!

Cô cũng thường nghĩ, bây giờ sao con người hay trượt dài như vậy. Thời chiến tranh đàn ông chinh chiến, phụ nữ có ở gần đâu nhưng đa số đều giữ được lòng trung với nhau. Thời hậu chiến xám xịt, như cháu nói, thiếu thốn trăm bề nhưng số đông vẫn vui, vẫn sạch. Bây giờ tiền bạc lên ngôi chăng? Giàu nên đổi bạn mà đổi vợ như bố cháu không phải đổi vì sang. Bố đã có tuổi, mẹ đi xa không lâu sao lại đổ vỡ dễ dàng như vậy?

Thì ra, tắt đèn nhà ngói như nhà tranh. Khi mẹ sắp xếp cô gái ấy chăm sóc bố, mẹ quên rằng ngày ngày có trai có gái trong ngôi nhà của mẹ ấy. Đàn ông hồi xuân, đàn ông có lòng phản thì như vậy là “cơ hội vàng” còn gì. Nhiều người họ giỏi hình dung, họ tránh được, họ nhờ bà con, thậm chí cô biết có người còn thuê đàn ông làm quản gia cho an toàn. Chuyện đã lỡ, như mình vô ý đưa trộm vào nhà, giờ thì hậu quả là khó lường. Vì sao cô nói khó lường? Là vì cô ấy trẻ, bố đang hồi xuân, nếu họ có con với nhau thì việc ly dị giữa bố với mẹ là đương nhiên.

Đúng, những căn nhà mà bố mẹ là của chồng công vợ, các cháu được thừa kế khi bố mẹ có di chúc hoặc một trong hai người đi “sum họp với ông bà” sớm. Trong cuộc chiến tranh (tạm gọi là như vậy) này, hãy tùy mẹ quyết định. Bố đã lỡ, không đăng ký kết hôn thì cô gái không được có phần với số nhà cửa đã có từ lâu. Nhưng bố đã quyết thì nên xem, có thể cô ấy sẽ có con và hãy nghĩ đến chuyện ly dị với mẹ. Ly dị và tài sản, hai việc ấy là việc của tòa, của hai người trước tòa.

Cô vẫn nghĩ, sao các cháu không nhiều tình thương với bố mà chỉ nghe nhà và nhà. Bố gầy dựng, bố đã lạc lòng và có bến mới, kệ bố đi. Ông ấy muốn thay đổi không gian, từ ông chủ với ô-sin ở khu chung cư cũ ấy, đến việc tổ chức cuộc sống ở nơi khác, vợ trẻ chồng già, không ai biết họ là ai nữa. Đành rằng các cháu ức cho mẹ, đứng về phía mẹ, nhưng mẹ “tha” sao mình lại làm mình làm mẩy với bố quá vậy? Nói chung, đã tan thì đừng làm cho nát hơn. Bố vẫn là người sinh ra mình, giận thì xa chứ sao khi bố già sụ, thì các cháu vẫn hướng về với ông, do tình thương tự nhiên nó vậy.

Bình tâm, cặn kẽ và thấu đáo đi, cháu nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm