| Hotline: 0983.970.780

Nam Trà My tham vọng trở thành trung tâm giống dược liệu

Thứ Hai 03/07/2023 , 06:15 (GMT+7)

Quảng Nam Huyện Nam Trà My kỳ vọng sẽ trở thành nơi bảo tồn, phát triển, cung cấp giống cây dược liệu đạt chất lượng ở khu vực miền Trung với công suất 100 triệu cây giống/năm.

Phát triển chưa xứng tầm

Theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), nước ta có nguồn tài nguyên sinh học rất đa dạng và phong phú, được xếp thứ 16/25 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Việt Nam có hơn 5.000 loài cây thuốc quý không những có giá trị về y học mà còn đem lại giá trị kinh tế cao.

Cùng với một số khu vực khác trên cả nước, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là địa phương có điều kiện tự nhiên và địa hình thích hợp với nhiều loài cây dược liệu như bảy lá một lá, lan kim tuyến, đảng sâm, giảo cổ lam, ngũ vị tử, quế, bách bộ… và đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh.

Huyện Nam Trà My có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây dược liệu. Ảnh: L.K.

Huyện Nam Trà My có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây dược liệu. Ảnh: L.K.

Những năm qua, chính quyền huyện Nam Trà My cũng như tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu tại địa phương này. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Nam Trà My, trên địa bàn có khoảng 2.000ha trồng cây dược liệu.

Trong công tác giống, toàn huyện có 2 đơn vị tổ chức là Trạm Dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cùng Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My đã và đang thực hiện sản xuất và cung cấp cây giống dược liệu với công suất bình quân từ 2,5 - 3 triệu cây giống/năm. Trong đó, đối tượng cây giống sản xuất tập trung chủ yếu là sâm Ngọc Linh, quế và đảng sâm.

Với giá trị kinh tế mang lại, hàng năm, số hộ gia đình chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng cây dược liệu dưới tán rừng ngày càng tăng. Kéo theo đó, nhu cầu về nguồn giống sản xuất ngày càng lớn. Tuy nhiên, với việc số lượng đơn vị cung ứng giống trên địa bàn còn hạn chế nên chưa thể cần bằng được cung - cầu.

Ngoài ra, nguồn giống gốc để nhân giống hiện chưa được kiểm soát, do vậy chất lượng cây giống dược liệu chưa đảm bảo. Hầu hết cây giống dược liệu chỉ phục vụ nhu cầu trồng dược liệu của nông dân trong tỉnh, chưa cung ứng được cho các tỉnh thành khác mặc dù nhu cầu hiện nay là rất lớn.

Theo ông Trịnh Minh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Trà My, bên cạnh những hạn chế nói trên thì hiện nay công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào gieo trồng, sản xuất giống cây thuốc và chế biến sau thu hoạch, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc trên địa bàn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Cây sâm Ngọc Linh là loại cây có giá trị kinh tế cao được trồng nhiều ở huyện Nam Trà My. Ảnh: L.K.

Cây sâm Ngọc Linh là loại cây có giá trị kinh tế cao được trồng nhiều ở huyện Nam Trà My. Ảnh: L.K.

Trong đó, nguồn giống chủ yếu lấy từ tự nhiên nên không có sự đồng đều. Phương pháp gieo trồng thường dựa vào kinh nghiệm cá nhân, chưa có một quy trình chuẩn; cách thức chế biến sau thu hoạch cũng không áp dụng theo quy trình khoa học dẫn tới hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm bị hao hụt nhiều, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.

“Hiệu quả kinh tế từ nguồn thu dược liệu chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng nguồn cung dược liệu tại địa phương. Đồng thời, vì mục đích thương mại và giá trị cây thuốc cao, việc thu hái, khai thác dược liệu tràn lan, khiến các loài cây dược liệu tự nhiên cạn kiệt và đối diện nguy cơ tuyệt chủng.

Việc trồng, chế biến dược liệu chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát và giá trị gần như phụ thuộc thị trường thu mua từ Trung Quốc. Ngoài ra, tại huyện cũng thiếu vắng doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, khiến hiệu quả kinh tế chưa cao”, ông Hải chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả

Theo đại diện Viện Dược liệu, hiện nay, việc phát triển cây dược liệu ở huyện Nam Trà My chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là trong vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong khi đó, đã có nhiều địa phương trên cả nước triển khai tốt vấn đề này mang lại hiệu quả cao, ngày càng được nhân rộng.

Trong đó, các mô hình công nghệ cao được ứng dụng phổ biến bao gồm hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động; ứng dụng BigData, IoT, AI trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng, công nghệ tưới tiết kiệm gồm tưới nhỏ giọt, tưới phun sương bán tự động hoặc tự động theo thời gian hoặc theo độ ẩm, nhiệt độ đo được…

Hiện nay, nguồn cung ứng giống cây dược liệu đạt số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được với nhu cầu. Ảnh: L.K.

Hiện nay, nguồn cung ứng giống cây dược liệu đạt số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được với nhu cầu. Ảnh: L.K.

Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu cũng như phát triển kinh tế cho người trồng. Đã có rất nhiều thành quả từ việc ứng dụng công nghệ cao vào nghiên cứu tạo ra những quy trình nhân giống để bảo tồn và phát triển cây dược liệu trong nước cũng như phát triển các giống ngoại nhập.

Từ thực tế so sánh trên, TS Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu cho rằng, việc xây dựng một trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nam Trà My là rất cần thiết. Khi Trung tâm này hình thành sẽ giải quyết được những tồn tại nói trên cũng như đáp ứng được nguồn giống chất lượng ổn định cho huyện Nam Trà My nói riêng và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ nói chung.

“Dự kiến công suất hoạt động bình quân của trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nam Trà My sẽ cung cấp trên 100 triệu cây giống mỗi năm. Đây cũng là nơi tạo ra nguồn giống cây dược liệu đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng để cung ứng cho thị trường; thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu cây thuốc, giảm áp lực khai thác tự nhiên làm cạn kiệt nguồn tài nguyên dược liệu của địa phương”, TS Phan Thúy Hiền thông tin.

Trên cơ sở định hướng của địa phương, các đánh giá về thổ nhưỡng, nước tưới và điều kiện mặt bằng không nằm trong rừng tự nhiên, thuận tiện việc đi lại, Viện Dược liệu chọn 2 vị trí tại xã Trà Linh và Trà Nam để xây dựng Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến tổng diện tích quy hoạch xây dựng trung tâm này khoảng 53,8ha.

Trong đó, xây dựng nhà điều hành, nhà lưới công nghệ cao và vườn giống gốc cho dược liệu phù hợp vùng núi thấp ở Trà Nam, với diện tích khoảng 3,5ha. Xây dựng vườn giống gốc cho dược liệu phù hợp với độ cao hơn 1.000m ở Trà Linh, với diện tích khoảng 50ha. Khi đưa vào hoạt động, trung tâm sẽ ưu tiên phát triển 19 loại dược liệu có giá trị cao và 15 loại dược liệu tiềm năng.

Ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, việc xây dựng được vườn cây dược liệu quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật cao trên địa bàn không chỉ cung ứng giống chất lượng cho cả huyện và các địa phương khác mà còn có thể thay thế dần các loại cây ngắn ngày không có giá trị ở đồi núi trọc hoặc nương rẫy.

“Nam Trà My luôn mong muốn làm sao người dân sống trên rừng, bảo vệ rừng và thật sự hưởng lợi từ rừng. Tuy nhiên, trong đề án này cần nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp về chính sách, vốn, cơ sở hạ tầng; nhất là các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tránh việc vướng mắc thủ tục, tính pháp lý liên quan đến sản xuất trên đất rừng. Ngoài ra, mô hình hoạt động cho trung tâm này cũng cần giải quyết theo hướng kêu gọi doanh nghiệp cùng đầu tư”, ông Hưng nói.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.