| Hotline: 0983.970.780

Bồi bổ 'sức khỏe' đất, năng suất, chất lượng cây dược liệu tăng rõ rệt

Thứ Tư 12/07/2023 , 09:31 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Cây dược liệu đem lại thu nhập ổn định cho người dân Cam Lộ nhưng năng suất nhiều nơi đang giảm khi đất đai thoái hóa, bạc màu sau nhiều chu kỳ canh tác.

Năng suất cây dược liệu giảm sau nhiều chu kỳ canh tác

Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (Công ty An xuân) tại xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) hiện đang liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương trồng cây dược liệu, chủ yếu là cà gai leo và chè vằng. Toàn bộ dược liệu trồng tuân thủ quy trình sẽ được Công ty An Xuân thu mua chế biến.

Đất trồng cây dược liệu đang có dấu hiệu thoái hóa, ngày một cằn cỗi. Ảnh: Võ Dũng.

Đất trồng cây dược liệu đang có dấu hiệu thoái hóa, ngày một cằn cỗi. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, điều khiến bà Trần Lê Quỳnh Diễm, Giám đốc Công ty An Xuân, lo lắng nhất hiện nay là đất trồng cây dược liệu đang có dấu hiệu thoái hóa, ngày một cằn cỗi.

“Chúng tôi liên kết với người dân và mong muốn có nguồn nguyên liệu chế biến đạt chuẩn với năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Nhưng đất đang có dấu hiệu thoái hóa, bạc màu. Nếu không cải tạo đất đúng quy trình, năng suất, chất lượng cây dược liệu đều giảm”, bà Diễm lo lắng.

Trước thực trạng trên, vài năm lại đây, Công ty An Xuân đã bắt tay thực hiện quy trình cải tạo đất và nhân rộng để các hộ trong mối liên kết cùng thực hiện. Theo đó, tất cả phụ phẩm trong quá trình chế biến dược liệu được thu gom, cộng với phân chuồng thu mua sẽ được ủ với các chế phẩm sinh học để có nguồn phân hữu cơ cải tạo đất.

Theo bà Diễm, cải tạo đất thực hiện đồng thời với quá trình trồng cây dược liệu và không được nóng vội. Khi đất được trả lại những gì vốn có thì năng suất, chất lượng cây trồng sẽ nâng lên.

Công ty An Xuân sử dụng phân bón hữu cơ để cải tạo đất. Ảnh: Võ Dũng.

Công ty An Xuân sử dụng phân bón hữu cơ để cải tạo đất. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Lê Quang Hòa ở thôn Tân Quang, xã Cam Tuyền vừa liên kết trồng cây 1ha cà gai leo với Công ty An Xuân. Theo ông Hòa, việc công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao khi được trồng đúng quy trình giúp người dân yên tâm đầu tư. Sau quá trình cải tạo đất, cây cà gai leo của gia đình ông đang phát triển nhanh, hứa hẹn năng suất cao. Nhờ được đầu tư hệ thống tưới tự động, phủ nilon cho luống nên với ông Hòa, trồng cây dươc liệu rất nhàn nhã.

Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, diện tích trồng dược liệu của Công ty An Xuân và các hộ liên kết không sử dụng bất kỳ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ.

“Cán bộ kỹ thuật, nông vụ của chúng tôi tạo ra phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học để người trồng dược liệu sử dụng. Quy trình ngâm ủ các loại thuốc trừ sâu sinh học được kiểm soát nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào như gừng, tỏi, ớt…”, bà Diễm chia sẻ thêm.

Qua một thời gian cải tạo đất, năng suất, chất lượng cây dược liệu tại những diện tích do Công ty An Xuân sản xuất hoặc liên kết tăng lên bất ngờ. Ảnh: Võ Dũng.

Qua một thời gian cải tạo đất, năng suất, chất lượng cây dược liệu tại những diện tích do Công ty An Xuân sản xuất hoặc liên kết tăng lên bất ngờ. Ảnh: Võ Dũng.

Qua một thời gian trồng cây dược liệu, nhiều vùng đất sỏi gà của huyện Cam Lộ bị thoái hóa, năng suất có nơi giảm 40%. Đó thực sự là một bài toán khó giải của người trồng cây dược liệu. Tuy nhiên, qua thử nghiệm bổ sung phân xanh, hữu cơ và các loại cây trồng có chứa nhiều đạm ở bộ rễ cho thấy, việc cải tạo đất đã mang lại hiệu quả cao.

“Những thửa đất chúng tôi thử nghiệm việc cải tạo đã cho kết quả bất ngờ. Năng suất không những tăng mà lượng hoạt chất, tỷ lệ cao cô đặc của cây dược liệu cũng cao hơn hẳn những vùng không cải tạo theo phương thức làm giàu cho đất”, bà Diễm cho biết.

Không để lãng phí thứ gì

Từ 7h sáng, hầu hết lao động của Công ty Dược liệu hữu cơ An Xuân đã có mặt tại vườn dược liệu. Trong nhà điều khiển tưới nước tự động, tiếng máy bắt đầu hoạt động. Hầu hết diện tích cây dược liệu của Công ty An Xuân được cung cấp nguồn nước và chất dinh dưỡng thông qua công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Nilon phủ các luống cà gai leo vừa giúp giữ ẩm, vừa chống rửa trôi và hạn chế cỏ dại phát triển.

Năng suất, chất lượng cà gai leo đã được nâng cao rõ rệt sau khi đất trồng được cải tạo. Ảnh: Võ Dũng.

Năng suất, chất lượng cà gai leo đã được nâng cao rõ rệt sau khi đất trồng được cải tạo. Ảnh: Võ Dũng.

Ở một góc nọ, một số công nhân dùng máy cắt tay lia từng vòng cung rồi xếp cà gai leo thành từng đống nhỏ. Các công nhân đi theo sau gom, bó lại để đưa về khu vực rửa, chuẩn bị các công đoạn chế biến. Nước rửa tại các hồ này sẽ được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn để tái sử dụng.

Có những khoảnh đất, công nhân nữ đang dỡ từng đoạn nilon phủ để cải tạo đất, chuẩn bị lứa trồng mới. Phía dưới lớp nilon màu đen mỏng, rất nhiều rau má mọc lên xanh tốt. Chúng cũng sẽ được tận dụng để chế biến thành các loại trà thảo dược.

Buổi chiều thường diễn ra các công đoạn chế biến tại nhà xưởng. Cà gai leo sau khi rửa sạch sẽ được làm khô bằng năng lượng xanh (ánh nắng mặt trời) thông qua hệ thống nhà kính. Trong nhà kính có hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ thông khí và độ ẩm.

Tất cả phụ phẩm của quá trình chế biến sẽ được Công ty An Xuân tận dụng để ủ phân hữu cơ, cải tạo đất.

Tưới tự động giúp người trồng cây dược liệu tiết giảm nhân công, hạ giá thành sản phẩm. Ảnh: Võ Dũng.

Tưới tự động giúp người trồng cây dược liệu tiết giảm nhân công, hạ giá thành sản phẩm. Ảnh: Võ Dũng.

Trong khuôn viên vừa trồng vừa chế biến dược liệu rộng 5ha này, hầu như không có thứ gì lãng phí. Nước là nguồn tài nguyên ngày càng quý hiếm nên Công ty áp dụng tưới bằng công nghệ Israel để tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng.

“Tưới nhỏ giọt công nghệ Israel đầu tư ban đầu lớn nhưng năng suất, chất lượng cây dược liệu tăng rõ rệt, đồng thời giảm được tình trạng rửa trôi đất, nhất là với diện tích trồng trên các triền đồi có độ dốc lớn, chủ động được việc điều tiết chất dinh dưỡng cho cây trồng, giảm được nhân công, giảm giá thành sản phẩm”, bà Trần Lê Quỳnh Diễm, Giám đốc Công ty An Xuân cho hay.

Cải tạo đất, tưới tiết kiệm và phủ nilon giúp năng suất, chất lượng cây dược liệu tăng lên đáng kể. Ảnh: Võ Dũng.

Cải tạo đất, tưới tiết kiệm và phủ nilon giúp năng suất, chất lượng cây dược liệu tăng lên đáng kể. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng theo bà Diễm, là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong trồng và chế biến dược liệu ở Quảng Trị, đến nay, Công ty An Xuân đã đầu tư công nghệ hiện đại cho công đoạn chế biến như ứng dụng hệ thống nồi chiết nấu, nồi cô chân không, hệ thống lò hơi cấp nhiệt có đường ống dẫn khí thải. Ngoài ra, Công ty An Xuân còn phối hợp với nhà máy đạt chuẩn GMP ứng dụng công nghệ sấy phun sương. Dược liệu dạng lỏng sẽ được đưa vào sấy trong khoảng thời gian ngắn nhất giúp đảm bảo giữ lại được các hoạt chất, tăng độ thơm ngon.

“Công nghệ hiện đại cho ra sản phẩm chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sẽ là điều kiện đem về lợi nhuận cao hơn. Đó cũng là cơ sở để chúng tôi có thêm tiềm lực tái đầu tư và liên kết chặt chẽ, bền vững với người dân trong việc trồng và chế biến cây dược liệu”, bà Diễm nói.

Hiện nay, Công ty An Xuân đang có các chính sách khuyến khích người dân, đặc biệt là các hộ liên kết lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Đây cũng đồng thời là một bước trong quy trình cải tạo đất mà Công ty đang khuyến cáo người dân áp dụng.

Tưới nhỏ giọt công nghệ Israel đem lại nhiều lợi ích. Ảnh: Võ Dũng.

Tưới nhỏ giọt công nghệ Israel đem lại nhiều lợi ích. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBN huyện Cam Lộ cho biết, các vùng đất trồng cây dược liệu hiện nay tại địa phương trước kia chủ yếu trồng các loại cây như keo, bạch đàn. Đất có độ dốc lớn nên quá trình rửa trôi, bạc mài, thoái hóa nhanh.

Việc Công ty An Xuân thực hiện quy trình cải tạo đất bằng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất có sức lan tỏa mạnh. Điều này giúp người trồng dược liệu thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây sẽ là điều kiện để địa phương thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến cây dược liệu.

Sau 5 năm hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, năm 2021, bà Trần Lê Quỳnh Diễm đã thành lập Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân. Không chỉ trồng, thu mua, chế biến, hiện nay Công ty An Xuân đã xây dựng vườn ươm cây dược liệu đạt tiêu chuẩn. Mỗi năm, Công ty cho ra thị trường khoảng 20 nghìn sản phẩm dược liệu các loại, tiêu thụ tại nhiều siêu thị lớn trên cả nước. Năm 2023, sản phẩm cà gai leo dạng bột hòa tan của Công ty An Xuân được UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.