| Hotline: 0983.970.780

Lặng thầm dưới đại ngàn

Thứ Tư 19/02/2020 , 09:26 (GMT+7)

Nơi ấy có những vò rượu cần ngọt đến mềm môi, những điệu khặp đắm say lòng người.

Ông Lê Văn Giang (bên phải ảnh) - người có uy tín ở bản Cang trao đổi cùng tác giả.

Ông Lê Văn Giang (bên phải ảnh) - người có uy tín ở bản Cang trao đổi cùng tác giả.

Đã mấy lần qua vùng đất ấy nhưng vẫn thiếu một chữ duyên để có thể nán lại lâu hơn, dù nơi ấy có những vò rượu cần ngọt đến mềm môi, những điệu khặp đắm say lòng người. Cho đến tận khi nghe được thông tin về những con người dung dị nhưng cao cả, nói đi đôi với làm ở nơi đại ngàn hùng vĩ này, mới đủ thuyết phục tôi xách ba lô lên vai lần nữa.

Có lần đi theo đoàn tuần tra chung bảo vệ rừng, tôi đã dừng lại ăn trưa ở một bản Thái, mà sau này mới biết chính là nơi khởi thủy của Mường Ca Da. Giá lúc ấy tôi hiểu biết nhiều hơn về một di sản sống động như thế, có lẽ tôi đã tách đoàn để chiêm nghiệm và thưởng thức một cách đủ đầy hơn vẻ đẹp của hang Co Luồng, động Lũng Mu...

Đến giờ, dường như sâu thẳm trong tôi vẫn lạo xạo tiếng bước chân của những cư dân bản Thái mộc mạc, dấu yêu ngày nào. Những thanh âm dục dã từ lưng chừng núi cao...

Tôi nghĩ dù viết đã nhiều, nhưng mình vẫn còn nợ vùng đất ấy. Đất ấy còn như dấu diếm điều kỳ bí từ văn hóa đến cốt cách con người với tôi. Và rồi tôi đã có cơ hội, là chuyến đi cùng những đồng nghiệp ở Truyền hình An ninh tổ quốc.

Sau hành trình gần 130km từ thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi cũng đến Hồi Xuân. Xe đỗ ở sân cơ quan Công an huyện trong sự đón tiếp của người đứng đầu ở đây. Một người trẻ làm lãnh đạo cơ quan công an ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn và phức tạp về an ninh - trật tự. Nghe nói anh trưởng thành từ chính đất này, nhiều năm gắn bó, tâm huyết, và còn rất nhiều trăn trở…

Thị trấn Quan Hóa, ngay cạnh là xã Hồi Xuân. Nguyên gốc của từ ấy phải có thời gian tìm hiểu, nhưng chỉ nội hàm hai chữ Hồi Xuân đã cho ta một cảm giác đến mê đắm, lâng say. Chúng tôi có mặt ở bản Khằm, xã Hồi Xuân sớm hơn dự kiến, nhưng vẫn là những người đến muộn. Nhà văn hóa bản chỉ còn vài ghế ngồi. Tối nay trưởng bản họp dân để thông tin nông vụ. Cán bộ Công an huyện cũng xuống lắng nghe về an ninh - trật tự. Nghe cán bộ nói với dân ở đây, nhìn dân bản nắm tay cán bộ, thì thấy họ không sợ công an, mà tin công an.

Trước khi xuống bản, trong bữa cơm ăn vội cùng Trưởng Công an huyện - trung tá Lê Viết Thuận, tôi biết việc xây dựng mối quan hệ giữa công an và nhân dân trên địa bàn là khá tốt. Để có đầu mối lắng nghe, tập hợp thông tin, đồng thời đảm nhiệm tiếng nói thuyết phục, giáo dục người vi phạm ở địa bàn dân cư, Công an huyện đã xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số lên tới 36 người.

Và đêm nay chúng tôi đã gặp được một người trong số đó, là bác Phạm Hồng Sơn - người dân tộc Thái, ở bản Khằm. Đi cùng chúng tôi xuống bản là trung tá Lô Thị Hường. Chị chẳng nói gì, vì ngại bị đánh giá là có sự chuẩn  bị trước.

Ông Lê Văn Giang (trái) đi nắm tình hình ANTT tại xưởng sản xuất lâm sản trên địa bàn xã Xuân Phú.

Ông Lê Văn Giang (trái) đi nắm tình hình ANTT tại xưởng sản xuất lâm sản trên địa bàn xã Xuân Phú.

Chiếu trải ra, câu chuyện râm ran bác Sơn bắt đầu bằng cái nhìn vào những cán bộ Công an huyện đi cùng chúng tôi. Cái nhìn ấy cho thấy ở bác có niềm tin.

Bác kể về 6 năm làm nhiệm vụ người có uy tín ở khu dân cư. Dân chọn mình, còn mình làm vì sự tín nhiệm ấy. Đã nhận lời, thì phải làm việc để dân thấy rằng họ không chọn nhầm. “Uy tín không giống như cái áo, cứ mặc lên người là đươc”.

Bảo khó thì khó, nói dễ thì cũng dễ. Muốn dân tin trước tiên mình phải gương mẫu trong gia đình, phải tiên phong làm trước mọi việc. Chính vì thê, khẩu hiệu hành động của bác là: “Chưa làm thì chưa nói. Đã nói thì phải làm”.

Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, xã chưa làm, những bác đã tìm hiểu, đi trước một bước, đến khi xã triển khai, bác đi vận động đưa ra những vấn đề thuyết phục, thế là bà con nghe. Hay chuyện vận động bà con không phát rừng làm rẫy thì phải biết so sánh giá trị kinh tế giữa việc làm rẫy với đi làm công nhân ở các cơ sở chế biến lâm sản lợi đến đâu, hại ở chỗ nào...

Quan Hóa là địa bàn còn nhiều khó khăn, nếu không có đội ngũ người có uy tín rất dễ nảy sinh phức tạp về an ninh - trật tự cơ sở. Người có uy tín bằng khả năng riêng biệt của mình, mỗi người một cách làm, đã góp phần quan trọng xây dựng nên những bản, làng văn hóa.

Bác còn tham gia rất nhiều vụ hòa giải, ngăn chặn tội phạm, vận động người nghiện bỏ ma túy. Có lần người gây án khư khư khẩu súng tự chế, tay đặt ở cò, bác vẫn bước đến, từng lời nói một đánh động vào tình cảm để thuyết phục. Kinh nghiệm phòng chống tội phạm là không hồn nhiên đến. Phải nghĩ phương pháp, đề ra tình huống trước. Thế nên trong vận động, bác thường vận dụng sức mạnh dòng họ, sau đó là cộng đồng dân cư, cuối cùng mới sử dụng biện pháp can thiệp mạnh khi mà dự báo sẽ có đột xuất.

Trong số họ còn có một người mà chúng tôi vô cùng ấn tượng, là người dân tộc Kinh, dưới xuôi lên định cư, nhưng lại được những cư dân bản Thái bầu làm người có uy tín của bản. Ông là Lê Văn Giang, ở bản Cang, xã Xuân Phú.

Bên ấm trà pha đi pha lại mấy lần, ông cũng không thể từ chối những câu hỏi của chúng tôi. Hỏi kỷ niệm sâu sắc nhất trong suốt thời gian làm nhiệm vụ người có uy tín, ông bảo: Nhớ nhất vẫn là vụ vận động đối tượng ra đầu thú.

Chuyện xảy ra 3 năm trước, đối tượng Lê Văn Hải chém Phó Công an xã Lò Văn Việt rồi bỏ trốn, kêu gọi không chịu ra. Tình cảnh ấy khiến ông phải một mình tìm đến vận động. Bằng biện pháp thuyết phục, vừa lấy tình cảm đánh động sự thức giấc của lương tâm, vừa vận dụng các quy định của pháp luật để răn đe. Sau hai ngày đối thoại, đối tượng chịu ra đầu thú. Sau lần ấy ông nghĩ lại chẳng may đối tượng manh động thì chưa biết bây giờ ông có còn ngồi ở đây không. Chỉ nghĩ thôi, chứ nếu có những vụ việc như thế xảy ra ông vẫn làm.

Ông Lê Văn Giang được chính quyền địa phương ghi nhận nhiều nhất ở hai việc: Vận động chuyển đổi đất để doanh nghiệp xây dựng hạ tầng và góp phần vào việc giải quyết mâu thuẫn về địa giới. Cách làm của ông là lấy đất nhà mình đổi cho nhà khác, sau đó lấy chính diện tích đó chuyển nhượng cho doanh nghiệp, chấp nhận chịu thiệt.

Người dân thấy vậy quay sang ủng hộ, không cho rằng doanh nghiệp “cướp” đất của dân nữa. Vì thế đến nay HTX chế biến lâm sản Sông Mã đặt tại xã Xuân Phú đã xây dựng được 5 cơ sở sản xuất quy mô. Cây luồng của dân bản trồng có đầu ra ổn định, nhiều người vào làm công nhân.

Ông Phạm Hồng Sơn (trái) - người có uy tín ở bản Khằm cùng cán bộ Công an huyện thị sát địa bàn.

Ông Phạm Hồng Sơn (trái) - người có uy tín ở bản Khằm cùng cán bộ Công an huyện thị sát địa bàn.

Giám đốc HTX chế biến lâm sản Sông Mã - ông Lê Văn Bình cho biết: Những vấn đề liên quan đến đất đai, trật tự đều phải nhờ đến sự thương lượng của ông với bà con. Tiếng nói của ông trọng lượng lắm, chứ không phải cứ dùng tiền là mua được đất của dân đâu. Nhiều vụ việc liên quan đến xích mích giữa công nhân với người dân địa phương ông cũng đứng ra hòa giải.

"Đây là lực lượng ở ngay trong khu dân cư nên nắm đầy đủ diễn biến tâm tư, nguyện vọng của người dân, thay nhân dân để kiến nghị, để ký cam kết với chính quyền về việc chấp hành pháp luật. Họ đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khu vực phòng thủ huyện", trung tá Lê Viết Thuận - Trưởng Công an huyện Quan Hóa.

Còn trong việc hòa giải tranh chấp đất đai, ông đã thực sự phát huy được khả năng thuyết phục của mình. Địa bàn ông ở giáp ranh với xã Ban Công, huyện Bá Thước. Người dân hai bên tranh chấp đất đai nhiều năm nay, chính quyền vào cuộc nhiều lần nhưng không xong. Thấy mối nguy, ông vào cuộc phân tích thiệt hơn, nói cái lý, cái tình thông suốt, người dân hai bên bị thuyết phục, cùng thống nhất ký biên bản, còn làm cơm mời ông.

Ông bảo lúc ấy nước mắt cứ chảy ra. Khi hòa giải thấy bên nào cũng khăng khăng, tưởng đã thất bại rồi. Nhưng nếu bỏ cuộc thì còn diễn biến phức tạp. Nghĩ thế, tôi càng quyết tâm. Lúc làm có nghĩ đến chuyện dân làm cơm mời mình đâu.

Nói về vị trí, vai trò, sự đóng góp của lực lượng này, trung tá Lê Viết Thuận - Trưởng Công an huyện Quan Hóa cho biết: Đội ngũ người có uy tín trên địa bàn đều là những người có hiểu biết nhất định. Cơ quan Công an thông qua họ để tuyên truyền về chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, để người dân biết, nâng cao cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, cán bộ ít đến, ít tiếp cận với người dân.

Vùng đất Quan Hóa đang đổi thay từng ngày. Trong sự đổi thay ấy chúng tôi cảm nhận rõ sự đóng góp của những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm