| Hotline: 0983.970.780

Cần đầu ra ổn định cho quả táo mèo

Thứ Ba 10/10/2023 , 08:38 (GMT+7)

YÊN BÁI Để cây táo mèo mang lại giá trị cao hơn cho bà con vùng cao, rất cần giải bài toán chế biến, tiêu thụ loại quả này.

Mù Cang Chải là địa phương có diện tích, sản lượng táo mèo lớn nhất tỉnh Yên Bái. Quả táo mèo sau thu hoạch được người dân mang bán nhiều ở ven Quốc lộ 37 và khu vực trung tâm huyện. Cũng có nhiều thương lái vào tận vườn của bà con để thu mua. Những năm gần đây, táo mèo Mù Cang Chải cũng được phân phối rộng rãi hơn đến các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên...

Cây táo mèo phù hợp với địa hình núi cao, độ dốc lớn nên vừa có thể thu hoạch quả, vừa chống xói mòn đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Cây táo mèo phù hợp với địa hình núi cao, độ dốc lớn nên vừa có thể thu hoạch quả, vừa chống xói mòn đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ một loại cây mọc tự nhiên, táo mèo đã trở thành hàng hóa. Mùa thu hoạch quả bắt đầu vào cuối tháng 8 và kết thúc vào trung tuần tháng 10 hàng năm. Hiện nay, nhiều hộ dân ở các xã của huyện Mù Cang Chải dần chú trọng phát triển cây táo mèo, bỏ dần ngô, lúa nương kém hiệu quả. 

Ông Lương Văn Thư - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mù Cang chải (Yên Bái) cho biết, thực hiện đề án “Quản lý cây sơn tra (táo mèo) gắn với phát triển kinh tế đồi rừng huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2014 - 2020”, diện tích cây táo mèo đã nhanh chóng được người dân mở rộng theo hướng tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa.

Đến nay, tổng diện tích táo mèo toàn huyện khoảng hơn 5.000ha, diện tích cho thu hoạch quả khoảng trên 3.000ha, năng suất trung bình đạt khoảng 1,4 - 1,5 tấn/ha/năm. Tổng sản lượng táo mèo thu hoạch hàng năm ước đạt gần 5.000 tấn.

Mỗi năm, sản lượng quả táo mèo của Mù Cang Chải đạt gần 5.000 tấn. Ảnh: Thanh Tiến.

Mỗi năm, sản lượng quả táo mèo của Mù Cang Chải đạt gần 5.000 tấn. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc người dân mở rộng diện tích cây táo mèo đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, tăng độ che phủ rừng, chống xói mòn đất. Cây táo mèo có nhiều ưu điểm, không cần phun thuốc, bón phân hay mất nhiều công chăm sóc nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn những cây trồng khác.

Hiện nay, các xã Lao Chải, Nặm Khắt, Púng Luông, Zế Xu Phình và La Pán Tẩn là các địa phương có diện tích cây táo mèo lớn nhất của huyện Mù Cang Chải. 

Ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết, xác định cây táo mèo là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển cây táo mèo hơn chục năm nay. Nhờ tập trung sản xuất, cây táo mèo đã mang lại thu nhập đáng kể cho bà con, tuy nhiên năng suất vẫn còn phập phù, có năm được mùa, năm mất mùa. 

Hiện nay ở Mù Cang Chải có vùng nguyên liệu táo mèo lớn nhưng việc tiêu thụ và chế biến sản phẩm còn rất hạn chế. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay ở Mù Cang Chải có vùng nguyên liệu táo mèo lớn nhưng việc tiêu thụ và chế biến sản phẩm còn rất hạn chế. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh đó, mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế, song việc phát triển cây táo mèo hiện còn gặp nhiều khó khăn do việc tiêu thụ chưa ổn định, chủ yếu vẫn dựa vào các tiểu thương, bán lẻ.

Theo ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, do chưa có các cơ sở chế biến có quy mô để bao tiêu sản phẩm táo mèo cho người dân khiến việc phát triển cây trồng này còn nhiều hạn chế. Hiện mới chỉ có số công ty ở huyện Văn Chấn và TP Yên Bái thu mua táo mèo để chế biến với lượng khoảng 2.000 tấn/năm. Sản lượng còn lại ước gần 3.000 tấn/năm chủ yếu bán quả tươi.

Bên cạnh đó kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái, chế biến chủ yếu còn theo kinh nghiệm, chưa có sự đầu tư thâm canh nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Giá cả bấp bênh nên việc chăm sóc và thu hái táo mèo của người dân chưa được chú trọng, nhiều quả rụng thối dưới gốc cây. Ảnh: Thanh Tiến.

Giá cả bấp bênh nên việc chăm sóc và thu hái táo mèo của người dân chưa được chú trọng, nhiều quả rụng thối dưới gốc cây. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp chính như quy hoạch và khuyến cáo người dân không tiếp tục phát triển tràn lan cây táo mèo, tránh việc dư thừa sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá trị của quả táo bằng cách lựa chọn cây giống tốt và có các biện pháp chăm sóc, cắt tỉa, bón phân hữu cơ... Những diện tích táo mèo chất lượng kém sẽ phải tính toán để chuyển đổi hoặc thay thế. Đặc biệt, huyện đã quy hoạch 2 khu vực để thu hút, tạo điều kiện kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy thu mua để chế biến sản phẩm táo mèo.

Đề án phát triển cây táo mèo ở Mù Cang Chải thời gian qua vẫn còn rất nhiều tồn tại. Điển hình như hiện tượng lấn chiếm rừng để trồng táo mèo, thu hái quả khi còn non, nạn trộm cắp táo mèo còn xảy ra, chưa được ngăn chặn, xử lý dứt điểm...

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.