| Hotline: 0983.970.780

Gian nan tiêu thụ 'quả chua chát'

Thứ Tư 13/09/2023 , 06:34 (GMT+7)

YÊN BÁI Táo mèo (cây Sơn Tra) hiện đã trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cho người Mông ở huyện Mù Cang Chải. Tuy nhiên việc tiêu thụ còn rất khó khăn.

Những ngày đầu tháng 9, ai có dịp lên Tây Bắc, dừng chân ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) sẽ được trải nghiệm không khí tấp nập thu hoạch quả táo mèo (nhiều người còn hay gọi là quả chua chát) trên các đỉnh núi cao của người Mông. Sắc vàng tươi của quả táo mèo hòa vào màu vàng của nắng đầu thu, hương thơm nồng nàn của quả chín làm cho vùng cao thêm ngây ngất.

Quả táo mèo có mùi thơm của núi cao, có vị chua, chát và ngọt. Ảnh: Thanh Tiến.

Quả táo mèo có mùi thơm của núi cao, có vị chua, chát và ngọt. Ảnh: Thanh Tiến.

Vật vã hái táo mèo

Là người sinh sống ở tỉnh Yên Bái từ nhỏ nhưng tôi cũng chỉ biết đến cây táo mèo qua ti vi, sách báo. Dịp công tác đầu tháng 9 tại huyện Mù Cang Chải, tôi đã quyết định tìm hiểu về loại cây này.

Trong chuyến đi, tôi được anh Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp - Phát triển nông thôn của huyện Mù Cang Chải chở bằng xe máy, cùng đi còn có một phóng viên và một cán bộ khuyến nông người Mông phụ trách địa bàn vừa dẫn đường, vừa phiên dịch.

Khoảng hơn 8 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ trung tâm huyện Mù Cang Chải với đích đến là bản Trống Khua, xã Lao Chải - nơi được biết đến là vùng trồng táo mèo nhiều nhất và đẹp nhất của huyện. Con đường dài hơn 10km quanh co vắt từ quả núi này sang núi khác.

Hiện nay huyện Mù Cang Chải có khoảng 5.000ha cây táo mèo. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay huyện Mù Cang Chải có khoảng 5.000ha cây táo mèo. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau hơn 1 giờ đồng leo dốc bằng xe máy, chúng tôi đã đến được vùng đất của táo mèo. Từ xa, cả một dãy núi trồng bạt ngàn loại cây này hiện ra trước mắt. Táo mèo ở đây được người dân trồng, nhưng chủ yếu để phát triển tự nhiên, không làm cỏ, không bón phân và cũng không thuốc bảo vệ thực vật. Vặt một quả táo chín màu vàng tươi có những đốm màu đỏ như son, mùi thơm của núi rừng như tỏa ra, man mác dễ chịu. Thử một miếng nhỏ, cảm thấy vị chua nhẹ không gắt, rồi vị chát ở lưỡi, khi nuốt đến cổ họng thì cảm nhận được vị ngọt dịu.

Anh Giàng A Vàng, cán bộ khuyến nông xã Lao Chải cho biết cây táo mèo trước đây chỉ là loại cây hoang mọc tự nhiên trên núi. Thấy quả ăn được nên người dân trồng thêm để làm thực phẩm và làm thuốc. Cây táo mèo còn nhiều tác dụng như giữ đất, chống xói mòn sạt lở, và là nơi để trú ẩn cho gia súc. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, thấy cây táo mèo mang lại hiệu quả kinh tế nên bà con mở rộng diện tích. Hiện nay, đồng bào ở đây nhà nào cũng trồng táo mèo, nhà ít vài chục cây, nhà nhiều tới vài ha.

Công việc thu hoạch quả táo mèo rất vất vả vì địa hình dốc cao và cây táo có nhiều gai nhọn. Ảnh: Thanh Tiến.

Công việc thu hoạch quả táo mèo rất vất vả vì địa hình dốc cao và cây táo có nhiều gai nhọn. Ảnh: Thanh Tiến.

3 thành viên trong gia đình chị Sùng Thị Bla người leo trên cây, người vít cành, người hái quả một cây táo mèo lớn cao chừng 4 mét, tán rộng, quả sai lúc lỉu. Chị Bla bộc bạch: Cả nhà phải dậy từ sáng sớm, mang theo cơm nắm lên rừng để thu hoạch quả. Hiện nay, đồi táo vẫn còn xanh nhưng vẫn phải chọn những cây có nhiều quả to, mẫu mã đẹp để hái trước, nếu không kẻ trộm sẽ hái mất. Vả lại đang vào mùa du lịch nên chị phải tranh thủ thu hái để bán cho du khách, chứ để đến lúc chín táo sẽ rụng nhiều, du khách ít hơn thì rất khó bán.

Mỗi ngày, các hộ dân ở đây chỉ thu hái táo mèo vào buổi sáng, việc thu hái rất vất vả vì địa hình dốc, cỏ dại rậm rạp, nhiều cây táo lớn phải đeo túi leo lên cây, vì vậy phải có vài người hỗ trợ nhau mới thu hái hết quả được. Trên cây táo có những cành nhỏ đã gãy tạo thành những gai nhọn, không khéo léo sẽ chảy máu vì những chiếc gai này. Đã từng có người trong lúc hái táo mèo bị ngã từ trên cây xuống gãy tay, phải nhập viện.

Vất vả vậy nhưng mỗi người cũng chỉ có thể thu hái được từ 50 – 60kg táo/ngày, với giá bán trung bình khoảng 5 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/ngày.

Một người leo trèo cả buổi có thể hái được 50 - 60kg táo mèo, nhưng giá bán lại khá rẻ. Ảnh. Thanh Tiến. 

Một người leo trèo cả buổi có thể hái được 50 - 60kg táo mèo, nhưng giá bán lại khá rẻ. Ảnh. Thanh Tiến. 

"Quả chua chát” xếp hàng đợi người mua

Ở đồi táo mèo bên cạnh, gia đình anh Giàng A Ký cũng đang thu hoạch táo, 2 vợ chồng chỉ trong buổi sáng đã hái được khoảng hơn 100kg. Anh Ký chia sẻ: Hái táo rất vất vả, phải mang cơm lên rừng để tranh thủ ăn trưa, thu hái xong phải khẩn trương đóng bao cho lên xe máy vận chuyển xuống trung tâm huyện để bán.

Con đường vận chuyển cả đi và về chừng 25 cây số, xe máy chỉ chạy được số 1 vì toàn lên dốc, xuống dốc. Trong quá trình vận chuyển phải hết sức cẩn thận tránh để va đập làm dập quả ảnh hưởng đến mẫu mã, bị mất giá, khó bán.

Xuống đến trung tâm huyện cũng chờ vào chút vận may, nếu gặp du khách thì bán được giá cao hơn chút, từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, nếu không thì phải chờ thương lái đến lựa chọn, ngã giá chán mới có thể bán được khoảng 5.000 đồng/kg. Nhiều người còn phải chờ đến chiều tối mới có người hỏi mua, quả bé chỉ bán được 3.000 – 4.000 đồng/kg.

Những quả táo to và có mẫu mã đẹp vụ này cũng chỉ bán được từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Tiến.

Những quả táo to và có mẫu mã đẹp vụ này cũng chỉ bán được từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Nguyễn Ngọc Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ - Phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải, chia sẻ: Hiện nay, ở Mù Cang Chải chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào lớn để thu mua, chế biến sản phẩm từ quả táo mèo nên người dân rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. "Mỗi du khách đến đây phải mua giúp bà con 1 bao tải táo mèo thì may ra bà con mới khá hơn được", anh Nghĩa nói vui.

Rời bản Trống Khua, chúng tôi về đến chợ huyện lúc hơn 1 giờ chiều, hàng chục người dân cùng những bao tải đầy ắp "quả chua chát” đang đứng xếp hàng đợi người mua.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.