| Hotline: 0983.970.780

Cần giải pháp căn cơ cho người trồng thanh long ở ĐBSCL

Thứ Bảy 19/06/2021 , 17:03 (GMT+7)

Thời điểm này đang vào chính vụ nên sản lượng thanh long rất lớn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ trái cây này đang gặp khó khăn.

Hiện nay, giá thanh long ở vùng ĐBSCL giảm mạnh. Tại Tiền Giang và Long An, trái thanh long ruột đỏ (loại tốt) chỉ ở mức từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, ruột trắng giá dưới 4.000 đồng/kg.

Riêng các loại trái thanh long chất lượng kém, hình dáng không đẹp, quá thời gian thu hoạch giá chỉ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Thậm chí thương lái không mua nên nhà vườn phải bỏ cho cá hay gia súc ăn.

Hiện nay, trái thanh long đang vào mùa thu hoạch chính vụ, giá cả giảm mạnh nông dân gặp khó khăn. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, trái thanh long đang vào mùa thu hoạch chính vụ, giá cả giảm mạnh nông dân gặp khó khăn. Ảnh: Minh Đảm.

Theo chia sẻ của thương lái, thanh long giá thấp là do đang vào vụ thu hoạch rộ. Trong khi đó dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm cho việc tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu trái cây này gặp khó khăn. Hiện nay, tại địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long đóng cửa do thua lỗ.

Ông Võ Chí Thiện, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo cho biết: Hiện nay, không chỉ riêng thanh long mà nhiều loại trái cây khác đang vào chính vụ do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ cũng gặp khó khăn. Tại thị trường Trung Quốc cũng có thanh long nên dội chợ.

Vùng ĐBSCL hiện có diện tích cây thanh long hơn 23.000 ha, tập trung ở tỉnh Long An, Tiền Giang cung ứng cho thị trường hơn 500.000 tấn/năm. Với mức giá thanh long như hiện nay thì người trồng không có lãi.

Hơn nữa, do vào mùa trái cây nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, họ không nhất thiết lựa chọn trái thanh long. Thị trường tiêu dùng trong nước bắt đầu tiêu thụ khó khăn hơn trong những ngày qua. 

Mặc dù giá thanh long giảm nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn đang diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do vô mùa sản lượng lớn, giá rẻ nên doanh nghiệp yêu cầu khắt khe hơn, lựa hàng đẹp mẫu mã tốt mới thu mua.

Mỗi ngày, HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An thu mua cho nông dân có liên kết với HTX sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn được khoảng vài chục tấn với giá cao hơn thị trường bình quân 2.000 đồng/kg cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Để thanh long cũng như các loại trái cây khác có đầu ra ổn định, tránh điệp khúc vào mùa, rớt giá, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Cát Tường tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: Giải pháp để nâng cao giá trị trái thanh long là chế biến. Để thu mua sản phẩm chế biến thì phải làm quy trình hỗ trợ nông dân, nhất là hạn chế thuốc bảo vệ thực vật.

Nhà nước phải tìm các doanh nghiệp có năng lực, có thị trường và hỗ trợ nếu doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư lớn. "Bây giờ quan trọng là đầu tư chiều sâu, hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Doanh nghiệp mở rộng thị trường thì mới giải quyết cho nông dân", ông Sang nói.

Thu mua sơ chế thanh long xuất khẩu tại nhà máy nông sản Cát Tường. Ảnh: Minh Đảm.

Thu mua sơ chế thanh long xuất khẩu tại nhà máy nông sản Cát Tường. Ảnh: Minh Đảm.

Tỉnh Tiền Giang có trên 9.700 ha diện tích trồng thanh long, hiện nay đang gặp cảnh khó khăn để tiêu thụ loại trái cây nổi tiếng làm giàu này.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: Sở NN-PTNT đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh. Trong đó,  tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu được thuận lợi hơn.

Trong thực tế, thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, bao gồm châu Á, châu Âu, châu Mỹ… Trong những năm gần đây, thanh long của Việt Nam được phép xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc… và từng bước mở rộng thị phần ở các thị tường này. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mở ra cơ hội và triển vọng cho nhiều loại hàng hóa, trong đó có các sản phẩm rau, quả.

EVFTA có hiệu lực tạo ra sự ổn định kinh tế quan trọng của các lĩnh vực, tạo ra các điều kiện pháp lý và kỹ thuật, các điều kiện thị trường. Điều đó cho thấy trái thanh long của Việt Nam có thể vươn xa hơn trên thị trường quốc tế. Hay nói cách khác, xuất khẩu thanh long vẫn có thể duy trì và mở rộng nếu đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường này.

Sự gia tăng nhanh về diện tích trồng thanh long trong nước và cả khu vực các tỉnh ĐBSCL khiến sản lượng cung ứng cho thị trường tăng theo, áp lực thị trường tiêu thụ đối với trái thanh long của Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng đang ngày một tăng. Giải pháp quan trọng cho ổn định ngành hàng ở ĐBSCL nói riêng trong thời gian tới là cần phải quy hoạch vùng trồng, hạn chế sự mở rộng diện tích nếu không quản lý tốt chất lượng và an toàn thực phẩm cũng như thực hiện tốt khâu truy xuất nguồn gốc.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.