| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị kiểm dịch xe vận chuyển lợn giống bằng GPS

Thứ Năm 17/10/2019 , 15:55 (GMT+7)

Tại hội nghị “Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững” do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 17/10, các doanh nghiệp kiến nghị thay đổi cách quản lý, kiểm soát vận chuyển lợn giống.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lợn kiến nghị ngành Thú y áp dụng GPS hoặc tách biệt hệ thống kiểm dịch động vật giữa heo giống và heo thịt.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn kiến nghị, ngành thú y, Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xem xét thay đổi lại hệ thống, cách thức quản lý việc vận chuyển heo giống hiện nay.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, việc dừng xe, sát trùng tại các trạm kiểm soát, kiểm dịch động vật hiện nay tiềm ẩn rất lớn nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh do bất cứ xe chở lợn nào cũng dừng và kiểm tra tại đó. Do đó, C.P Việt Nam kiến nghị nên có hệ thống kiểm soát thú y và phun sát trung riêng cho xe chở lợn giống, lợn cụ kỵ, ông bà, lợn nái, tránh lẫn lộn với lợn thịt.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng có thể yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết tự chịu trách nhiệm về lợn giống của mình. Thực tế, hiện nay tất cả các xe chuyên dụng vận chuyển lợn giống đều có gắn thiết bị định vị GPS nên lợn được vận chuyển từ đâu, đi đến chỗ nào đều được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, chi tiết trên internet.

Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn cũng đề xuất, Bộ NN-PTNT ngoài việc hướng dẫn an toàn sinh học đã tốt, cần tăng cường phổ biến, tập huấn, tuyên truyền các kỹ thuật tiêu độc, khử trùng, xử lý chuồng trại ở những trang trại đã bị dịch đạt an toàn sinh học để sớm có thể vào lợn tái đàn.

"C.P Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT ban hành thêm hướng dẫn chi tiết quy trình, yêu cầu, thủ tục tái đàn tại những trại chưa bị dịch, những trại đã bị dịch đủ điều kiện tái đàn. Đồng thời, tạo điều kiện cấp phép trại mới tại những vùng chăn nuôi còn tiềm năng quy đất đã trong vùng quy hoạch chăn nuôi cho các doanh nghiệp có đủ nguồn lực, nhu cầu tái đàn, phát triển chăn nuôi bền vững”, ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của phía C.P Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So, đề nghị Cục Thú y xem xét điều chỉnh, thay đổi phương pháp kiểm soát vận chuyển, quản lý lợn giống phù hợp với thực tiến phát triển, bởi việc kiểm tra lợn giống bằng mắt thường của cán bộ thú y tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật thực tế phát huy hiệu quả không cao.

Trước các đề xuất hoàn toàn chính đáng, hợp lý của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn, Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường hoàn toàn nhất trí, ủng hộ phương án áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý xe vận chuyển lợn giống.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp cới các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, giám sát vận chuyển lợn giống trình Bộ để sớm ban hành, qua đó làm sao hạn chế tối đa nguy cơ lây lan chéo trong quá trình vận chuyển giống, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo Nhà nước quản lý và giám sát tốt tình hình dịch bệnh, thú y.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.