| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT chỉ thị tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng

Thứ Hai 28/03/2022 , 16:48 (GMT+7)

Ngày 28/3, Bộ NN-PTNT đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Ngày 28/3, Bộ NN-PTNT ban hành Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững.

Cả nước hiện có khoảng 4.000 mã số vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói trải dài trên 50 tỉnh, thành phố. Ảnh: NNVN.

Cả nước hiện có khoảng 4.000 mã số vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói trải dài trên 50 tỉnh, thành phố. Ảnh: NNVN.

"Số hóa" việc quản lý mã số vùng trồng

Là đơn vị quản lý, tham mưu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) được giao 6 nhiệm vụ. Một là hoàn thiện xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia; cập nhật tài liệu hướng dẫn về thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để tập huấn cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Hai là chủ động đàm phán với cơ quan kỹ thuật của nước xuất khẩu để mở cửa thị trường, tăng số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu; giải quyết các rào cản kỹ thuật để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Ba, chủ trì, phối hợp địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Bốn, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho từng đối tượng áp dụng (người nông dân, doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật địa phương...) về các quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm theo chuỗi, từ sản xuất đến xuất khẩu trên từng loại sản phẩm trồng trọt; đảm bảo nguyên tắc dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ áp dụng.

Năm, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu về vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo sử dụng dữ liệu hiệu quả và truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch.

Sáu, phối hợp và hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở thực tế, đặc thù và nhu cầu của từng địa phương.

Cục BVTV hiện có chủ trương phân cấp quản lý mã số vùng trồng về địa phương. Ảnh: NNVN.

Cục BVTV hiện có chủ trương phân cấp quản lý mã số vùng trồng về địa phương. Ảnh: NNVN.

Khắc phục những hạn chế trong quản lý mã số vùng trồng

Bên cạnh nhiệm vụ chính giao cho Cục BVTV, Bộ NN-PTNT giao các Cục, Vụ liên quan phối hợp Cục BVTV trong công tác tuyên truyền, triển khai thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. 

Với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, Bộ NN-PTNT giao nghiên cứu, đề xuất đưa các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào Chương trình Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đơn vị có trách nhiệm xây dựng các chương trình tập huấn, truyền thông về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong kế hoạch hoạt động hàng năm của hệ thống khuyến nông.

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thực hiện công tác tổ chức thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV tại các vùng trồng được cấp mã số.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tỷ lệ diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng chưa cao, và mới tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực.

Ngoài ra, công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số nơi còn hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, tình trạng "mạo danh" mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm hay phòng chống Covid- 19 của vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn tồn tại.

Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước xuất khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Những vấn đề kể trên gây ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, cũng như kim ngạch xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp. 

Hiện nay, việc quản lý mã số vùng trồng vẫn còn nhiều bất cập tại nhiều địa phương. Ảnh: NNVN.

Hiện nay, việc quản lý mã số vùng trồng vẫn còn nhiều bất cập tại nhiều địa phương. Ảnh: NNVN.

Song song với phân nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; đồng thời xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT cũng khuyến nghị về công tác tập huấn, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân tại địa phương. Cụ thể, nông dân cần được hướng dẫn về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc; giám sát dư lượng thuốc BVTV; duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Liên quan tới việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ NN-PTNT (Cục BVTV) xây dựng. Bên cạnh đó, Sở và Phòng NN-PTNT cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn; bố trí cán bộ đầu mối thông tin.

Bộ NN-PTNT đề nghị các hiệp hội ngành hàng tăng cường tuyên truyền cho hội viên về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu; phối hợp Cục BVTV và cơ quan địa phương trong việc phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.