| Hotline: 0983.970.780

Bố trí không gian biển để phát triển thủy sản: Ưu tiên số 1 của Nam Định

Chủ Nhật 21/05/2023 , 14:31 (GMT+7)

Trong kế hoạch sử dụng, khai thác tài nguyên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ưu tiên số 1 của Nam Định là bố trí không gian biển để phát triển ngành thủy sản.

Ưu tiên số 1 của Nam Định là bố trí không gian biển cho phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Huy Bình.

Ưu tiên số 1 của Nam Định là bố trí không gian biển cho phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Huy Bình.

UBND tỉnh Nam Định vừa công bố Kế hoạch số 78 về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thực hiện Nghị quyết số 48 của Chính phủ.

Tại Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 48; xác định tài nguyên, môi trường biển là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh và phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển kinh tế biển xanh; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển là quyền lợi, trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động khu vực ven biển, trên biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới biển của tỉnh.

Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2030, tài nguyên biển của tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trong đó, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: (1) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Du lịch và dịch vụ biển; (4) Công nghiệp ven biển; (5) Khai thác các tài nguyên khoáng sản biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Cá bống bớp - một đặc sản của vùng nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Huy Bình.

Cá bống bớp - một đặc sản của vùng nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Huy Bình.

Ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả.

Đến năm 2030, ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển.

Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển, giữ ổn định diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 8-9% diện tích vùng ven biển của tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 2%.

Ưu tiên số 1 cho ngành thuỷ sản

Tại Kế hoạch số 78 vừa ban hành, Nam Định xác định mục tiêu số 1 là sử dụng tài nguyên biển dành cho mục tiêu phát triển ngành thủy sản toàn diện trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản. Đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 230.150 tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 170.150 tấn, khai thác thủy sản đạt 60.000 tấn.

Ngư dân Nam Định chuẩn bị lưới cho một chuyến xa khơi. Ảnh: Kiên Trung.

Ngư dân Nam Định chuẩn bị lưới cho một chuyến xa khơi. Ảnh: Kiên Trung.

Việc phân vùng sử dụng không gian biển theo hướng từng bước khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các đơn vị, địa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sinh kế của người dân, bảo đảm môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển được bảo vệ hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy và vùng đệm, đến năm 2030 duy trì diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 8-9% diện tích vùng ven biển; diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi tối thiểu bằng mức năm 2000. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi.

Thiết lập, mở rộng và tăng cường năng lực quản lý các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các loài thủy sản. Đến năm 2030, 100% các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xác định và quản lý hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn. Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; kiểm soát chặt chẽ sự du nhập các giống, loài thủy sản ngoại lai và sự du nhập sinh vật ngoại lai qua hoạt động vận tải biển.

Ông Trần Anh Dũng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định) và ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) thả cá giống tại VQG Xuân Thuỷ vào ngày 1/4/2023. Ảnh: Huy Bình.

Ông Trần Anh Dũng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định) và ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) thả cá giống tại VQG Xuân Thuỷ vào ngày 1/4/2023. Ảnh: Huy Bình.

Các thứ tự ưu tiên tiếp theo của Nam Định trong kế hoạch sử dụng tài nguyên biển để phát triển kinh tế lần lượt là thương mại, dịch vụ, du lịch biển; dịch vụ vận tải biển gắn với hạ tầng Logistics kết nối liên thông với các cảng biển; tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, dầu khí tại vùng biển tỉnh quản lý. Nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản, kết hợp hài hòa giữa khai thác với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Nam Định cho biết sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, khảo sát phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường. Tại các khu vực, địa điểm có thể lấn biển, sẽ có hướng cho phép nhận chìm để hình thành các khu kinh tế - xã hội ven biển.

Đối với các khu, cụm công nghiệp ven biển đã hình thành, kế hoạch năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn thành hạ tầng và sớm lấp đầy các nhà đầu tư, như tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng), Cụm công nghiệp Thịnh Lâm - Giao Thủy, Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân - Hải Hậu; hoàn thành đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ…

Nam Định thu hồi đầm nuôi trồng thuỷ sản để chuyển đổi mục đích phát triển công nghiệp ven biển. Ảnh: Kiên Trung.

Nam Định thu hồi đầm nuôi trồng thuỷ sản để chuyển đổi mục đích phát triển công nghiệp ven biển. Ảnh: Kiên Trung.

Đây không phải lần đầu tiên Nam Định xác định ngành thủy sản là mục tiêu trọng điểm, mũi nhọn trong khai thác, phát triển nguồn lực biển.

Tháng 12/2018, Nam Định công bố Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tại Quy hoạch này, ngành thủy sản được tỉnh xác định là ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp gắn với việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, đến năm 2020, tỉnh Nam Định ban hành QĐ số 1645 về việc chấm dứt hiệu lực thi hành Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản; chuyển đổi một số khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển làm khu công nghiệp tại các huyện ven biển Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ…

Sau đó, địa phương này đã ra quyết định thu hồi không đền bù hàng trăm ha đầm bãi nuôi trồng thủy sản ven biển để chuyển đổi mục đích sử dụng đất khiến nhiều vùng nuôi trồng thủy sản bị xoá sổ, nhường không gian biển cho khu công nghiệp.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.