| Hotline: 0983.970.780

Cần chiến lược an toàn sinh học quốc gia cho ngành chăn nuôi

Thứ Tư 31/07/2024 , 08:30 (GMT+7)

Kinh nghiệm từ chuyên gia Ireland, xây dựng chiến lược an toàn sinh học cấp quốc gia là hoạt động quan trọng để ngành chăn nuôi Việt Nam đối phó hiệu quả dịch bệnh.

Thời điểm thuận lợi chuyển đổi ngành chăn nuôi

Cơ bản, ngành chăn nuôi đang đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu nội địa của 100 triệu dân và hơn 10 triệu khách du lịch, đồng thời tham gia vào hệ thống thực phẩm của Thế giới.

Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), năm 2023, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 5,7% so với năm 2022.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tổng đàn heo (trên 30 triệu con), đứng thứ 6 về sản lượng thịt heo với khả năng cung ứng gần 5 triệu tấn thịt hơi/năm.

Hiện ngành chăn nuôi Việt Nam đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tập trung và được thế giới biết đến về năng lực sản xuất sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Hiện ngành chăn nuôi Việt Nam đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tập trung và được thế giới biết đến về năng lực sản xuất sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, đàn gia cầm có 558 triệu con, trong đó thủy cầm 102 triệu đứng, thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc, tổng đàn trâu, bò khoảng 8 triệu con. Với số lượng này đó, ngành chăn nuôi đã cung cấp 7,8 triệu tấn thịt hơi các loại, 19,2 tỷ quả trứng và 1,2 triệu lít sữa nguyên liệu.

Bên cạnh đó, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về sản xuất thức ăn chăn nuôi, với trên 20 triệu tấn các loại. Ngoài phục vụ chăn nuôi trong nước, còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD. Giá trị ngành chăn nuôi đóng góp 26% vào GDP toàn ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm cộng với sự phụ thuộc các yếu tố đầu vào từ nhập khẩu. Đặc biệt, đặc thù ngành chăn nuôi trong nước có sự xen kẽ giữa cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, vừa, với các hộ nhỏ lẻ. Do đó, việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi khó tuân thủ theo nguyên tắc chung.

Nhận diện thách thức đặt ra cho ngành, PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sự phát triển của ngành thời gian qua chưa bền vững.

PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường mối liên kết giữa các biện pháp can thiệp an toàn sinh học hiệu quả, giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm sử dụng kháng sinh. Ảnh: Kim Anh.

PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường mối liên kết giữa các biện pháp can thiệp an toàn sinh học hiệu quả, giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm sử dụng kháng sinh. Ảnh: Kim Anh.

Những năm qua, ngành chăn nuôi đã tập trung xây dựng thể chế, chính sách, định hướng phát triển bền vững, với cách tiếp cận hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện, đặc thù của Việt Nam.

Ông Đăng nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc tăng cường mối liên kết giữa các biện pháp can thiệp an toàn sinh học hiệu quả, giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm sử dụng kháng sinh.

Góp phần thực hiện Quyết định 300/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030.

Hiện Cục Chăn nuôi đang xây dựng và trình Chính phủ Nghị định nâng cao hiệu quả chăn nuôi, với nhiều nội dung toàn diện hơn. Trong đó, có vấn đề hỗ trợ di dời, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ để đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh.

“An toàn sinh học là yếu tố hàng đầu, quyết định sự thành bại của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn sinh học trong nước có nhiều đặc thù khó khăn, chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại. Do đó, nếu tất cả các địa phương và người chăn nuôi nhận thức đầy đủ, thực hiện theo đúng định hướng chiến lược sẽ giúp chăn nuôi hiệu quả, bền vững hơn”, ông Đăng nhấn mạnh.

Vừa qua, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Cục Chăn nuôi đã xây dựng 7 mô hình thí điểm chuỗi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh cho các tập đoàn lớn chăn nuôi heo. Những đơn vị này đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa cho các doanh nghiệp, mô hình chăn nuôi khác.

Ngành chăn nuôi đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu nội địa và tham gia vào hệ thống thực phẩm của Thế giới. Ảnh: Văn Vũ.

Ngành chăn nuôi đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu nội địa và tham gia vào hệ thống thực phẩm của Thế giới. Ảnh: Văn Vũ.

Xây dựng chiến lược an toàn sinh học hiệu quả cấp quốc gia

Mới đây, trong khuôn khổ Đối tác Nông nghiệp Thực phẩm Ireland - Việt Nam, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, Cục Chăn nuôi phối hợp với Cơ quan Hệ thống Thực phẩm Bền vững Ireland (SFSI) trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng Hải Ireland đã tập huấn, nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả, cho các cán bộ chăn nuôi và thú y, viện nghiên cứu, trường đại học và giám đốc quản lý trang trại tại ĐBSCL.

TS Michelle Riblet, chuyên gia Cơ quan SFSI, giới thiệu về biện pháp an toàn sinh học và tầm quan trọng đối với công tác kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Kim Anh.

TS Michelle Riblet, chuyên gia Cơ quan SFSI, giới thiệu về biện pháp an toàn sinh học và tầm quan trọng đối với công tác kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Kim Anh.

Theo TS Michelle Riblet, chuyên gia SFSI, thực hiện biện pháp an toàn sinh học nhằm mục tiêu ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm tại chuồng trại.

Ở một bức tranh rộng hơn, việc thực hành tốt an toàn sinh học là yếu tố then chốt để bảo vệ và cải thiện sức khỏe vật nuôi, giảm nguy cơ bùng phát và lây truyền dịch bệnh trong hoạt động sản xuất.

Đồng thời, biện pháp an toàn sinh học hiệu quả sẽ bảo vệ giá trị thương mại cho sản phẩm từ chuồng trại, thông qua việc giảm tình trạng phụ thuộc vào kháng sinh. Mang lại lợi ích kinh tế trong dài hạn, nhờ cải thiện năng suất.

TS Michelle Riblet cho rằng, hiện nay trong chuỗi thực phẩm, từ chuồng trại đến nơi tiêu thụ rất phức tạp và có nhiều tác nhân như: nhà sản xuất sơ cấp, chế biến đóng gói, phân phối, vận chuyển, tiêu dùng, nhà hoạch định chính sách… Tất cả các tác nhân này đều có thể bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, liên quan đến vấn đề an toàn sinh học.

Điển hình, dịch bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào tại chuồng trại, trong quá trình chế biến hoặc vận chuyển sản phẩm. Do đó, nguyên tắc thực hiện an toàn sinh học là hiểu rõ con đường lây truyền, đây là chìa khóa để lựa chọn biện pháp phù hợp, kiểm soát chặt chẽ mầm bệnh.

Xây dựng chiến lược an toàn sinh học hiệu quả ở cấp quốc gia có ý nghĩa quan trọng giúp ngành chăn nuôi đối phó hiệu quả với dịch bệnh. Ảnh: Văn Vũ.

Xây dựng chiến lược an toàn sinh học hiệu quả ở cấp quốc gia có ý nghĩa quan trọng giúp ngành chăn nuôi đối phó hiệu quả với dịch bệnh. Ảnh: Văn Vũ.

TS Michelle Riblet nhấn mạnh, ngành chăn nuôi Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề áp dụng nguyên tắc và phân loại an toàn sinh học để xây dựng chiến lược an toàn sinh học quốc gia; phân loại an toàn sinh học; nghiên cứu những điển hình về sáng kiến giảm sử dụng thuốc kháng sinh thành công ở Ireland.

Việc xây dựng một chiến lược an toàn sinh học hiệu quả ở cấp quốc gia là hoạt động có ý nghĩa quan trọng giúp ngành chăn nuôi đối phó hiệu quả với các mối nguy hiểm và nâng cao mức độ sẵn sàng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Trong chiến lược này cần hoạch định kế hoạch cụ thể, xác định khu vực nhiễm hoặc không nhiễm bệnh trong nước.

Tháng 3/2023, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng Hải Ireland (DAFM) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU). Hai bên nhất trí thực hiện đối thoại thường trực và tham vấn định kỳ về các vấn đề liên quan đến ngành NN-PTNT là nền tảng để cải thiện quan hệ song phương, sự phát triển và tiến bộ kỹ thuật ở cả hai nước. Đồng thời, hai nước cam kết thực hiện các bước cần thiết để khuyến khích, tạo điều kiện và thúc đẩy hợp tác nông nghiệp.

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.