| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Không bán lợn qua đường tiểu ngạch

Thứ Năm 17/10/2019 , 17:54 (GMT+7)

Để tránh việc giá lợn tăng quá cao, quá nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất cân đối cung cầu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị doanh nghiệp, người dân lúc này cần phải có trách nhiệm với đất nước, với xã hội không bán lợn hơi qua biên giới.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi phải làm hạt nhân nòng cốt giữ bình ổn giá lợn trong nước ở thời điểm hiện tại.

Theo số liệu báo cáo của ngành chăn nuôi, thú y sáng 17/10 tại Hội nghị "Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững” do Bộ NN-PTNT tổ chức, tính đến ngày 15/10, lũy kể tổng số đầu lợn bị chết và tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi mà người dân báo cáo thống kê được khoảng 5,6 triệu con, tổng sản lượng 320.000 tấn, chiếm 8,3% tổng sản lượng thịt cả nước.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu không cẩn thận sẽ có sốt giá trong thời gian tới đây. Bởi việc giảm gần 10% sản lượng thịt lợn không quá ảnh hưởng lớn thị trường tiêu dùng mà chủ yếu do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê, hiện nay Trung Quốc có nơi giá 1kg thịt lợn hơi lên tới 150.000 đồng/kg, trung bình cũng 120.000 - 130.000 đồng/kg, nên nếu để lợn trong nước thẩm lậu tiểu ngạch qua biên giới sẽ tác động rất lớn thị trường nội địa. Theo thông kê khảo sát, có ngày một cửa khẩu phía Bắc có cả nghìn con lợn được thẩm lậu tiểu ngạch qua. 

Do đó, ở thời điểm này, ngoài việc kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương không cho nhập khẩu thịt vào trong nước thì các doanh nghiệp trong nước cũng cần có trách nhiệm với đất nước, với xã hội là không bán lợn tiểu ngạch qua bên kia biên giới nhằm giữ được mức giá lợn ổn định như hiện nay.

“Muốn thay cơ cấu thịt lợn không phải dễ, có khi phải mất hàng thập kỷ. Đơn cử như Trung Quốc với quy mô 700 triệu đầu lợn như hiện nay, muốn khôi phục lại ngành chăn nuôi không hề đơn giản. Ngay cả 12 nước xung quanh Việt Nam cũng vậy. Trong khi đó chúng ta vẫn cơ bản giữ được đàn nái cụ kỵ, ông bà trên 100.000 con, ngành thức ăn chăn nuôi đã đạt sản lượng 20 triệu tấn, lớn nhất ASEAN hiện tại nên phải coi đây là thời cơ của chăn nuôi lợn Việt Nam. Do đó, muốn tận dụng được thời cơ để phát triển bền vững phải đảm bảo duy trì được sự ổn định", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Để giữ ổn định giá lợn trong nước không tăng quá cao, Bộ NN-PTNT đề nghị doanh nghiệp, người dân, thương lái không bán lợn tiểu ngạch sang bên kia biên giới.

Bộ NN-PTNT khẳng định, không bao giờ có chuyện sốt giá mất cân đối tuyệt đối giá lợn quý 4 và đầu năm 2020 nếu xét đúng bản chất của vấn đề, bởi gia cầm năm nay tăng trưởng trên 12%, gia súc 5%, thủy sản 6,5% cộng với lượng lợn trong doanh nghiệp, trong dân vẫn còn khá lớn khi mới chỉ tiêu hủy khoảng 5,6 triệu con/tổng đầu lợn 40 triệu con của nước ta.

Trong tình hình này, đòi hỏi khâu chỉ đạo phải hết sức tập trung, hết sức căn cơ, bài bản, doanh nghiệp phải làm hạt nhân lúc này để người dân ủng hộ. Trước mắt, Bộ NN-PTNT đề nghị cố gắng giữ để không bị xáo trộn về mặt thị trường. Đây là chính cơ hội để chúng ta xác định lợi thế chiến lược trong trung và dài hạn.

Bộ trưởng đề nghị người chăn nuôi lợn đến tuổi phải xuất chuồng, không bán lợn sang bên kia biên giới để giữ ổn định trong nước.

Theo Bộ trưởng, việc xuất khẩu tiêu ngạch có 3 nguy cơ. Thứ nhất, phía bạn không khuyến khích cũng không yêu cầu ta hỗ trợ. Thứ hai, nguy cơ rủi ro rất cao về dịch bệnh lây nhiễm chéo trở lại. Thứ ba, hệ lụy nhãn tiền là nguy cơ rủi ro tới kinh tế, vì đi tiểu ngạch có thể nay được nhưng mai lại mất, lúc đó không biết kêu ai.

“Tôi kêu gọi tất cả các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tiếp tục gia công mở rộng chuồng trại, tiếp tục tái đàn mở rộng chăn nuôi tối đa trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh. Phải giữ được cục diện toàn bộ đàn giống gốc, đây là chìa khóa vàng khôi phục phát triển chăn nuôi trong tương lai.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn tới đây hãy cùng với Bộ tổng kết các quy trình ở các hình thái khác nhau trong phòng chống dịch bệnh và an toàn sinh học. Trong lúc khó khăn, nóng bỏng này, các doanh nghiệp lớn phải là hạt nhân giữ ổn định thị trường. Đó là điều tích cực với người chăn nuôi, với người tiêu dùng và cuối cùng mới là ổn định chỉ số giá tiêu dùng và kinh tế vĩ mô nhà nước", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.