Nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh, thảm thực bì ở các khu vực rừng khộp, rừng trồng hầu hết đã khô kiết có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Mới đây Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV (rất nguy hiểm) và cấp V (cực kỳ nguy hiểm) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cảnh báo cháy rừng cấp IV đối với các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh, Phú Quý, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết. Riêng địa bàn bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam cảnh báo cháy rừng cấp V.
Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đề nghị Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện đến các xã, phường, thị trấn; Hạt Kiểm lâm các huyện; Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và các đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện nghiêm phương án của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Thuận về bảo vệ rừng, phòng, chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Đồng thời triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ theo phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của đơn vị đã được ban hành. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các khu vực dễ xảy ra cháy rừng để có biện pháp chủ động kiểm soát tình hình cháy rừng.
Khi phát hiện có xảy ra cháy rừng thì tổ chức lực lượng chữa cháy kịp thời, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn, cháy lan trên diện rộng gây thiệt hại tài nguyên rừng.
Đối với các Hạt Kiểm lâm cấp huyện tham mưu cho Ban chỉ huy Bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng và các xã có rừng tăng cường kiểm tra công tác ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm cháy, chòi canh.
Lực lượng canh phòng trực phải đảm bảo thời gian quy định; dừng thực hiện biện pháp đốt giảm vật liệu cháy. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu cho Chủ tịch UBND xã tuyên truyền trên loa phóng thanh của địa phương về việc nghiêm cấm người dân đốt dọn nương rẫy tại các khu vực ven rừng và khu vực trọng điểm. Cũng như tổng hợp thông tin và diễn biến tình hình cháy rừng trên địa bàn huyện báo cáo về Chi cục Kiểm lâm vào 15 giờ hàng ngày.
Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực để thực hiện hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra ở các địa phương và đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh theo lệnh điều động của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.
Các Ban quản lý rừng phòng hộ; Khu bảo tồn thiên nhiên; Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp; Trường bắn quốc gia Khu vực 3 (TB3); Trại giam Thủ Đức (Z30D) và các chủ rừng khác tổ chức trực ban; phân công lực lượng ứng trực canh phòng 24/24 giờ thường xuyên tại các khu vực trọng điểm cháy, chòi canh và ngoài hiện trường rừng, nhất là vào giờ cao điểm; phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải đã ký văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, kiểm tra tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, để phòng, chống cháy rừng hiệu quả, đơn vị đã chỉ đạo các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024. Tăng cường hoạt động tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rừng, tu sửa các bảng biển cảnh báo tại các địa bàn trọng điểm. Thực hiện làm cam kết phòng cháy chữa cháy rừng đối với các hộ gia đình sinh sống trong và ven rừng, nghiêm cấm việc đốt dọn nương rẫy trong mùa cao điểm cháy. Đồng thời thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo hàng ngày về tình hình cháy rừng về Ban chỉ huy cấp huyện và Chi cục Kiểm lâm để theo dõi.
Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, với thời tiết khô hanh kéo dài có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng, tốc độ cháy lan rất nhanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn là rất cao. Do đó để ứng phó, ông lưu ý các đơn vị chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng tới mọi người dân sống ven gần rừng. Còn các cơ quan chuyên môn, đơn vị chức năng cần thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm các điểm cháy. Đồng thời hướng dẫn các biện pháp sử dụng lửa an toàn trong sản xuất và sinh hoạt trong thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng. Đặc biệt các lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng phải luôn đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.