| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận giải quyết các vấn đề bức xúc

Thứ Tư 26/07/2023 , 10:14 (GMT+7)

Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững, tỉnh Bình Thuận tập trung nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại.

Bộ mặt vùng nông thôn ở tỉnh Bình Thuận ngày càng khởi sắc. Ảnh: ĐB.

Bộ mặt vùng nông thôn ở tỉnh Bình Thuận ngày càng khởi sắc. Ảnh: ĐB.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Thuận đã triển khai khá đầy đủ và cơ bản hoàn thành hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành. Hầu hết các nội dung chỉ đạo đã được các sở, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai có trách nhiệm, có chuyển biến tích cực. Cũng như có sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2023, việc vận động nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn. Một số nơi, kết quả thực hiện chưa thực sự bền vững về các tiêu chí như môi trường, an ninh trật tự, nâng cao thu nhập của người dân...

Phong trào thi đua “dân vận khéo” trong tham gia xây dựng NTM chưa thật sự lan tỏa trong cộng đồng. Tình hình an ninh nông thôn ở một số nơi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tư như: trộm cắp tài sản, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chưa kiềm chế. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ nông thôn, cơ sở vật chất trường học còn hạn chế.

Đến năm 2022, tỉnh Bình Thuận có 2 xã của huyện Hàm Thuận Bắc, 2 xã của huyện Hàm Tân và 5 xã của huyện Đức Linh không đạt kế hoạch UBND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Mặt khác, việc giải ngân nguồn vốn Trung ương thực hiện chương trình năm 2022 chuyển sang thực hiện 2023 còn chậm.

Trước những khó khăn, tồn tại trên, để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn về các phong trào thi đua xây dựng NTM.

Thực hiện có hiệu quả 11 nội dung của chương trình và các chương trình chuyên đề thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM. Có như vậy mới nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, cũng như giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM. Đó là các vấn đề như môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã...

Người dân vùng nông thôn xây nhà khang trang. Ảnh: ĐB.

Người dân vùng nông thôn xây nhà khang trang. Ảnh: ĐB.

Cùng với đó, để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, các địa phương cần đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản. Áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị. Cũng như thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn và phát triển đa dạng các sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Về nhiệm vụ trước mắt tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch các Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2023 trên địa bàn một cách quyết liệt. Đồng thời tập trung đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM năm 2022 chuyển sang năm 2023 và nguồn vốn được giao năm 2023.

Còn để đạt mục tiêu Nghị quyết 06 ngày 16/10/2020 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ông Nguyễn Hữu Phước đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành các kế hoạch được tỉnh giao tại Quyết định số 1032 ngày 3/6/2023 và Quyết định 1678 ngày 9/8/2022. Địa phương nào không đạt kế hoạch sẽ phải chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo và Chủ tịch UBND tỉnh.

Do đó để kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, trong công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương cần quán triệt sâu rộng tới các cấp chính quyền và người dân về phương châm xây dựng NTM là của dân, do dân, người dân hưởng lợi, dân làm, nhà nước hỗ trợ, tránh tâm lý ỷ lại vào ngân sách và người dân cũng cần nâng cao sự tự chủ để cuộc sống khá giả hơn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.