| Hotline: 0983.970.780

Cần khung pháp lý riêng cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Thứ Năm 26/09/2024 , 08:42 (GMT+7)

Thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang được quan tâm ở Việt Nam nhưng còn những trở ngại cho sự phát triển sản xuất và phát triển thị trường.

Nhiều thuốc sinh học vẫn đăng ký như thuốc hóa học

Bài liên quan

Theo xu hướng chung của thế giới, thời gian qua, sản xuất và thị trường thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học ở Việt Nam đã có sự phát triển nhất định. Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật cho hay, đến cuối năm 2023, đã có 85 cơ sở sản xuất có sản xuất thuốc BVTV sinh học, bao gồm thuốc BVTV vi sinh vật, thảo mộc và các thuốc nhóm hóa sinh.

Các công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký, sản xuất và ứng dụng tại Việt Nam như: Sản xuất thuốc BVTV sinh học nano, sản xuất thuốc BVTV sinh học chiết xuất từ thảo mộc, sản xuất thuốc BVTV sinh học chứa các vi sinh vật, các thuốc có nguồn gốc virus hay nguồn gốc từ tuyến trùng…

Nông dân tự làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học bằng các thảo mộc sẵn có tại địa phương. Ảnh: Thanh Sơn.

Nông dân tự làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học bằng các thảo mộc sẵn có tại địa phương. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), đánh giá, nhà nước đã và đang có nhiều cố gắng để phát triển sản xuất và sử dụng các thuốc BVTV sinh học. Một số chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đã được ban hành. Các thủ tục, chỉ tiêu đăng ký các thuốc BVTV sinh học được cắt giảm đáng kể so với thuốc hóa học (miễn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất các thuốc BVTV vi sinh; giảm phí đăng ký, giảm số lần khảo nghiệm và chỉ tiêu yêu cầu về tài liệu khi đăng ký…).

Tuy nhiên, thủ tục với thuốc BVTV sinh học còn cồng kềnh, rườm rà. Còn thiếu quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật riêng cho các thuốc BVTV sinh học chuyên tính cao như pheromone, thuốc bảo quản sau thu hoạch, chất bẫy bả mồi, chất phụ trợ… (thủ tục đăng ký giống như thuốc BVTV hóa học).

Đặc biệt, hiện nay vẫn còn thiếu phương pháp thử để xác định hàm lượng cụ thể đối với các loài vi sinh vật đặc thù, gây khó khăn, trở ngại cho việc nhập khẩu, sản xuất và hợp quy các sản phẩm thuốc BVTV sinh học.

Cần khung pháp lý riêng cho thuốc BVTV sinh học

Để sản xuất thuốc BVTV sinh học phát triển thuận lợi, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, trước hết, thủ tục và kinh phí đăng ký thuốc BVTV sinh học cần được Bộ NN-PTNT tiếp tục xem xét, cắt giảm nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm sớm được tiếp cận thị trường, tiết kiệm về kinh phí và thời gian của doanh nghiệp.

Theo TS Tony Alfonso, Chủ tịch Tổ công tác về Thuốc BVTV Sinh học – CropLife Châu Á, cần có hướng dẫn cụ thể riêng về khảo nghiệm thuốc BVTV sinh học và khung pháp lý linh hoạt do nguồn gốc tự nhiên và bản chất phức tạp của các sản phẩm này.

Bẫy bắt côn trùng gây hại trong một vườn rau công nghệ cao ở Đức Trọng, Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Sơn.

Bẫy bắt côn trùng gây hại trong một vườn rau công nghệ cao ở Đức Trọng, Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Sơn.

Đồng thời cân nhắc đánh giá các sản phẩm thuốc BVTV sinh học theo từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, chỉ yêu cầu dữ liệu về phơi nhiễm sức khỏe con người, đánh giá tác động môi trường khi sản phẩm, chất chuyển hóa có tác động liên quan đến độc tính đối với con người hoặc môi trường.

Khuyến khích xây dựng khung pháp lý nhanh, thuận lợi với chi phí hợp lý để thúc đẩy việc phát triển và đăng ký các sản phẩm thuốc BVTV sinh học. Chẳng hạn như có quy trình riêng trong việc tiếp nhận và rà soát hồ sơ đăng ký thuốc BVTV sinh học; tham khảo đăng ký nước ngoài của cùng một sản phẩm thuốc BVTV sinh học, bổ sung nghiên cứu đặc thù cho Việt Nam.

Việc áp dụng cách tiếp cận linh hoạt để đăng ký thuốc BVTV sinh học dựa trên đánh giá khoa học sẽ giúp đi tắt đón đầu trong việc ứng dụng các loại thuốc BVTV sinh học mới, đồng thời duy trì tính nhất quán với những khuôn khổ pháp lý về thuốc BVTV sinh học đã có.

Các công nghệ mới về thuốc BVTV sinh học như vi khuẩn biến đổi gen đang tiếp tục được phát triển với tiềm năng mang lại hiệu lực sinh học tương đương như các sản phẩm hoá học nhưng với hồ sơ an toàn ưu việt hơn. Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát chất lượng để ngăn chặn sự tràn lan của sản phẩm “bất hợp pháp” gây ảnh hưởng đến sản phẩm chất lượng, được đăng ký hợp pháp.

Cần cân nhắc đưa ra những hướng dẫn pháp lý có tính dự đoán cao để đáp ứng sự phát triển công nghệ trong tương lai, ví dụ các công nghệ mới trong thuốc BVTV sinh học như vi khuẩn biến đổi gen có thể có khả năng đạt được hiệu lực tương tự như thuốc hóa học với mức độ an toàn có lợi hơn.

TS Tony Alfonso cho rằng, hệ thống pháp lý có tính dự báo và phù hợp đối với thuốc BVTV sinh học là rất quan trọng để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả nhất quán của sản phẩm mà không làm hạn chế việc giới thiệu và thương mại thuốc BVTV sinh học trên thị trường.

Hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ…

Ngoài việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, sản xuất thuốc BVTV sinh học cũng đang rất cần những chính sách hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, nhà nước cần bổ sung một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích và ưu đãi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học như hỗ trợ các thủ tục để tiếp nhận công nghệ, vay vốn, thuê đất làm nhà xưởng, các ưu đãi về thuế, phí để phát triển sản phẩm, giảm lãi suất vay vốn đầu tư trang thiết bị nhà xưởng nghiên cứu sản xuất thuốc BVTV sinh học, vay vốn nhập công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học…

Nông dân thu hoạch dây thuốc cá (cây ruốc cá) để làm thuốc sinh học trừ sâu bệnh cho cây trồng. Ảnh: Thanh Sơn.

Nông dân thu hoạch dây thuốc cá (cây ruốc cá) để làm thuốc sinh học trừ sâu bệnh cho cây trồng. Ảnh: Thanh Sơn.

Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư theo hướng phát triển và khai thác những lợi thế từ các nguồn trong nước như: Các nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn vi sinh vật bản địa, nguyên liệu nuôi nhân tạo sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm, các nguồn cây có chứa hoạt chất BVTV sinh học (ruốc cá, hạt củ đậu, xoan Ấn Ðộ, xoan ta, trẩu, sở…), các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp (bã sở, bã trẩu, hạt chè…) để sản xuất thuốc BVTV sinh học. Một số chế phẩm BVTV sinh học như Trichoderma và phế phụ phẩm nông nghiệp còn là nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, đa tác dụng với cây trồng cũng rất cần được khuyến khích hỗ trợ phát triển.

Ông Sơn kiến nghị nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa về hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai các sản phẩm thuốc BVTV sinh học, nhất là các sản phẩm BVTV sinh học thế hệ mới. Trước mắt cần xây dựng chương trình đồng bộ từ trung ương đến địa phương để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu sản xuất thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, ưu tiên các sản phẩm thuốc BVTV sinh học thế hệ mới, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng thuốc BVTV sinh học để chứng minh hiệu quả, mang lại niềm tin cho nông dân.

Công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học cũng cần được nhà nước quan tâm đầu tư toàn bộ, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất chế phẩm trên quy mô lớn, hạ giá thành sản phẩm để nông dân dễ tiếp nhận, lấy đó làm kinh nghiệm để tiếp tục phát triển các công nghệ khác có triển vọng.

Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng quy hoạch ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh để thực hiện nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệtrong lĩnh vực thuốc BVTV sinh học.

"Có 3 vấn đề cần làm ngay để phát triển sản xuất thuốc BVTV sinh học. Thứ nhất là xây dựng khung pháp lý riêng giúp các doanh nghiệp đăng ký thuốc BVTV sinh học một cách dễ dàng. Thứ hai là đầu tư nghiên cứu có trọng điểm vào những thuốc BVTV sinh học có tính khả thi, có khả năng ứng dụng cao trong sản xuất như nấm đối kháng, vi sinh vật đối kháng, thuốc sinh hóa, kháng sinh thực vật, chiết xuất thảo mộc… Thứ ba là xây dựng các cơ chế hỗ trợ về vốn, thuế, đất đai, đào tạo nhân lực". 

(Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch VIPA).

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.