Tội phạm ma túy quốc tịch Bỉ bị bắt giữ liên tục tại Campuchia - tư liệu |
Đại tá Keo Sotha, Phó Giám đốc Công an tỉnh Svay Riêng, Vương quốc Campuchia thốt lên: “Ma túy lan tràn khắp nơi!". Tình hình tội phạm ma túy tại đất nước chùa tháp trở nên phức tạp, khi các nghi can bị bắt có quốc tịch đến từ 17 quốc gia, trong đó có các nước từng nổi lên các ông trùm khét tiếng như Mexico, Colombia. Việt Nam nằm trên bản đồ bí mật để vận chuyển ma túy của các băng nhóm ma túy quốc tế. Có 717 người Việt trong trại giam Campuchia.
Bàn tay của ông trùm
Cuối tháng 9/2018, đoàn xe đưa các tướng lĩnh của Cục chống ma túy, Tổng cục Cảnh sát quốc gia Campuchia di chuyển rất nhanh từ cửa khẩu Lệ Thanh, lướt nhanh qua các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam để đến một thành phố biển xinh đẹp, đó là thành phố Đà Nẵng.
“Phối hợp với phía Việt Nam để chặt đứt các đường dây và trừng trị các đối tượng thiết lập đường dây buôn bán ma túy”, đó là công việc của chuyến đi. Danh sách bọn tội phạm ma túy bị bắt giữ ở Campuchia mỗi ngày một dài ra và với nhiều quốc tịch khác nhau, từ những quốc gia lạc hậu đến các nước đang phát triển như: Ethiopi, Colombia, Brazil, Bolivia, Nigieria, Ecuado, Úc, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và đông nhất là dân tộc Khơ-me và đứng thứ 2 là Việt Nam.
Đáng chú ý, số tội phạm ma túy bị bắt giữ tại Campuchia có những tên đến từ Colombia, nơi được Cảnh sát Interpol ước tính sản xuất ra khoảng 910 tấn cocain/năm, nơi từng có những ông trùm vươn bàn tay kiểm soát đến 90% lượng ma túy trên toàn thế giới. Chỉ riêng trong năm 2017, cảnh sát nước này cũng chỉ bắt giữ được 362 tấn cocain. Ngày 11/4/2018, có 8 cảnh sát đã bị các băng đảng ma túy đặt bom sát hại tại thành phố San Pedro de Uraba, nằm ở tây nam Colombia. Chính phủ Colombia đã trao giải thưởng 5 triệu đô la cho ai cung cấp được thông tin hoặc giết chết trùm ma túy mới nổi là Ussuga.
Trong vòng 1 năm qua, có 1 đối tượng mang quốc tịch Brazin bị bắt giữ tại Campuchia. Brazin là quốc gia đang lâm vào cuộc khủng hoảng ma túy đẫm máu và không có lối thoát. Trong 12 năm Chính phủ nước này phát động cuộc chiến chống ma túy, có hơn 200.000 người bị thiệt mạng, 35.000 người mất tích. Ngày 26-9-2018, truyền thông khắp thế giới đưa đậm hình ảnh một xe container chở 273 xác chết từ cuộc chiến giữa các băng đảng Jalisco New Generation với Sinaloa. Cách đó 1 tuần lễ, 444 xác chết khác cũng được đưa tới nhà xác.
Hai cô gái xinh đẹp nằm trong đường dây vận chuyển ma túy của các ông trùm - tư liệu |
Bóng ma của trùm ma túy Ussuga có thể là cách nói hơi mang tính trừu tượng. Vì qua các vụ bắt giữ ở Campuchia thì chắc chắn còn chân rết của nhiều ông trùm ma túy quốc tế khác. Theo cảnh sát thì bọn ma túy bất lương đã tìm rất nhiều cách dụ dỗ hoặc làm cho những người dân địa phương bị buộc phải tham gia vào điều hành, vác thuê ma túy. Hậu quả là có đến 8.238 (bỏ đi, ghi hàng ngàn) người dân tộc Khơ-me bị lực lượng cảnh sát Campuchia bắt giữ chỉ trong 1 năm. Một con số đau lòng!
Cơm heroin
Đại tá Lek Van Lak, Cục trưởng Cục phòng chống ma túy của Campuchia cho biết, trong 1 năm qua đã tổ chức trấn áp 4.399 vụ và bắt giữ 8.389 đối tượng, trong đó có 98 người Việt Nam. Nhiều vụ bắt giữ với số lượng tang vật lớn của Campuchia thường thực hiện tại sân bay Phnom Penh. Hình thức vận chuyển ma túy của các đối tượng diễn ra khá công khai trong va ly cá nhân. Nhưng các vụ sau đó đã bắt giữ đối tượng vận chuyển ma túy dưới hình thức mà bọn tội phạm cho là đẳng cấp và an toàn nhất là nuốt ma túy vào bụng.
Đại tá Lek Van Lak, Cục trưởng cục phòng chống ma túy Campuchia (ảnh: Hà Anh) |
Đó là vụ bắt giữ 2 nghi phạm Kafor Ifeanyi Anthony và Adibe Paschal, quốc tịch Nigieria. Hai người da đen này đã chia gần 1,3 kg hê rô in thành 7 gói và lần lượt nuốt vào dạ dày. Một vụ việc khác được lực lượng Bộ đội biên phòng Việt Nam phối hợp với Cảnh sát tỉnh Xiem Reap của Campuchia ập vào khách sạn bắt giữ một nữ quái tên Yosbiel Ys Katerine (27 tuổi, quốc tịch Venezuela). Qua kết quả chụp cắt lớp đã phát hiện trong bụng tội phạm này 106 viên hê rô in nén với tổng trọng lượng 1,26 kg.
Katerine thú nhận đã làm công vận chuyển ma túy cho các đường dây ở Nam Mỹ 10 năm. Thủ đoạn trên đã giúp mọi chuyến đi đều an toàn. Nhưng chuyến hàng trị giá 200.000 USD này thì đã bị phát hiện. Vụ bắt giữ tang vật được cất giấu dưới dạng cơm hê rô in là thủ đoạn rất quen thuộc của các đường dây ma túy xuyên quốc gia tại Colombia. Cách đây 4 năm, cảnh sát ở Cali Hoover Penilla của Colombia cũng từng bắt giữ một bé gái 11 tuổi bị các đối tượng dụ dỗ nuốt vào bụng 0,5 kg cô ca in.
Cảnh sát Campuchia cho biết, hiện nay tại tỉnh Takeo đã phát hiện ra 31 điểm trồng hơn 100.000 cây thuốc phiện. Các vườn trồng cây hoa anh túc này được xé lẻ ra để dễ ngụy trang. Cảnh sát ước tính có diện tích gần 2.400 m2 trồng cây anh túc do người Việt Nam cung cấp giống. Khi đến kỳ thu hoạch nhựa thì người dân trồng phải bán lại cho người đầu tư.
Đại tá Keo Sotha, Phó giám đốc Công an tỉnh Svay Riêng (có biên giới giáp với 2 tỉnh Tây Ninh và Long An) chia sẻ: Bọn chúng đã lôi kéo, dụ dỗ và lừa đảo thanh niên, học sinh và có thanh niên đi chơi khuya, công nhân, chúng làm thế nào để ma túy tăng lên theo ý đồ.
Đường đi từ tam giác vàng
Tam giác vàng, trung tâm trồng và sản xuất cây thuốc phiện khét tiếng nằm giữa vùng giáp ranh của 3 nước, điểm giáp ranh là các tỉnh Hpayak của Myanmar, Chiang Rai của Thái Lan, Luông Nậm Thà và U Đôm Xay của Lào. Các dân tộc người Wa, Shan, Mông… Ước tính, Tam Giác Vàng sản xuất ra khoảng 685 tấn heroin/năm. Hiện nay, nguồn ma túy tổng hợp có giá rẻ đã hút các đối tượng mua bán thiết lập nhiều đường dây vận chuyển mới.
Cái ôm giữa Thiếu tướng Ngô Thái Dũng (Cục trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng với Đại tướng Mak Chi To, Phó tổng cục trưởng cục Cảnh sát quốc gia Campuchia), sau khi 2 bên đạt được thỏa thuận về việc bắt giữ các đường dây ma túy xuyên quốc gia |
Đại tá Lek Van Lak, Cục trưởng cục phòng chống ma túy Campuchia cho biết: “Các loại ma túy vẫn được tồn từ Tam Giác Vàng theo biên giới Lào vào Campuchia và một phần chuyển sang Việt Nam”. Tuyến biên giới Việt Nam và Campuchia có chiều dài 1.137 km, trải dài qua địa bàn 10 tỉnh của Việt Nam với 35 huyện thị, 101 xã biên giới, có 11 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu quốc gia và hàng ngàn đường mòn, lối mở, kênh rạch đi qua biên giới. Đặc điểm địa bàn trên có nhiều thuận lợi cho các đối tượng và lực lượng kiểm soát biên giới phải nắm chắc tình hình thì mới ngăn chặn ma túy thẩm thấu qua đường biên.
Những kẻ vận chuyển ma túy tại Campuchia có một nhóm là người da đen, gốc Phi đã đến cắm rễ từ rất sớm. Campuchia còn từng bắt giữ những đối tượng có bề ngoài xinh đẹp và lịch thiệp, nhưng nằm trong mắt xích mua bán ma túy quốc tế của các bố già. Đó là vụ bắt cô Charlene Savarino, 19 tuổi, quốc tịch Úc và một cô gái người Pháp là Yoshe Ann Taylor, từng là giáo viên.
Tòa án Phnom Penh đã tuyên phạt mỗi bị cáo 25 năm tù vì cáo buộc vận chuyển 2,2 kg heroin. Có rất nhiều đối tượng ngoại quốc bị bắt giữ ở Campuchia cũng bị tuyên mức án 25 năm tù và tưởng chừng nhẹ hơn án tử hình, nhưng trở thành quãng thời gian khủng khiếp vì ngồi tù đến thiên thu.
Năm 2016, tòa án Phnom Penh cũng đã tuyên án đối với một cặp vợ chồng Samuel Amechi Okeke, 34 tuổi (gốc Phi), và vợ Ho Thi Nhu Thuy (gốc Việt), 26 tuổi. Mỗi người bị tuyên mức án 25 năm tù vì cáo buộc buôn bán 1,5 kg hê rô in sang Úc. |