| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ xã 'bí mật' bán đất ruộng 50 năm, dân không hề hay biết

Thứ Tư 07/09/2016 , 09:31 (GMT+7)

Đất của 23 hộ dân chia theo Nghị định 64 nhưng bị chính quyền xã cho doanh nghiệp thuê 50 năm mà dân hoàn toàn không biết. Khi thực hiện Nghị quyết 8 của Tỉnh ủy Nghệ An về dồn điền đổi thửa, sự việc mới vỡ lở...Nhân dân khối 12 đã có nhiều kiến nghị yêu cầu làm rõ sự việc...

Bí ẩn hành trình mất đất

Năm 2003, phường Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai) còn đang là xã Quỳnh Xuân (huyện Quỳnh Lưu). Nhằm giải quyết việc làm, thay đổi cơ cấu SX, nâng cao đời sống nhân dân, xã Quỳnh Xuân mời gọi các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Viết Đa, trú đường Lam Sơn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng về khảo sát, chọn xứ đồng Ao Thiên với diện tích 8.100m2 quy hoạch xây dựng NM Giấy Hoàng Long. Ngày 15/10/2003, UBND xã Quỳnh Xuân họp với 23 hộ dân xóm 12 có đất ở xứ đồng này.

Theo đó thống nhất: “Đây là đất nông nghiệp được chia theo Nghị định 64 nên các hộ dân cho thuê đến năm 2016 với mức bồi thường 200kg lúa/năm/sào. Mỗi hộ dân được gửi 1 lao động vào nhà máy”. Biên bản do ông Cao Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã ký tên, đóng dấu.

Vậy nhưng, chỉ hơn 2 tháng sau, vào ngày 2/1/2004 ông Thắng đại diện cho UBND xã Quỳnh Xuân (bên A) đã ký “Bản thỏa thuận” chuyển nhượng lô đất cho ông Đa (bên B), thời hạn 50 năm, bắt đầu từ ngày 29/11/2014 với số tiền bồi thường trong 13 năm là 128.223.000 đồng, hỗ trợ làm mương thoát nước quanh khu đất nhà máy 10 triệu đồng.

Lạ lùng hơn, mặc dù đã ký “chuyển nhượng” 50 năm, nhưng ngày 5/1/2014, ông Thắng vẫn tiếp tục ký “Danh sách nhận tiền thỏa thuận bồi thường thành quả lao động, trên diện tích đất thu hồi tại xứ đồng Ao Thiên xóm 12 của 13 năm, từ 2004 đến 2016 xây dựng nhà máy giấy Hoàng Long” với tổng số tiền của 23 hộ được đền bù chỉ có 79.855.360 đồng. Từ đó đến nay, khu đất này bỏ hoang, không có nhà máy giấy mọc lên.

12-03-16_ho-so-vu-viec
Hồ sơ vụ việc

 

Chưa hết ngày 25/06/2007, khu đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho Cty Hoàng Long với 8.245m2, tăng hơn diện tích ban đầu. Thời gian sử dụng đến 22/3/2047 tức 43 năm, không phải 50 năm như đã ký với ông Thắng, cũng chẳng phải 13 năm như thỏa thuận với nông dân.

Cty Hoàng Long đã sang tên khu đất này cho Cty Dương Long Loan. Ngày ngày 28/11/2014, Cty Dương Long Loan đã được cấp Giấy CNQSDĐ.

 

Chuyện tréo ngoe giờ mới vỡ lở

Những việc này, bà con hoàn toàn không biết, cứ chắc mẩm đến năm 2016 thì lấy lại đất. Cho đến năm 2015, doanh nghiệp Dương Long Loan đến định xây dựng nhà kho, ông Trung vội ra hỏi mới choáng váng khi được trả lời: “Đất này Hoàng Long bán lại cho tôi 50 năm”.

Đang bán tín bán nghi thì cán bộ khối 12 được mời lên UBND phường nghe phổ biến về việc dồn điền đổi thửa theo nghị quyết 8 của Tỉnh ủy Nghệ An. Các hộ dân trên không được chia đất thêm vì đã “mua đất bán đoạn”. 23 hộ dân khiếu nại lên chính quyền.

12-03-16_mnh-dt-lm-nh-mybi-bn-50-nm-hien-bo-hong
Khu đất xây dựng nhà máy bị bỏ hoang

 

Ông Vũ Văn Từ, Chủ tịch mới của UBND phường giật mình tá hỏa. Còn Cao Xuân Thắng hiện đã là Bí thư Đảng ủy phường “lập tức” có tờ trình gửi Sở TN-MT cho rằng, phường Quỳnh Xuân, UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND TX Hoàng Mai đều không biết mảnh đất được Hoàng Long chuyển nhượng cho Long Loan và được cấp sổ đổ từ bao giờ? Ai chịu trách nhiệm đền bù số tiền trên đất 64 từ năm 2017 về sau?

Tuy nhiên, trong hồ sơ địa chính phường vẫn lưu lại “Biên bản giao đất trên thực địa” ngày 15/7/2014 có dấu đỏ của UBND xã, trong đó ông Nguyễn Xuân Mậu, Phó Chủ tịch đại diện phường trong buổi giao đất Ao Thiên cho bên nhận là Cty Dương Long Loan. Vậy không thể nói rằng sang tên đổi chủ, phường không biết gì.

Nhân dân khối 12 đã có nhiều cuộc họp, bức xúc kiến nghị yêu cầu làm rõ sự việc "giao đất chui". Xóm trưởng cũ Lê Tiến Trình khẳng định: “Tôi đại diện 23 hộ dân tham gia ký và chỉ ký cho thuê đến năm 2016. 10 triệu tiền hỗ trợ mương năm 2003 có thể mua được 2 mảnh cạnh quốc lộ 1A, nhưng đến nay không ai biết tiền đó ở đâu? Vì sao thỏa thuận trả cho dân 128.223.000 đồng mà dân chỉ nhận được 79.855.360 đồng thì tôi cũng chịu”.

Vì sao dân chỉ cho thuê đất đến năm 2016 mà ông Thắng lại ký 50 năm? Vì sao hai công ty tư nhân này lại được cấp bìa đỏ và sang nhượng đất cho nhau? Đất 64 là nguồn sống duy nhất của người nông dân nhưng nay lại không thuộc về họ và không ai chịu nhận trách nhiệm?

Mang những câu hỏi này đến ông Nguyễn Ngọc Võ, PGĐ Sở TN-MT Nghệ An, ông cho biết: “Đoàn kiểm tra liên ngành đã được thành lập để làm rõ vụ việc, giải quyết theo quy định của pháp luật”.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.