Điểm nhấn
Nơi trước đây vốn rất heo hút thuộc xã An Trung (huyện An Lão, Bình Định) giờ đang là công trường xây dựng.
Những chiếc xe tải chở gạch, ngói, cát, đá, sạn, xi măng, sắt thép ngược xuôi nườm nượp trên những tuyến đường mới mở rộng thênh thang.
Những ngôi nhà kiên cố, khang trang mới được xây dựng mái ngói còn đỏ tươi nổi bật lên trên nền xanh của rừng núi đại ngàn bao bọc xung quanh. Có những ngôi nhà được xây dựng tường rào kiên cố, đẹp chẳng khác nhà ở phố.
Đó là nơi tái định cư của 478 hộ dân xã An Dũng (huyện An lão) sau khi nhường đất để triển khai dự án hồ chứa nước Đồng Mít.
Anh Đinh Văn Phiên, người dân thôn 4, không giấu được phấn khởi, bày tỏ: “Nhà mình đã nhận được khoản tiền đền bù kha khá, hơn 400 triệu đồng.
Về nơi tái định cư mình xây dựng 1 căn nhà cấp 4 kiên cố, nhưng không làm to lắm như nhà người ta, vì mình có ý định giữ lại ít vốn để đầu tư vào sản xuất tạo nguồn thu nhập cho gia đình”.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, để triển khai thi công hồ chứa nước Đồng Mít, có 478 hộ dân ở xã An Dũng phải di dời đến khu tái định cư, bình quân mỗi hộ nhận được khoản tiền đền bù từ 400 - 450 triệu đồng.
Tôi nhẩm tính với nhiều băn khoăn, bởi khoản tiền ấy mà có hàng bao nhiêu việc phải lo khi phải di dời cả gia đình đến nơi ở mới; ấy vậy mà tại khu tái định cư này có những ngôi nhà khá to, được xây dựng rất khang trang, tường rào kiên cố.
Ông Đỗ Tùng Lâm giải thích: “Những năm qua nhờ trồng rừng nên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều đó của ăn của để. Tuy có tiền, nhưng vì điều kiện địa lý nên họ không tiếp cận được với nhịp sống của xã hội, do đó chưa biết đầu tư làm ăn mở mang kinh tế, cứ tích lũy để đó. Bây giờ về nơi ở mới, có nhu cầu làm nhà là họ bung ra làm”.
Điều “hút mắt” chúng tôi nhất tại khu tái định cư này là xen lẫn giữa những ngôi nhà được xây dựng khá hiện đại là những căn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên điểm nhấn độc đáo.
Thấy tôi ra vẻ lạ lẫm, ông Đỗ Tùng Lâm giải thích thêm: “Theo kiến trúc không gian trong căn nhà của dân đồng bằng từ ngoài bước vào nhà phòng khách, rồi đến phòng ngủ, sau đó là phòng bếp là nơi cả gia đình sinh hoạt chung.
Thế nhưng theo truyền thống của đồng bào Hrê ở An Lão họ chỉ sinh hoạt trong nhà sàn. Thế nên dẫu có xây dựng nhà kiên cố đi nữa thì phía sau căn nhà xây họ vẫn dựng gian nhà sàn để gia đình làm chỗ sinh hoạt, gỗ làm nhà sàn được họ tháo ra từ căn nhà sàn cũ trước đây”.
Tiệm cận với cuộc sống văn minh
Khu tái định cư hồ Đồng Mít được xây dựng trên địa bàn xã An Trung, nhưng theo nguyện vọng của người dân, chính quyền huyện An Lão vẫn lấy địa danh hành chính là xã An Dũng như trước đây. Nơi ở mới của người dân tái định cư xã An Dũng được chia làm 3 phân khu, trong đó có 4 làng nằm khá gần nhau.
Đứng tại phân khu trung tâm, nhìn sang khu đồi phía bên kia, chúng tôi thấy những căn nhà mới vừa xây dựng hình thành nằm cạnh nhau cũng đang khoe sắc ngói với những cánh rừng xanh ngắt.
Trò chuyện với một số người tái định cư trên vùng đất mới, chúng tôi hiểu cuộc sống của họ còn được thụ hưởng thêm nhiều điều mới trong cuộc sống mới.
Ví như trước đây khi còn ở làng, họ không được sống xúm xít cạnh nhau như khi về khu tái định cư này, mà mạnh nhà ai nấy sống, bởi nhà này cách nhà kia rất xa, đường đi lại khó khăn, muốn thăm nhau cũng ngại.
Thêm một điều nữa là khi về khu tái định cư, những người dân ở đây sẽ được sống gần với trụ sở làm việc của UBND xã, nếu có nhu cầu làm giấy tờ gì thì không phải lặn lội đi cả nửa ngày đường để đến UBND xã như trước đây.
Chung quanh UBND xã là trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở công an xã, xã đội…; con em đi học, muốn vui chơi cũng không phải đi đâu xa, nhất là nếu có ai đau bệnh thì nơi cần đến là trạm y tế cũng ở rất gần.
Các nhu cầu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân ở khu tái định cư cũng luôn “trong tầm tay”, ví như điện, nước sinh hoạt.
“Hệ thống điện, nước sinh hoạt tại khu tái định cư đã được các cơ quan chuyên môn xây dựng, lắp đặt hoàn thành trước Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua. Người dân nào đến ở thì điện, nước được kéo về tận nhà với chi phí thấp nhất.
Chúng tôi cũng định hướng cho người dân tái định cư xã An Dũng trồng cây xanh tại nơi ở để hình thành các khu dân cư kiểu mẫu, tạo điều kiện thuận lợi để xã An Dũng sớm ổn định, hoàn thành xây dựng nông thôn mới”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay.
“Song song với việc tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân tái định cư hồ Đồng Mít an cư, chúng tôi còn lo cho họ lạc nghiệp khi đến nơi ở mới. Huyện đã bố trí 700ha đất sản xuất, cơ quan chuyên môn đang lên hồ sơ để giao đất cho từng hộ dân, khi họ vừa về nơi ở mới là có thể bắt tay vào sản xuất ổn định đời sống”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An lão.