| Hotline: 0983.970.780

Cá tra tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu 'Bắc tiến'

Thứ Ba 06/10/2020 , 19:51 (GMT+7)

Ngày 6/10, lô cá tra đầu tiên sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu đã có mặt tại Hà Nội để phân phối tại thị trường miền Bắc.

Đây là sự kiện ra mắt do Bộ NN-PTNT phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn An Việt, nhà phân phối thực phẩm tại Hà Nội và Công ty Nam Việt (nhà sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu tại An Giang).

Tại lễ ra mắt, ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn An Việt (An Việt Group) cho biết qua đánh giá triển vọng tiêu thụ các mặt hàng cá tra tại thị trường phía Bắc, thời gian qua, công ty đã liên hệ hợp tác với Công ty Cổ phần Nam Việt (Công ty Nam Việt) là nhà chế biến cá tra xuất khẩu lớn tại An Giang.

Qua khảo sát, nắm bắt trực tiếp tại Công ty Nam Việt, cho thấy quy trình từ khâu tổ chức nuôi, chế biến các sản phẩm cá tra rất hiện đại, nghiêm ngặt, và là nhà chế biến cá tra xuất khẩu đạt các yêu cầu của nhiều thị trường như EU, Mỹ...  

Chuyến hàng cá tra đầu tiên tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu ra mắt thị trường phía Bắc. Ảnh: Lê Bền

Chuyến hàng cá tra đầu tiên tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu ra mắt thị trường phía Bắc. Ảnh: Lê Bền

Theo ông Nam, An Việt Group hiện có hệ thống phân phối thực phẩm rất đa dạng tới các bếp ăn tập thể, trường học, các khu công nghiệp, phân phối qua kênh thương mại điện tử, các chuỗi cung ứng thực phẩm... lớn tại các tỉnh/thành phía Bắc.

Vì vậy thời gian qua, An Việt Group cũng đã lên kế hoạch phân phối, gửi thông tin tới các khách hàng và đã được các khách hàng tại phía Bắc đánh giá cao, hồ hởi đón nhận các lô hàng cá tra đầu tiên được phân phối, tiêu thụ tại thị trường phía Bắc.

Trước mắt, An Việt Group đặt mục tiêu tiêu thụ một container/tuần (25 tấn), và sẽ tăng lên trong thời gian tới khu nhu cầu, hệ thống tiêu thụ dần được thiết lập và tăng lên.

Điều chỉnh khẩu vị phù hợp người tiêu dùng phía Bắc

Theo ông Nam, lâu nay do cá tra chủ yếu được chế biến để chế xuất khẩu nên các sản phẩm cá tra chất lượng cao trên thực tế chỉ dành cho xuất khẩu, trên thị trường nội địa chỉ chủ yếu chỉ có các mặt hàng cá tra được chế biến từ các sản phẩm phụ.

Các doanh nghiệp chế biến cá tra cũng gần như chưa để ý tới thị trường nội địa, nhất là thị trường tại các tỉnh phía Bắc, do đó chưa có các sản phẩm từ cá tra phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của người tiêu dùng.

Vì vậy lâu nay, người tiêu dùng phía Bắc có thể đã tiếp xúc hay đã từng đâu đó dùng các sản phẩm cá tra, tuy nhiên họ chưa có ấn tượng nhiều về các sản phẩm này, bởi dòng sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa khác hẳn về chất lượng so với các sản phẩm cá tra chế biến chất lượng cao dùng để xuất khẩu.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT chứng kiến lô hàng cá tra tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu có mặt tại kho của An Việt Group. Ảnh: Lê Bền.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT chứng kiến lô hàng cá tra tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu có mặt tại kho của An Việt Group. Ảnh: Lê Bền.

Do đó, khi triển khai đưa các sản phẩm cá tra chế biến ra thị trường phía Bắc, bên cạnh việc lựa chọn đa dạng các dòng sản phẩm chế biến chất lượng cao (tương đương với các sản phẩm xuất khẩu), công ty cũng đã tư vấn cho đối tác chế biến ra các sản phẩm cá tra phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng phía Bắc như giảm vị ngọt, giảm vị cay, bổ sung các gia vị...

Bên cạnh đó, An Việt Group cũng đã tư vấn cho đối tác chế biến đa dạng các sản phầm như cá tra đa dạng như phi lê, cắt khúc, nguyên con, chả viên, chả tẩm bột, chả thìa là... để phân phối phù hợp với đa dạng các thị hiếu, lứa tuổi người tiêu dùng.

Vì vậy, các sản phẩm cá tra chế biến tiêu thụ tại thị trường phía Bắc qua khả sát ban đầu đều nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của khách hàng và các đối tác phân phối bán lẻ.

Ông Nam cũng khẳng định với nhiều ưu điểm về mặt chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng, độ ngon miệng, cùng nhiều tiện dụng trong tiêu dùng, giá cả hợp lí..., các sản phẩm cá tra hoàn toàn có thể cạnh tranh được về mặt giá cả, thị trường tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc so với các sản phẩm cá cũng như thực phẩm khác trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Là mặt hàng thủy sản chế biến, xuất khẩu chủ lực của nước ta, đến nay, trình độ sản xuất, chế biến cá tra của Việt Nam đã ngang tầm với đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên thời gian qua, hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm cá tra của nước ta đã có những ảnh hưởng khó khăn đáng kể do dịch bệnh Covid-19.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với dân số gần 100 triệu dân, thị trường nội địa hiện nay vẫn còn tiềm năng, dư địa tiêu thụ rất lớn đối với mặt hàng cá tra, nhất là thị trường phía Bắc, bởi đây là mặt hàng lâu nay mới chỉ chú trọng, tập trung vào chế biến xuất khẩu.

Với trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại, được tổ chức bài bản từ khâu nuôi, tới chế biến ngang tầm thế giới, đã được Mỹ công nhận tương đương, cá tra Việt Nam hoàn toàn đảm bảo cả về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, chất lượng cao, có thể truy xuất được nguồn gốc...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ ba từ phải sang) kiểm tra lô hàng cá tra tại kho của An Việt Group. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ ba từ phải sang) kiểm tra lô hàng cá tra tại kho của An Việt Group. Ảnh: Lê Bền.

Vì vậy nếu tiếp cận, khai thác được thị trường phía Bắc, sẽ là cơ hội cho cả các nhà chế biến, phân phối, nhất là các hệ thống bếp ăn tập thể, các trường học, khu công nghiệp, kể cả các đơn vị quốc phòng, công an...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết trong thời gian tới, sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra phía Nam kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ tại phía Bắc để đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Trước mắt, An Việt Group đã ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 1.000 tấn với Công ty Nam Việt, và sẽ tiếp tục nâng cao sản lượng trong tương lai.

Bên cạnh khai thác thị trường nội địa, Bộ NN-PTNT phối hợp với các hiệp hội, bộ ngành, doanh nghiệp cũng đã và đang tiếp tục xúc tiến mở rộng thêm các thị trường tiêu thụ cá tra, nhất là sang thị trường Nga.

Theo đó, hiện đã có các hợp đồng xuất khẩu cá tra sang Nga với sản lượng dự kiến khoảng 300 nghìn tấn/năm từ năm 2021.

Giá trị dinh dưỡng của cá tra ra sao?

PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đánh giá: Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có lợi thế sẵn có với nguồn cung cấp cá tra rất dồi dào. Vì vậy, rất mong muốn các sản phẩm cá tra sẽ trở thành một mặt hàng thực phẩm có mặt trong bữa ăn thường ngày của người Việt.

Các sản phẩm cá tra gồm nhiều sản phẩm được chế biến đa dạng, phù hợp với thị hiếu ẩm thực, khẩu vị của người tiêu dùng phía Bắc. Ảnh: Lê Bền.

Các sản phẩm cá tra gồm nhiều sản phẩm được chế biến đa dạng, phù hợp với thị hiếu ẩm thực, khẩu vị của người tiêu dùng phía Bắc. Ảnh: Lê Bền.

TS Mai cho biết về mặt dinh dưỡng, cá tra là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng rất cao cũng như nhiều thành phần có ý nghĩa rất tốt cho sức khỏe con người.

Trong mỗi 100g cá tra phi lê, cung cấp cho người dùng khoảng 83 kcal. Không chỉ là thực phẩm giàu năng lượng, cá tra còn có các thành phần dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, nhất là nguồn protein và chất béo.

Có hai thành phần dinh dưỡng nổi trội trong sản phẩm cá tra, đó là hàm lượng protein khá cao (chiếm 17%), tương đương với các loại thịt (chỉ thấp hơn thịt bò một chút) và những loại cá được ưa chuộng, có gía cao trong bữa ăn hàng ngày như cá thu, cá chép...

Về giá trị axit amin, cá tra cung cấp đầy đủ các axit amin cần thiết giúp cho quá trình tiêu hóa và đồng hóa để biến protein cá tra thành protein của cơ thể con người một cách dễ dàng nhất. Ưu điểm nữa đó là hàm lượng chất béo trong cá tra có chứa cả các axit béo không no cần thiết cho cơ thể như omega3 và omega6, trong đó tỉ lệ giữa omega3 và omega6 cũng rất cân đối.

Đây là những thành phần có giá trị rất tốt cho sức khỏe con người, đặc biệt là về sức khỏe tim mạch và cho thị lực của mắt, cải thiện sa sút trí tuệ, trí nhớ của người già cũng như tăng cường trí tuệ, hệ tim mạch của trẻ nhỏ.

Cũng theo TS Mai, mức tiêu thụ cá nói chung của người Việt Nam hiện nay còn khá thấp, trung bình chưa tới 60g/người/ngày. Mức tiêu thụ này rất ít thay đổi trong nhiều năm qua và có sự chênh lệch giữa các vùng miền, khu vực (trong khi mức tiêu thụ thịt những năm qua có xu hướng tăng mạnh). Ví dụ các tỉnh miền Nam có xu hướng dùng cá thường xuyên hơn trong bữa ăn hàng ngày so với các tỉnh phía Bắc.

Sự kiện An Việt Group hợp tác tiêu thụ cá tra với Công ty Nam Việt là một trong những hợp tác giữa các đơn vị sản xuất, chế biến cá tra tại phía Nam với các doanh nghiệp, nhà phân phối tại thị trường phía Bắc đã được triển khai thời gian qua theo chủ trương của Bộ NN-PTNT về việc đẩy mạnh tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa.

Trước đó, vào đầu tháng 7/2020, Xí nghiệp Bắc Hà (thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) cũng đã triển khai hợp tác, tiêu thụ cá tra với đối tác là Công ty Cổ phần Nam Việt. Đến nay, việc tiêu thụ cá tra của Xí nghiệp Bắc Hà đang có rất nhiều triển vọng khả quan.

Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất