| Hotline: 0983.970.780

Cần bỏ kiểu 'ăn xổi' để xây dựng vườn cây ăn trái bền vững

Thứ Năm 15/04/2021 , 09:12 (GMT+7)

Xây dựng vườn chuyên canh cây ăn trái, kỹ thuật bài bản, đúng cách sẽ thu hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên ờ ĐBSCL vẫn có nông dân thất bại, vì sao?

Muốn hiệu quả tức thì

TS Nguyễn Bá Phú, Bộ môn Trồng trọt (Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ) cho biết những năm qua, nhiều nhà vườn cải tạo vườn tạp và phong trào lập vườn chuyên canh đặc sản ở một số địa phương đang nổi lên.

Hiệu quả, lợi nhuận gia tăng nếu nông dân biết đầu tư đúng hướng và áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc. Hiện ở ĐBSCL, các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang và TP Cần Thơ… tổ chức nhiều chương trình tập huấn kỹ thuật trồng trọt, canh tác vườn cây ăn trái đặc sản theo hướng bền vững.

Cán bộ nông nghiệp địa phương cùng nông dân thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm vườn sầu riêng ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: HĐ

Cán bộ nông nghiệp địa phương cùng nông dân thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm vườn sầu riêng ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: 

Mặc dù hiểu biết, nắm rõ các biện pháp kỹ thuật xây dựng vườn chuyên canh theo hướng bền vững nhưng vẫn còn một số nhà vườn chưa chuyển biến thực hành theo cách làm mới. 

Các biện pháp canh tác, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, tập huấn đa số nông dân đồng tình, cho là đúng hướng. Nếu làm theo, vườn cây sẽ “ăn chắc”, bền vững và hoàn toàn có thể áp dụng.

Tuy nhiên, vẫn có một số nhà vườn cho rằng áp dụng kỹ thuật bài bản thì cây sẽ lâu cho trái năng suất cao, tốn công, bởi vì áp lực tâm lý "ăn xổi ở thì", muốn chạy theo cây trồng cho trái thu lợi thật nhanh, lợi nhuận cao cho dù chỉ 3-5 năm là được.

Do đó khi nhận thấy thị trường loại giống trái cây nào đang hút hàng một hai năm liên tiếp với giá cao là đổ xô chạy đi tìm giống mua trồng cho bằng được. Thậm chí, có người sẵn sàng đốn hạ vườn cây đang cho trái nếu chỉ qua một hai mùa trái rớt giá, khó bán.

Đơn cử một số nhà vườn trồng quýt hồng (hay còn gọi là quýt tiều) ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) thừa nhận: Từ 2 năm trước, đã có cảnh báo dấu hiệu sâu bệnh "đánh phá” nhiều vườn quýt.

Thế nhưng một số nhà vườn vẫn chấp nhận đổ vốn bạc tỷ vào đầu tư vườn quýt, thậm chí cho đào đất lên liếp, mua đất mặt ruộng về đổ lên để mong hốt bạc vào mùa quýt tết.

Thế nhưng vì chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh sai cách, đã khiến cây bệnh nặng thêm, vườn suy tàn dần. Một số nông dân thường truyền miệng chỉ nhau cách phòng trị.

Cây quýt hồng có hai bệnh khá phổ biến, hễ bệnh thối rễ thì mua thuốc Ridomil trừ bệnh cây trồng, còn rệp sáp thì mua Nokaph (thuốc trị tuyến trùng và các loại sâu hại trong đất), thậm chí có vườn cây chưa bệnh cũng mua về dùng để phòng ngừa trước, cứ 2 tháng/lần và xem như “thần dược”.

Hậu quả như bây giờ đã thấy, nhiều vườn quýt hồng bệnh nặng càng nặng thêm, phải cầu cứu cán bộ khoa học tìm phương pháp làm vườn đúng cách.

Nhà vườn tuyển chọn cây có múi ở huyện Chợ Lách, Bến Tre. Ảnh: HĐ

Nhà vườn tuyển chọn cây có múi ở huyện Chợ Lách, Bến Tre. Ảnh:

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng tổ chức chương trình tập huấn mô hình xây dựng vườn cây chuyên canh đặc sản chuyên cây cam, quýt cho nông dân. Qua đó nâng cao kiến thức, cập nhật kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất trái cây. Mô hình mẫu này được nhà vườn áp dụng khá phổ biến trong các HTX chuyên canh trái cây xuất khẩu.

Đó là lối mở để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn. Chính quyền địa phương làm cầu nối tạo sự liên kết giữa các HTX nông nghiệp - doanh nghiệp – nhà khoa học. Trong đó vai trò nhà khoa học sẽ hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân các HTX.

Giải pháp kỹ thuật sản xuất cây ăn trái bền vững ĐBSCL

TS Nguyễn Bá Phú đề xuất một số giải pháp kỹ thuật cho việc trồng và chăm sóc cây ăn trái ở ĐBSCL.

Chọn và cải tạo đất trồng: Đất có pH từ 6-7. Đất phải tơi xốp và thoáng khí, có khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt, tầng canh tác dày (ít nhất 0,5 m) và ổn định.

Cây giống từ nguồn giống tốt, được chọn lọc, tốt nhất là từ cây đầu dòng. Có phương pháp nhân giống thích hợp, sạch bệnh (đặc biệt chú ý bệnh vàng lá gân xanh và Tristeza trên cây cam quýt).

Về kiểu trồng, nên trồng theo hàng. Hàng theo hướng gió (Đông Bắc – Tây Nam). Khoảng cách giữa hàng thưa, trên hàng dày.

Chuẩn bị mô trồng và cách trồng: Toàn bộ đất trên và dưới chân mô (0,3 m) là đất được trộn với phân hữu cơ (5 – 10 kg) và phân lân nung chảy (0,5 – 1 kg). Đường kính mô nên khoảng 1 – 1,2 m. Chiều cao mô nên khoảng 0,3 – 0,4 m. Khi đặt cây, chú ý mặt bầu ngang với mặt mô và ém chặt đất chung quanh bầu.

Áp dụng quy trình tỉa cành, tạo tán đúng cách sẽ giúp cây ăn quả cho mẫu mã, chất lượng tôt. Ảnh: HĐ.

Áp dụng quy trình tỉa cành, tạo tán đúng cách sẽ giúp cây ăn quả cho mẫu mã, chất lượng tôt. Ảnh: HĐ.

Cắt tỉa, tạo tán: Áp dụng ngay trong giai đoạn cây tơ, từ lúc cây còn nhỏ. Cây cho trái ngoài tán (cam quýt, xoài, nhãn…) cần tạo tán cây có hình bán cầu hoặc tim mở, theo nguyên tắc 1 cành chừa 2 - 3 nhánh (tốt đều, thưa, cân đối).

Thời điểm cắt: Lá già, ngay trước hoặc sau khi bón phân, kết hợp điều khiển ra đọt đồng loạt. Đối với cây cho trái trên cành chính (sầu riêng, mít…), tạo tán cây có hình chóp nhọn (tán cây thông), giữ một thân chính, mọc thẳng.

Chọn giữ cành cấp 1 (cành mọc từ thân chính) với tiêu chí cành tốt, mọc ngang, phân bố đều, cách nhau 20 – 30 cm. Có thể uốn cong cành cấp 1, tạo hình dạng cầu thang xoắn. Chú ý phải giữ cành cấp 1 trong suốt thời gian khai thác trái.

Cắt tỉa vệ sinh cần tiến hành trong suốt thời gian trồng, nhất là sau thu hoạch.

Cắt bỏ cành vươn cao và che rợp (khống chế tán), sâu bệnh, cành khô, cành vượt, cành không có khả năng cho trái… Giữ tán cây phù hợp. Luôn chừa khoảng trống giữa 2 hàng để giúp vườn cây thông thoáng. Giữ độ cao hợp lý của vườn cây để dể chăm sóc và thâm canh.

Bón phân: Cây trồng cần được cung cấp 13 dưỡng chất thiết yếu: Đa lượng (N, P và K); trung lượng (Ca, Mg và S); vi lượng (Fe, Cu, Zn, Mn, B, Mo và Cl). Ở ĐBSCL nên hạn chế bón phân có chứa S, vì hầu hết đất có chứa S với mức độ cao. 

Vôi: nên sử dụng vôi đá (CaO) “phi”, bón đầu mùa mưa, bón theo pH đất. pH trên 6,5 thì không cần bón vôi; pH từ 5,5 – 6,5 bón 500 kg vôi đá/ha; pH từ 4,5 – 5,5 bón 1.000 kg vôi đá/ha; pH từ 3,5 – 4,5 bón 2.000 kg vôi đá/ha. 

Phân hữu cơ: Hoai và được ủ đúng quy trình. Trong quá trình ủ, cần chú ý ẩm độ thích hợp (khoảng 70 – 80%) và đảo trộn đống ủ. Bón trong mùa khô, lượng bón 10 - 20 tấn/ha. Không nên bón chung vôi và phân hữu cơ.

Phân vô cơ: Cần xác định loại và lượng phân bón tùy theo nhu cầu của cây. Cây có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau tùy giai đoạn sinh trưởng và từng giai đoạn phát triển của trái.

Thời kỳ cây tơ (cây chưa mang trái), loại phân (N – P2O5 – K2O): 30 – 20 – 10 hoặc 30 – 10 – 10. Lượng phân từ 50 – 100 g/lần. Thời điểm bón lúc lá già, không nên bón lúc lá còn non. Cần bón theo tán cây, chôn vùi phân hoặc tưới.

Cần duy trì thảm thực vật hợp lý trong vườn cây ăn trái. Ảnh: LHV

Cần duy trì thảm thực vật hợp lý trong vườn cây ăn trái. Ảnh: LHV

Nên kết hợp xới, cải tạo đất liếp bằng lân nung chảy, phân hữu cơ và bồi mô. Có thể bổ sung phân vi lượng bằng cách phun qua lá lúc lá lụa, kết hợp với biện pháp cắt tỉa, giúp cây ra đọt đồng loạt. Loại và lượng phân có thể gia giảm tùy loại cây, vùng đất, mật độ và năng suất vụ trước.

Chú ý: Bón theo tán cây (vùng rễ hoạt động). Phân phải được vùi trong đất (dùng cuốc răng hoặc máy để xới trộn phân).

Nên sử dụng phân lân nung chảy (Ninh Bình, Văn Điển, Lâm Thao), nhất là trên đất có pH thấp ở ĐBSCL. Ngoài chứa lân, lân nung chảy còn có Ca, Mg, Si và một số nguyên tố vi lượng.

Quản lý cỏ: Nên để cỏ trong vườn, làm cỏ sạch phần sát gốc, chung quanh chỉ nên cắt, chừa gốc cỏ khoảng 3 – 5 cm.

Quản lý nước và kỹ thuật tưới: Hệ thống nước trong mương vườn phải thông thoáng và xuôi dòng. Thường xuyên thay đổi nước trong mương vườn.

Giữ mực nước trong mương cách mặt liếp khoãng 0,6 trong mùa khô và 0,8 m. Trong mùa mưa hạn chế tưới lên lá. Không nên tưới sau 3 giờ chiều. Tốt nhất vào buổi sáng. Duy trì độ ẩm đất thích hợp khoảng 70 – 80%.

Quản lý dịch hại: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng triệt để các biện pháp canh tác. Áp dụng các biện pháp sinh học. Sử dụng nông dược là biện pháp cuối cùng và phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.

Cách khai thác trái và xử lý ra hoa: Nên khai thác trái tập trung. Không nên cho trái “chuyền” (nhiều cỡ trái) trên cây. Tùy điều kiện tự nhiên, chọn lựa thời điểm xử lý ra hoa thích hợp để trái có chất lượng ngon, năng suất cao, ít dịch hại và cây khỏe. Giữ số lượng trái hợp lý (tỉa trái) tùy tình hình sinh trưởng (bộ lá) của cây.

Có thể kết hợp sử dụng biện pháp “xeo” đất (xới sâu khoảng 30 cm) vừa để xử lý ra hoa đồng thời cải thiện độ tơi xốp và thông thoáng cho đất.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.