| Hotline: 0983.970.780

Ca sĩ Thái Thùy Linh và giấc mơ xây dựng 100 xóm hữu cơ

Thứ Hai 02/01/2023 , 08:45 (GMT+7)

Đêm, bên ánh lửa bập bùng dưới mái nhà sàn cộng đồng của xóm 1 hữu cơ chỉ có giọng hát mộc cùng tiếng than cháy tí tách trong bếp. Bài 'Giai điệu Tổ quốc'.

“…Tôi thương yêu người dân tôi. Bao năm hai bàn tay trắng. Giữ gìn cho đất nước tôi yêu. Cho giọng nói người Việt Nam trong sáng suốt đời. Và tôi yêu và tôi hát. Lời yêu thương lời bỏng cháy. Tháng ngày này đất nước ơi. Tổ quốc của chúng tôi”…

Đem con tản cư khỏi thành phố

Chúng tôi cùng ngồi ăn thịt nướng cuốn với lá cải của xóm 1 hữu cơ (xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), vừa uống rượu, vừa nghêu ngao hát. Giọng của cô ca sĩ Sao mai Điểm hẹn năm 2004 vẫn ấm áp và giàu năng lượng như thủa nào. Người ta tự hào về trí nhớ thì Thái Thùy Linh lại tự hào về... trí quên. Nhờ có thiên bẩm ấy mà bao sóng gió, thị phi của cuộc đời đều tan như bọt nước, để nụ cười vẫn thường trực trên môi.

Chuyện rằng khi đang mang thai đứa thứ hai có người thợ đứng chờ ở nhà để thanh toán tiền công nên cô mới ra cây ATM rút 5 triệu xong lại để nguyên tiền đó mà về, tới lúc gặp người thợ mới chợt sực nhớ ra. Cái đó, có thể đổ cho mất trí nhớ do thai kỳ nhưng cứ như cô kể, hồi sinh viên mình nhai kẹo cao su hay ngậm ô mai rồi nhổ phù một cái mà bã kẹo, hạt ô mai vẫn còn dính vào môi bởi miệng đang đeo khẩu trang là điều hết sức bình thường. “Trí quên là một tài sản của tôi, nhờ đó mà không có cái gì làm tôi rầu rĩ cái được lâu cả”, Thái Thùy Linh cười giòn tan và kể.

Empty

Nhà cộng đồng ở xóm 1 hữu cơ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xóm hữu cơ ra đời là sự tổng hợp của nhiều lý do. Trước đây cô vẫn thường tham gia giải cứu nông sản cho bà con nông dân bằng cách đăng tin hộ, kêu gọi hộ, tìm địa điểm hộ nhưng sau một lần tham gia sâu, tìm hiểu mới phát hiện ra một nghịch lý rằng trong khi bảo mọi người mua ủng hộ thì nhà mình lại không dám ăn. Thời gian đó cũng có nhiều bê bối xung quanh chuyện giải cứu nông sản như đồ không đảm bảo chất lượng bà con vẫn bán ào ào vì nghĩ rằng đang được làm từ thiện nên người mua phải thông cảm. Rồi là chuyện hàng bẩn trà trộn vào hàng sạch và ngược lại.

Mấy năm gần đây Hà Nội còn có tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề do bụi mịn rồi khói thủy ngân của vụ cháy nhà máy Rạng Đông. Mỗi lần như thế cô lại đem các con đi tản cư về nông thôn, có lần ở đến hàng tháng. Khi trở lại thành phố cô cũng loay hoay nhiều cách để cải tạo không gian sống của gia đình như làm cho ban công nhà mình xanh hơn bằng các chậu cây nhưng vẫn không hiệu quả mấy.

Covid-19 là cú hích lớn nhất khi cô đưa con về chơi ở khu Vườn du ca rộng 5.000m2 tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội dịp 1/5/2021 nhưng sau đó bị cách ly rồi quyết định ở lại luôn. Mỗi khi Hà Nội giãn ra một chút cô lại làm chuyến xe chở đồ từ thành phố về, rồi ở từ đó đến giờ, chứ thực ra trước đây chưa hề chuẩn bị tinh thần về nông thôn.

Empty

Ca sĩ Thái Thùy Linh bên xóm 1 hữu cơ do cô tạo dựng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở Vườn du ca, cô tìm cách trồng trọt, chăn nuôi rồi biết đến Liên minh Nông nghiệp Tử tế, học tự ủ phân bón, trồng rau, nuôi gà, làm IMO, MEVI… Vốn là người ưa hoạt động cộng đồng, cô là Chủ nhiệm CLB Tình nguyện Tim Hồng với các chương trình thiện nguyện như “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, “Mặc ấm - vì học sinh dân tộc miền núi”, “Chợ từ thiện”…

Khi Covid-19 xảy ra, lúc đầu cô làm tình nguyện từ xa nhưng sau đó TP Hồ Chí Minh bùng phát mới quyết định bước ra khỏi vòng tròn an toàn, lập chiến dịch Người Việt thương nhau, trực tiếp đi chống dịch từ tháng 7/2021 đến tháng 11/2021. Ra Bắc cô lại tiếp tục đi chống dịch ở Hà Nội. Bao tháng ngày dành hết tâm sức cho công việc thiện nguyện, nhiều lúc cô tưởng đối diện với cái chết mười mươi trước mặt.

"Là người nghệ sĩ thích tự do nên trước đó, năm 2020 tôi mới tổ chức các chuyến Du ca Đi và Hát bởi muốn cúi xuống với khán giả chứ không muốn khán giả phải ngước lên nhìn mình", ca sĩ Thái Thùy Linh tâm sự.

Bị hiểu lầm là cò bất động sản

Ca sĩ Thái Thùy Linh tâm sự: “Sau 2 năm Covid-19 tôi đã bớt mê hát vì nhìn thấy nhiều cảnh quá lầm than mà mình lại váy áo lấp lánh đứng uốn éo trên sân khấu. Mình phải làm cái gì đó khác đi, tôi đang nghĩ như thế thì một chị tình nguyện viên trong chiến dịch Người Việt thương nhau vốn là dân bất động sản bỗng có chút vướng mắc về đất đai ở Phan Thiết nên nhờ giúp.

Hồi tôi đi chống dịch có ở nhà chị đó 1 tháng, được hầu hạ còn hơn cả con nên rất cảm kích, mới quyết vào dù tài sản lớn nhất chỉ là các mối quan hệ. Chị ấy lái xe chở tôi đi khắp Phan Thiết, thấy cảnh đẹp tôi mới đăng vài bài lên trang cá nhân thì mọi người lại tưởng là làm cò đất bởi đúng lúc đó cũng đang sốt đất. Chị ấy biết chuyện liền khuyên tôi làm bất động sản.

Thấy cũng hay, vậy là tôi quyết định bỏ ra 3 tháng để học về loại bất động sản ở trong dân vì nó có một đặc điểm chung với chuỗi Du ca Đi và Hát của tôi là đến những miền đất đẹp. Chính những ngày đi lê la khắp nơi để xem đất, khi mệt thì vào hàng quán ăn uống nên tôi mới hiểu thêm về văn hóa các vùng miền, từ đó cảm thấy những vùng đất mình đến đẹp hơn so với khi đi du lịch ngắn ngày.

Chỉ khoảng 1 tháng sau đó tôi đã nảy ra ý tưởng về xóm hữu cơ. Tình cờ đọc mẩu tin rao vặt về một mảnh đất ở xã Đú Sáng huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, ảnh đăng có núi, có suối rất đẹp tôi mới rủ anh bạn đi. Khi ấy còn không có đường, may là anh bạn có ô tô địa hình nhưng vào được một đoạn tôi chỉ muốn quay ra bởi quá xóc.

Cả tháng trời lang thang khắp Hòa Bình tôi thấy nó đẹp, hoang sơ và bình yên hơn mình tưởng bởi trước chỉ thường đi thẳng lên thành phố, ngủ khách sạn một đêm rồi đi ăn cá, mua đồ chứ có biết chỗ nào đẹp đâu. Mà khoảng cách từ Hà Nội lên Hòa Bình cũng rất gần. Lúc đó tôi mới tư duy chắc chắn rằng sẽ có nhiều người giống như mình, muốn từ thành phố về nông thôn”. 

Empty

Ca sĩ Thái Thùy Linh đang giám sát việc san lấp, cải tạo mặt bằng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô là người thiết kế, vẽ nên hình hài các xóm rồi cho san lấp, cải tạo mặt bằng. Lúc mua đất cũng bắt đầu vào đợt sóng của thị trường, năm lần bảy lượt cô từ chối những con số đề nghị cực kì hấp dẫn để có ngay lợi nhuận. Cũng bởi thế nhiều người nghĩ sai, thậm chí nghi ngờ và dọa nạt hay dắt mũi nhưng cô vẫn lì lợm và điên rồ bám đuổi mục tiêu của mình. Có những trưa tháng sáu, dù đã mũ nón kín mít nhưng cứ ra chỉ đạo san đất, cải tạo vườn chừng 30 phút là cô phải chạy vào bóng râm để vã nước vào mặt cho khỏi ngất rồi lại tiếp tục công việc.

Bản thân đã từng trải qua tất cả những khó khăn của một người thành phố muốn về nông thôn nên cô nhận định: “Người thành phố muốn về nông thôn thứ nhất là phải rất giàu, mỗi tháng có thể bỏ ra vài chục triệu để thuê người làm tất, xong mình chỉ việc chơi thôi, không xác định gì. Thứ hai là phải rảnh, về hưu rồi muốn chuyển hẳn về để dối già. Thứ ba là phải biết làm nông nghiệp. Những lý do đó cản trở rất nhiều người thành phố không thể trở về nông thôn, trong đó có tôi.

Tôi đã định về nông thôn từ lúc sinh đứa thứ hai, năm 2016, cũng đi xem đất cùng chồng khi ấy nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu bởi không biết trồng trọt, chăn nuôi. Tìm hiểu ra thì mới thấy nhiều người thành phố về nông thôn làm ra những trang trại “dở dở ương ương”, lúc đầu cũng rất thích nhặt vài quả trứng, hái vài mớ rau nhưng chỉ một thời gian sau là chán. Bố mẹ bắt trẻ con về nông thôn nhưng chúng không thích. Nhiều trang trại trông rất xấu, toàn ốp tôn, lát gạch kín mít, dựng ra nhiều thứ giả tạo do đó tôi đã bỏ ý định về quê.

“Nhiều người nghĩ tôi đang làm trang trại nhưng thực tế không phải như thế bởi xóm hữu cơ có nhiều ý nghĩa ở bên trong nên cũng khó phân định cụ thể nó là gì”, ca sĩ Thái Thùy Linh.

Empty

Ca sĩ Thái Thùy Linh bên các cố vấn về nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi từng cười ra nước mắt ở Vườn du ca nhưng được cái tính lạc quan chứ nếu không sẽ phát điên lên mất. Ngay cả ở đây, xóm 1 hữu cơ với diện tích 15.000m2, thời gian đầu tôi trồng cây xong lũ quét qua, chết hết. Hai tháng vừa rồi tôi lại vật vã với chuyện trồng rau, bởi ở đây có nhiều vấn đề riêng cho nên có những giải pháp đã làm thành công ở chỗ khác nhưng mang về lại không hợp thời tiết, khí hậu, chất đất, cứ phải làm đi làm lại, học phí trả quá nhiều.

Giờ thì tôi thấy rằng có thể biến giấc mơ của rất nhiều người thành phố thành hiện thực bởi mọi thứ đều có sẵn. Mỗi xóm đều có một khu nhà cộng đồng chung, sử dụng được trọn đời giống như kiểu homestay không đồng, mỗi người có khoảnh đất riêng để trồng trọt, chăn nuôi. Một gia đình muốn đến làm cư dân trong xóm chỉ cần với số tiền vừa phải đã có thể có mảnh đất riêng, pháp lý đầy đủ.

Họ không bị áp lực phải xây nhà, không phải bắt đầu bằng những gian khó như tôi đã phải trải qua, hôm nay kéo đường dây điện, ngày mai đứng canh máy xúc, ngày kia gọi thợ nề, thợ xây… Và hơn nữa, về kỹ thuật nông nghiệp, đã có các chuyên gia cố vấn. Khi nhận bàn giao vườn, nhà cộng đồng, mọi người sẽ lập ra kiểu tổ dân phố, có nội quy đàng hoàng, không được sử dụng hóa chất. Họ không cần phải lên đây hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, thậm chí kể cả ở nước ngoài, mỗi tháng đóng một khoản phí, không nhiều chỉ vài triệu thì mảnh vườn của mình sẽ được chăm sóc luôn xanh tốt. Nhân viên ở đây sau khi được chuyên gia đào tạo sẽ làm cầu nối hướng dẫn cho người dân trong cộng đồng xung quanh.

Empty

Quá trình xây dựng xóm 1 hữu cơ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tôi ước mơ xây dựng ra 100 xóm hữu cơ, với quãng đường từ Hà Nội lên tới nơi khoảng hơn 1 giờ. Hiện tôi đang làm những xóm đầu tiên ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Xóm hữu cơ là mô hình kéo người thành phố về nông thôn, đầu tư tiền, đem văn minh, tiên tiến về, tạo công ăn việc làm.

Từ xưa đến nay người thành phố vẫn về nông thôn như huyện Ba Vì, huyện Sóc Sơn ở TP Hà Nội có những đợt đất sốt, nhưng nói thật chỉ mới đầu tư cho chính cá nhân họ, nhà ai biết nhà đó, về sản xuất nông nghiệp thì phụ thuộc hoàn toàn vào người làm. Có nhiều nhà chủ cũ lại chính là người ở lại trên đất để tiếp tục sản xuất, còn chủ sở hữu thực sự thì thỉnh thoảng về: “Bác ơi cho em xin con gà, cho em xin ít rau nhé”. Đó là một nghịch lý.

Xóm hữu cơ sẽ nghiêng về cộng đồng nhiều hơn, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Vừa rồi chúng tôi có tổ chức buổi tập huấn cho cán bộ xã, các trưởng thôn. Buổi đó chưa đông và tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần là nó sẽ chưa đông bởi họ chưa biết mô hình có gì hay không. Khi tôi về vùng này, để ý xem bà con trong vùng đang sống bằng nghề gì. Ngoài trồng keo trên rừng họ trồng bí xanh rồi sống chung với những cánh đồng mịt mù vì phun đẫm thuốc sâu ấy. Hai năm nay họ mới du nhập thêm cây mướp đắng, vụ đầu tiên rất hào hứng trồng để bán cho công ty thu mua làm dược liệu. Đến vụ thứ hai thì nhận ra đất đã bị bạc, năng suất cây trồng giảm, bà con lại chán.

Bởi thế tôi phải tính toán kỹ và thận trọng trong việc tiên phong làm mô hình gì, ăn thử, bán thử xem có được hay không. Chúng tôi bắt đầu rỉ tai, rủ rê họ làm cùng, đã có một số người đến xin chế phẩm vi sinh về để ủ rác trồng rau hay xử lý mùi hôi chuồng trại. Việc này không vội được. Phải làm sao cho xóm xanh lên, đẹp lên thì mới thuyết phục được người khác”.

Empty

Vườn rau ở xóm 1 hữu cơ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những người đồng hành    

Chị Nguyễn Thị Liên - Chủ trại giun quế GHT ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội dù đã ngót 70 tuổi nhưng vẫn không quản ngại chuyện đi về giữa Hà Nội và Hòa Bình để sát cánh cùng với xóm hữu cơ trong vai trò cố vấn kỹ thuật.

Chị nhận xét: “Ý tưởng của ca sĩ Thái Thùy Linh về xóm hữu cơ rất sáng tạo bởi hàng rào, vách nhà không làm từ nhựa, sắt, thép, bê tông mà bằng những vật liệu như tre, gỗ. Sau khi hàng rào tre bị mục thì hàng rào cây xanh như găng, ô dô, râm bụt, hoa tím… sẽ mọc lên thay thế.

Mỗi người có mảnh vườn riêng, chăm sóc, thu hái, cải tạo đất hoàn toàn bằng chế phẩm vi sinh tự làm, rồi phân hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chế biến sau thu hoạch đều sử dụng vi sinh, men hết. Trong công việc cô ấy là một chỉ huy quyết đoán và không ngại phản biện với đối phương. Nhìn sự chỉn chu của từng chân hàng rào tre tôi thấy cô ấy trân trọng những điều nhỏ nhất và kiên định với mục tiêu của mình”.

10

Ca sĩ Thái Thùy Linh bên khu vườn tự mình thiết kế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Còn anh Hoàng Sơn Công - chuyên gia huấn luyện khởi nghiệp, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Tài năng Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Kiku Bara, đồng sáng lập Liên minh Nông nghiệp Tử tế thì bảo: “Tôi đánh giá cao thứ nhất là văn hóa của cư dân tới đây ở. Thứ hai là chuyển giao được giải pháp hữu cơ tới cộng đồng dân cư xung quanh. Cuối cùng là nối được thành thị và nông thôn. Những gì người thành thị không làm được thì người nông thôn làm và ngược lại.

Đầu ra, kỹ thuật là người thành phố lo, sản xuất là nông dân. Người dân địa phương hiện nay đang thu nhập thấp bởi phải tốn kém nhiều trong sản xuất nông nghiệp thì cô Linh sẽ giảm thiểu chi phí đó bằng những giải pháp mới, bản địa hóa, lấy tiền của mình và mô hình của mình ra để làm mẫu. Nếu giải pháp chỉ đảm bảo môi trường, sức khỏe cho cộng đồng mà không tạo ra sinh kế thì cũng thất bại. Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng những gì mà cộng đồng dân cư ở đây đang làm, bởi không có mình thì người ta vẫn sống.

Khi quan sát cuộc sống của cộng đồng dân cư, chúng tôi sẽ cải thiện từng bước, ví dụ như trước đây một công đoạn làm hết cả ngày công thì giờ rút xuống còn nửa. Cách thì “lười” hơn nhưng hiệu quả lại cao hơn, giúp họ tăng thu nhập, nếu không tối thiểu cũng phải giữ được mức bằng với trước. Người ta đang làm cái gì thì hỗ trợ cái đó về kỹ thuật, về đầu ra, đó là phát triển bền vững chứ chúng tôi không kỳ vọng là sẽ đưa một giống cây, giống con về để phổ biến toàn vùng”…

Empty

Ca sĩ Thái Thùy Linh vui với ruộng hoa cải gieo vãi kiểu "lười". Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngồi nướng ngô, khoai, xúc xích bên bờ suối rồi dựng lều nghỉ ngay tại chỗ là nhóm gia đình chị Mai Anh nhà ở khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính và gia đình chị Bạch Tuyết nhà ở khu Vĩnh Tuy của Hà Nội. Họ đều có con mắc chứng tự kỷ và đều là cư dân mới của xóm 2 hữu cơ. Chị Mai Anh kể: “Các gia đình có con tự kỷ như chúng tôi luôn đau đáu một câu hỏi rằng sau khi mình già, mất đi thì con sẽ thế nào.

Các bạn hơn 20 tuổi rồi mà bố mẹ vẫn phải chăm sóc, nếu ở thành phố sẽ rất nhiều nguy hiểm, vả lại môi trường ô nhiễm. Bởi thế chúng tôi mua đất ở trên này, tương lai cuối tuần lên nghỉ ngơi hoặc ở hẳn cũng chưa biết nhưng chắc chắn sẽ đưa con ra ngoài tự nhiên để cho chúng hoạt động, lanh lợi hơn.

Còn chúng tôi thì vài năm nữa không đi làm nữa, nhu cầu giao tiếp xã hội không nhiều nên muốn có chỗ yên tĩnh, môi trường trong sạch, có thể trồng rau, nuôi gà để tạo thức ăn lành mạnh. Ca sĩ Thái Thùy Linh đã làm nhiều hoạt động cho trẻ tự kỷ và các gia đình tự kỷ và ấp ủ nhiều dự án về cộng đồng, chúng tôi có theo dõi từ lâu nên khi biết về xóm hữu cơ như này đã tham gia ngay".

"Làm công dân ở xóm hữu cơ chúng tôi không phải bỏ ra nhiều công sức vì mọi thứ đều được hỗ trợ hết, chứ tự mình bạt núi, san đồi mà làm nông nghiệp rồi tự ủ phân, ngâm thuốc trừ sâu vi sinh thì quả thật là khó”, chị Mai Anh tâm sự.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.