| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận đẩy lùi bệnh đốm nâu thanh long

Thứ Sáu 03/04/2015 , 06:12 (GMT+7)

Diện tích thanh long bị bệnh đốm nâu tại Bình Thuận trong tháng 3/2015 chỉ còn 1.527 ha, đã giảm 5.051 ha so với tháng 12/2014.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, hiện diện tích cây thanh long của tỉnh là 24.212 ha, trồng tập trung ở 7/10 huyện, TX, TP. Năm 2014, bệnh đốm nâu đã gây nhiều thiệt hại cho người trồng thanh long; cao điểm trong tháng 8 - 9 có tới 12.870 ha nhiễm bệnh, chiếm 53,1% diện tích thanh long toàn tỉnh.

Để tiêu diệt nguồn bệnh và hạn chế tối đa sự lây lan của nấm bệnh, Bộ NN-PTNT đã phát động “Tháng hành động phòng chống bệnh hại thanh long” từ ngày 28/11- 31/12/2014 trên địa bàn 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An.

UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp bàn triển khai tháng cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long. Trên cơ sở quy trình phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long do Cục BVTV ban hành, tỉnh đã chỉ đạo Chi cục BVTV hoàn chỉnh tài liệu để chuyển giao, hướng dẫn cụ thể cho cán bộ cơ sở, nông dân.

Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan dồn sức, tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tập huấn để người dân nắm bắt quy trình phòng chống bệnh.

Kết quả, từ khi phát động tháng cao điểm đến nay Bình Thuận đã tổ chức vệ sinh 8.863 ha thanh long; mở 192 lớp tập huấn với 10.678 cán bộ, nông dân tham gia; cấp phát 38.904 tờ rơi; cung ứng 878 gói chế phẩm BIO-ADB để tiêu hủy hàng ngàn tấn cành thanh long bị bệnh.

Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết: Từ khi triển khai tháng hành động phòng chống bệnh đốm nâu, UBND các huyện, xã đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh.

Kết quả bước đầu là đáng khích lệ. Nhận thức của chính quyền các cấp và người trồng thanh long đã nâng lên.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, điều kiện thời tiết đang thuận lợi cho việc phòng chống bệnh thanh long và tiến hành vệ sinh vườn sau vụ chong đèn. UBND các huyện, TX, TP cần phối hợp với Chi cục BVTV, Trung tâm KN-KN, Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long... tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh vệ sinh, chăm sóc vườn; xử lý cành, trái bị bệnh, tăng cường tiêu diệt nguồn bệnh từ nay đến đầu mùa mưa, không để bào tử nấm bệnh có điều kiện phát tán.

Nhiều mô hình xử lý cành thanh long bị bệnh được triển khai thực hiện có hiệu quả, được người dân đồng tình hưởng ứng nhân rộng. Công tác vệ sinh vườn, thu gom tàn dư cành, trái thanh long tại các nơi công cộng được quan tâm xử lý; nhiều địa phương có cách làm hay như treo băng rôn nơi công cộng, tuyên truyền cho cả cơ sở thu mua, sơ chế thanh long.

Ông Lê Hoàng Anh ở thôn Liêm Bình, xã Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) cho biết, hưởng ứng chiến dịch vệ sinh vườn thanh long, thu gom, xử lý, tiêu hủy cành quả bị bệnh bằng chế phẩm BIO - ADB, chất phụ gia và vôi nhằm tiêu hủy mầm bệnh đốm nâu, ông đã áp dụng trên vườn thanh long 2.500 trụ của gia đình.

Đống ủ đầu tiên được gia đình ông thực hiện khoảng 600 kg cành, quả thanh long bị bệnh sau 38 ngày ủ cho ra khoảng 200 kg phân. Để xử lý cành và ủ hiệu quả, ông quy hoạch phân lô ngay tại vườn; khoảng cách giữa hai lô cách nhau 5 m.

“Nếu không phân lô để ủ thì việc vận chuyển cành thành đống rất khó khăn, do đó mỗi lô tôi thực hiện một đống ủ cành. Còn việc dùng chế phẩm BIO - ADB, chất phụ gia và vôi xử lý cành thanh long làm phân bón có ý nghĩa rất lớn đối với nhà vườn, ngoài yếu tố tiêu hủy mầm bệnh, làm sạch vườn còn giúp nhà nông tiết kiệm chi phí mua phân bón”, ông Anh chia sẻ.

Tương tự, ông Lê Trạc Trung, xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam cho biết, ông làm theo hướng dẫn thu gom, xử lý, tiêu hủy cành quả thanh long bị bệnh bằng chế phẩm BIO-ADB, đến nay bệnh đốm nâu đã bị đẩy lùi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai tháng hành động còn một số tồn tại như việc tuyên truyền ở một số nơi chưa sâu rộng, một bộ phận nông dân chưa nắm chắc, đặc biệt còn tâm lý chờ đợi thuốc BVTV đặc trị nên chưa thực hiện quy trình phòng chống bệnh của cơ quan chuyên môn.

Vườn thanh long được tiến hành vệ sinh còn ít do người dân ngại tốn công cắt tỉa cành bệnh, cành già... Ngoài ra, việc chặt tỉa cành bệnh và ủ chế phẩm BIO - ADB chưa nhiều, kết quả thu gom cành thanh long ở nơi công cộng còn thấp so với yêu cầu...

Xem thêm
Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Một xã thu 135 tỷ đồng mỗi năm từ cây ổi

HẢI DƯƠNG Cây ổi chiếm 95% diện tích canh tác của xã Liên Mạc. Cây ổi dễ áp dụng VietGAP, nhanh cho khai thác kinh doanh, thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với trồng vải.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).