Theo ông Lê Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, Bình Định), khoảng 1 tháng trở lại đây, cá tự nhiên trong đầm Trà Ổ thuộc địa bàn xã này bỗng dưng chết trắng đầm, hàng trăm hộ dân ở thôn Châu Trúc chuyên hành nghề đánh bắt thủy sản trong đầm mất kế sinh nhai.
“Cuộc sống của hơn 200 hộ dân thôn Châu Trúc nương tựa không ít vào nghề ghe lờ đánh bắt thủy sản trong đầm. Trước đây, khi nguồn lợi thủy sản trong đầm chưa suy giảm, mỗi đêm 1 người hành nghề ghe lờ kiếm cũng được 3000.000đ, chiều họ chèo ghe đi đặt lờ, sáng hôm sau kéo lờ lên thu hoạch. Nay nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, đặt lờ 2-3 ngày mới thu hoạch 1 lần. Khó khăn là vậy mà giờ cá trong đầm xảy ra tình trạng chết bất thường, ảnh hưởng không ít đến đời sống của người dân sống ven đầm”, ông Lê Việt Thanh chia sẻ.
Theo người dân thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu), chết nhiều nhất là cá chép có trọng lượng từ 20-200g/con. Ngoài ra, một số loài thủy sản khác như cá lúi, cá rô phi, ốc bươu vàng cũng bị chết.
Ông Trần Văn Tuấn, ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), cho biết: Khoảng ngày 20/12/2023, người dân hành nghề ghe lờ đánh bắt thủy sản ở khu vực đầm Trà Ổ phát hiện một số loại cá trong đầm chết lai rai. Những ngày sau, số lượng cá chết nhiều hơn, tấp vào khu vực bờ phía Nam đầm thuộc địa phận thôn Chánh Khoan Nam (xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ) trắng bờ. Xác cá chết tấp vào bờ phân hủy bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo ông Lê Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu, sau khi nghe phản ánh của người dân, chính quyền xã Mỹ Châu lập tức báo cáo hiện tượng nói trên lên UBND huyện Phù Mỹ. Lãnh đạo huyện Phù Mỹ đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Châu và ngành chức năng liên quan của tỉnh kiểm tra thực tế hiện trường; tiến hành điều tra dịch tễ và thu thập mẫu xét nghiệm, gửi cơ quan thẩm quyền kiểm tra, xem xét.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, qua kiểm tra lâm sàng, mổ cá kiểm tra bệnh tích, nghi ngờ cá chết có thể bị nhiễm bệnh do virus Koi Herpesvirus, loại virus gây bệnh viêm thận và hoại tử mang cá chép; cũng có thể do nhiễm virus gây bệnh xuất huyết mùa xuân. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định gửi mẫu đến Chi cục Thú y vùng 4 (Cục Thú y) kiểm tra đối với 2 bệnh này, đồng thời thu thập mẫu nước tại 3 địa điểm khác nhau trên đầm Trà Ổ để kiểm tra các chỉ số môi trường nước.
Đến nay, mẫu bệnh phẩm đã có kết quả dương tính với virus Koi Herpesvirus. Qua đó có thể kết luận nguyên nhân cá chết do nhiễm mầm bệnh Koi Herpesvirus. Mặt khác, một số chỉ tiêu môi trường nguồn nước cũng khá bất lợi, dù chưa tác động lớn nhưng cũng làm giảm sức đề kháng của cá; tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh bùng phát, làm cá chết nhanh và nhiều.
“Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định phối hợp với ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp chống dịch theo đúng quy định. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Phù Mỹ tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, cho hay.
Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, chính quyền huyện này đã chỉ đạo các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Châu phân công lực lượng thường xuyên tổ chức thu gom xác cá chết, chôn lấp, xử lý bằng vôi bột và các loại hóa chất khử trùng khác. Đồng thời thông báo cho người dân các địa phương ven đầm tuyệt đối không sử dụng và vận chuyển cá đã bị bệnh sang các địa phương khác để tránh lây lan dịch bệnh.
“Ngoài ra, Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để phối hợp, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch. Tiếp tục phối hợp với các địa phương xung quanh đầm Trà Ổ kiểm tra, giám sát và theo dõi tình hình dịch bệnh trên cá để kịp thời xử lý”, Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ chia sẻ.