| Hotline: 0983.970.780

Cái trạm y tế cũ của một xã nông thôn mới

Thứ Sáu 01/11/2019 , 10:20 (GMT+7)

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe của người dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội đã bước đầu triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại một số trạm y tế.

11-36-09_dsc_6364
Cảnh xuống cấp của trạm y tế.

Các cơ sở này sẽ được các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ bằng cách cử cán bộ luân phiên xuống làm việc theo lịch từ 1-2 buổi/tuần, tập trung vào thực hiện 6 nhiệm vụ chuyên môn chính như truyền thông giáo dục, nâng cao sức khỏe; lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân để từng bước thực hiện mục tiêu mọi người đều được theo dõi, tư vấn, khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm; quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm trước mắt là các bệnh huyết áp, đái tháo đường, tim mạch tại trung tâm y tế xã; chăm sóc sức khỏe trẻ em, người cao tuổi; dân số kế hoạch hóa gia đình; phòng bệnh bằng việc tiêm chủng, khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh…

Việc ứng dụng nguyên lý y học gia đình được hi vọng sẽ giúp các trạm y tế xã phát huy được vai trò chốt chặn, quản lý bệnh không lây nhiễm- nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại nước ta khi cứ 10 người chết lại có 7 ca là do các bệnh không lây nhiễm. Năm 2019, Ứng Hòa đăng ký 16 trạm y tế thực hiện theo dạng này còn lại do chưa đủ điều kiện nhân lực, vật lực nên để sau mà Đại Cường là một ví dụ.

Là địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa thuần nông, Đại Cường không có nghề phụ, các nguồn thu rất hạn chế, thu nhập bình quân đầu người thấp, lao động chủ yếu là đi làm thuê trong các khu công nghiệp ở khu vực giáp ranh tỉnh Hà Nam. Năm 2016 xã về đích nông thôn mới với 16/19 tiêu chí đạt, còn 3 tiêu chí cơ bản đạt gồm thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường đã là cả sự cố gắng lớn của toàn thể cán bộ, nhân dân khi so với năm 2011 chỉ có 3 tiêu chí.

Sau khi được công nhận về đích, xã kiến nghị các cấp tiếp tục đầu tư kinh phí hoàn thiện thêm các trục đường giao thông nội đồng kết hợp với kênh tưới để nâng cao chất lượng tiêu chí về giao thông, thủy lợi, hoàn thiện thêm một số ngõ xóm, nâng cấp và xây mới trường mầm non, trường trung học cơ sở...

Nguồn kinh phí thực hiện cho việc này giai đoạn 2016 - 2020 từ ngân sách thành phố tăng 28.817 triệu đồng, ngân sách huyện tăng 16.121 triệu đồng; ngân sách xã tăng 179 triệu đồng, đặc biệt, nhân dân đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất quy ra tiền tăng 910 triệu đồng.

Tuy nhiên, do về đích nông thôn mới từ năm 2016, lúc tiêu chí còn đơn giản hiện một số hạng mục công trình do chưa được đầu tư sửa chữa nay đã xuống cấp, Đại Cường đang đề nghị được xây mới, cải tạo nhà văn hóa của 2 thôn Kim Giang và Đông Đình; trang bị cơ sở vật chất trường trung học cơ sở được công nhận đạt chuẩn từ thời Hà Tây (cũ) nhưng chưa được đầu tư, xây thêm 4 phòng học của trường tiểu học do tăng số lượng học sinh và đặc biệt là xây mới hoặc sửa chữa lại trạm y tế.

11-36-09_dsc_6367
Những bức tường ngoài đã tróc lở hết.

Hiện nay, theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì y tế là 1 trong 19 tiêu chí quan trọng nhưng ở xã từ nhà cửa đến trang thiết bị còn thiếu thốn rất nhiều. Trạm y tế hiện nay xuống cấp với tường ngoài tróc lở, nhà vệ sinh bị rò rỉ, các phòng chức năng hạn chế, vườn thuốc đông y chỉ là những ô gạch xếp tạm để phân chia. Không gian xung quanh trạm cây cối, ao chuôm um tùm là chỗ trú ngụ cho muỗi mòng, dịch bệnh có thể phát triển.

 Về trang thiết bị, máy móc rất thiếu khi hiện đại nhất vẫn chỉ là bộ siêu âm, không đáp ứng được cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đáng ra ở vị trí vùng sâu, vùng xa, cách bệnh viện huyện cỡ 15 km như Đại Cường, trạm y tế xã phải được xây dựng khang khang, hiện đại để có thể chủ động giải quyết được những ca bệnh vừa phải, không phải chuyển lên tuyến trên, vừa đỡ tốn kém lại đỡ nguy hiểm.

Đằng này, cơ sở vật chất như thế khiến cho nhiều bệnh nhân, kể cả đơn giản như đi đẻ cũng không chọn ở trạm y tế mà đều phải đi nơi khác. Có được một trạm y tế xứng tầm chính là niềm mong mỏi lớn nhất của người dân Đại Cường hiện nay.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.