| Hotline: 0983.970.780

Bươn chải đủ nghề, cuối cùng lại bén duyên với nghề nuôi ong

Thứ Sáu 22/10/2021 , 13:00 (GMT+7)

QUẢNG NINH Dựa vào lợi thế núi rừng, ông Đào Trọng Nghĩa (Tiên Yên, Quảng Ninh) đã khởi xướng thành lập HTX nuôi ong rừng, đến nay sản lượng hơn 5.000 lít/năm.

Sau một thời gian dài làm lao động tự do với đủ các ngành nghề, ông Đào Trọng Nghĩa (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) được một người anh thân thiết gợi ý làm mô hình nuôi ong lấy mật, ông Nghĩa liền đồng ý và bắt tay vào thực hiện.

Năm 2015, ông Nghĩa triển khai mô hình nuôi ong tại gia đình. Nhờ có lợi thế sở hữu khoảng 20ha rừng, cây và hoa rừng nở nhiều tạo nguồn thức ăn lý tưởng cho ong mỗi năm. Bên cạnh đó, vị trí khu rừng lại khá tách biệt, ít có tác động của các yếu tố bất lợi bên ngoài đến đàn ong, nên ông Nghĩa có cơ sở để phát triển mô hình nuôi ong theo từng năm. 

Để đàn ong luôn mạnh khỏe, cứ 6 tháng một lần, ông Nghĩa lại tiến hành thay mới ong chúa. Ảnh: Tiến Thành.

Để đàn ong luôn mạnh khỏe, cứ 6 tháng một lần, ông Nghĩa lại tiến hành thay mới ong chúa. Ảnh: Tiến Thành.

Từ 10 đàn ong ban đầu với quy mô sản xuất kinh tế hộ gia đình, đến nay ông Nghĩa đã có khoảng 200 đàn ong ngày ngày tạo mật ngọt. Sau 2 năm bắt tay vào công việc nuôi ong, nhận thấy khâu liên kết sản xuất, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng, ông Nghĩa đã phối hợp với 7 hộ nuôi ong khác trong khu vực thành lập HTX Khai thác, chế biến mật ong Tiên Yên trong năm 2016. Đến nay, HTX đã sở hữu hơn 400 đàn ong, và là HTX nuôi ong mật lớn nhất của huyện.

Với mục tiêu chuyển giao quy trình làm mật ong chuẩn và nâng cao số lượng sản phẩm mật, đáp ứng các kênh thương mại chuyên nghiệp, ông Nghĩa đã đưa sản phẩm mật ong của HTX dự thi chấm sản phẩm OCOP của tỉnh, và đã chính thức nằm trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Mật ong Tiên Yên của ông Nghĩa hiện đang là sản phẩm OCOP đạt 3 sao và đang làm hồ sơ đăng ký lên 4 sao trong năm 2021.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong, ông Nghĩa cho biết vào thời gian này, trời mưa nhiều sẽ làm giảm số lượng hoa và phấn hoa, đồng nghĩa với giảm lượng thức ăn tự nhiên và quy trình tạo mật tự nhiên của con ong.

Nắm bắt được yếu tố này, ông đã chủ động điều chỉnh chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho đàn ong. Nhờ vậy, chất lượng mật ong luôn đảm bảo và sản lượng mật của HTX duy trì ở mức gần 5.000 lít/năm.

Ngoài ra, để đàn ong luôn mạnh khỏe, cứ 6 tháng một lần, ông Nghĩa lại tiến hành thay mới ong chúa. Vì theo ông, khi ong chúa sinh sản kém, ấu trùng ong trong tổ ít đi sẽ làm ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng mật ong. Đây là một trong ba yếu tố quan trọng mà ông Nghĩa luôn chú tâm trong suốt quá trình chăm sóc mô hình nuôi ong mật của mình, bao gồm phấn, mật và ấu trùng.  

Trong những ngày mưa nhiều, ông Nghĩa che tổ ong bằng bạt để tránh làm ướt tổ. Ảnh: Tiến Thành.

Trong những ngày mưa nhiều, ông Nghĩa che tổ ong bằng bạt để tránh làm ướt tổ. Ảnh: Tiến Thành.

Sau khi trở thành sản phẩm OCOP, mật ong Tiên Yên của HTX có cơ hội tham gia các hội chợ thương mại. Bên cạnh đó, ông Đào Trọng Nghĩa cùng các thành viên trong HTX đã quảng bá rất tích cực cho sản phẩm của mình bằng nhiều kênh khác nhau.

Hiện sản phẩm mật ong Tiên Yên của HTX có mặt ở nhiều trung tâm thương mại uy tín của tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Doanh thu hàng năm của HTX khoảng hơn 1 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu của riêng ông Nghĩa hơn 500 triệu đồng/năm.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức tiêu thụ mật ong của ông Nghĩa giảm chỉ còn đạt 2/3 so với khi chưa có dịch. Nhận thấy cần thay đổi chiến lược làm kinh tế, tránh ỷ lại vào một mặt hàng, ông Nghĩa đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để thử nghiệm công nghệ nuôi trồng giống trùng thảo nằm trong danh mục đông trùng hạ thảo.

Ông Nghĩa cho biết, trùng thảo là đối tượng nuôi trồng mới, rất có giá trị. Ngoài ra, công nghệ cũng như quy trình nuôi cần được chuyển giao từ đối tác, bên cạnh đó, thị trường để tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch không đơn giản. Tuy nhiên, theo ông, nếu dám làm và có hướng đi phù hợp, nuôi trồng trùng thảo chắc chắn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.

Sau những khó khăn ban đầu, đến nay, mô hình nuôi trồng trùng thảo của ông Nghĩa đã cho ra sản phẩm chất lượng có giá bán 10 triệu đồng/kg tươi, 20 triệu đồng/kg khô.

Từ thành công này, ông Nghĩa càng có niềm tin để mở rộng mô hình, đa dạng hóa để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao như mật ong, trùng thảo đến với người tiêu dùng.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.