| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng nguy cơ dịch bệnh vật nuôi dịp Tết

Thứ Sáu 14/01/2022 , 09:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Thời tiết ở Bình Định đang lúc mưa lúc nắng thất thường, ảnh hưởng tới sức đề kháng của gia súc gia cầm, tạo điều kiện cho dịch bệnh có điều kiện phát sinh.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, hiện nay, thời tiết ở tỉnh này đang rất “đỏng đảnh”, mưa nắng thất thường, ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia súc gia cầm khiến dịch bệnh có điều kiện phát sinh. Thêm vào đó, gần đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên hoạt động vận chuyển, mua bán gia súc gia cầm tăng cao, càng khiến dịch bệnh có điều kiện lây lan.

Ngành chức năng ở Bình Định tiêm phòng cho đàn bò. Ảnh: V.Đ.T

Ngành chức năng ở Bình Định tiêm phòng cho đàn bò. Ảnh: V.Đ.T

Thời gian qua, Bình Định đã khống chế được dịch bệnh trên vật nuôi, tuy nhiên, hiện dịch tả lợn Châu Phi, bệnh lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm và bệnh viêm da nổi cục trâu bò đang tái bùng phát cục bộ ở một số địa phương.

“Sở NN-PTNT Bình Định đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tăng cường giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện và xử lý nhằm bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trên địa bàn”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.

Cũng theo ông Diệp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đang phối hợp với các địa phương triển khai tiêm bổ sung vacxin cúm gia cầm cho đàn nuôi mới, tổ chức giám sát từng địa bàn, phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn người dân chăm sóc đàn vật nuôi đúng cách trong tình hình thời tiết phức tạp.

Tiêm vacxin cho đàn gia cầm ở Bình Định. Ảnh: V.Đ.T

Tiêm vacxin cho đàn gia cầm ở Bình Định. Ảnh: V.Đ.T

Tại huyện Hoài Ân, địa phương có đàn vật nuôi lớn của tỉnh Bình Định đã triển khai công tác phòng chống dịch, tái đàn vào dịp cuối năm rất nghiêm cẩn. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện tiêm phòng 2 đợt vacxin, đạt tỷ lệ 83% trên tổng đàn gia súc, gia cầm.

Theo đó, vacxin LMLM đã được tiêm cho 19.071 con/23.090 con trâu, bò; vacxin viêm da nổi cục được tiêm cho 18.526 con/20.486 con trâu, bò; vacxin cúm gia cầm đã tiêm cho 120.000 con và 15.120 liều dịch tả lợn Châu Phi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi ở Hoài Ân còn tự tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm khác, trong đó có 65.725 liều vacxin cho đàn heo; 110.235 liều cho đàn gia cầm; 280 liều cho trâu bò…

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cùng với công tác tiêm phòng, người chăn nuôi trên địa bàn ngày càng ý thức cao hơn trong việc chăm sóc bảo vệ đàn vật nuôi, nhờ đó công tác phòng chống dịch bệnh đạt kết quả khả quan.

Bình Định kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm dịp cận Tết. Ảnh: V.Đ.T

Bình Định kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm dịp cận Tết. Ảnh: V.Đ.T

“Giai đoạn 2021 - 2025, Hoài Ân tập trung vào phát triển chăn nuôi tập trung. UBND huyện đã quy hoạch, phát triển vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi công nghệ cao; phát triển các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tiến đến xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tổ chức đăng ký, kê khai cơ sở chăn nuôi theo quy định; hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm trên địa bàn, nhất là đẩy mạnh phát triển các HTX chăn nuôi liên kết tiêu thụ; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Luật Chăn nuôi cho người dân”, ông Nguyễn Xuân Phong cho hay.

Bên cạnh công tác tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hiện Bình Định cũng đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển mua bán gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trong dịp cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Đồng thời, kiểm soát chặt hoạt động giết mổ để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, đến cuối năm 2021, Bình Định có tổng đàn bò 297.753 con, tăng 0,4% so cùng kỳ năm ngoái; đàn heo 657.012 con, giảm 1,3%; đàn gia cầm gần 8,7 triệu con, tăng 4%. 

“Giai đoạn này, người chăn nuôi ở Bình Định ổn định đàn để phục vụ thị trường Tết, do đó công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được bàn con chú trọng tối đa. Ngành chức năng Bình Định đã chỉ đạo các địa phương cử cán bộ thú y đứng chân giám sát địa bàn, đôn đốc, phối hợp triển khai tốt công tác phòng, chống dịch; đảm bảo tái đàn hiệu quả, ổn định, tạo điều kiện người chăn nuôi hồi phục sau đại dịch Covid-19”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.