| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng với chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tờ giả

Thứ Năm 23/12/2021 , 16:02 (GMT+7)

Thị trường bất động sản đang sôi động và đã xuất hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng cách làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Hiện việc làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá phổ biến, các đối tượng làm giấy tờ giả chứng thực của các văn phòng công chứng rồi đưa đi thế chấp thông qua các hợp đồng vay mượn, mua bán tài sản… để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Ngoài ra, chúng còn thu thập các thông tin về "sổ đỏ" được rao bán trên mạng để làm giả". Nhiều đối tượng còn tìm hiểu thông tin về chủ sở hữu, sau đó giả làm người mua đất, yêu cầu người bán gửi sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân để lấy thông tin. Hầu hết các giấy tờ này sau đó được đối tượng làm giả, bằng mắt thường rất khó phát hiện. Để che giấu hành vi, chúng đăng số điện thoại không chính chủ lên mạng Internet. Mọi giao dịch thông qua mạng xã hội, không nhận điện thoại trực tiếp. Khi khách hàng đặt cọc tiền, giấy tờ giả sẽ được giao đến tận nơi.

Để lợi dụng lòng tin của người dân, nhiều đối tượng thực sự tinh vi khi tạo vỏ bọc trong vai trò môi giới bất động sản chuyên nghiệp. Nổi lên là Nguyễn Thị Nguyên (SN 1985), trú tại thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh (nay là thị trấn Nếnh), huyện Việt Yên. Để chứng tỏ mình có nhiều bất động sản, Nguyên đã thuê người làm giả 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy xác nhận tình trạng thửa đất mang tên mình và một bộ hồ sơ mang tên người khác. Từ năm 2019 đến đầu năm 2020, bị cáo đã dùng những giấy tờ này để giao dịch bất động sản.

Các nạn nhân cho biết, do tin tưởng vào những giấy tờ giả này nên họ đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Nguyên. Số tiền nữ quái này chiếm đoạt hơn 8,4 tỷ đồng. Tháng 8 vừa qua, khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo mới bồi thường cho các bị hại 200 triệu đồng, số còn lại không có khả năng thanh toán. TAND tỉnh đã tuyên phạt Nguyên 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bà H (SN 1973) ở đường Lý Thái Tổ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) phải đằng đẵng theo đuổi Nguyễn Phú Cường (SN 1976), trú tại thôn Giao Tất A, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) vì khoản tiền 300 triệu đồng cho vay. Tháng 11 vừa qua, TAND TP Bắc Giang đã đưa vụ án trên ra xét xử, tuyên phạt Nguyễn Phú Cường 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời phải đền bù 230 triệu đồng gốc và tiền lãi theo quy định.

Bị cáo Nguyễn Thị Nguyên tại phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 8/2021.

Bị cáo Nguyễn Thị Nguyên tại phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 8/2021.

Theo hồ sơ vụ án, để có tiền trả nợ ngân hàng, Cường đã tới một quán in màu làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất mang tên Phùng Đắc Hòa (SN 1986), trú tại thôn Dương Đá, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (TP Hà Nội). Sau đó, Cường sử dụng sổ đỏ giả này cùng sổ hộ khẩu gốc và bản phô tô chứng minh nhân dân mang tên mình để thế chấp vay chị H 300 triệu đồng. Quá thời hạn thanh toán, Cường vẫn không trả tiền cho chị H. Đến cuối năm 2019 y mới trả được 70 triệu đồng. Tháng 8/2020, Cường chuyển vào tỉnh Lâm Đồng sinh sống nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Cũng với thủ đoạn sử dụng giấy tờ giả để vay tiền như trên, Trịnh Xuân Phương (SN 1993), trú tại thôn Chung, xã Liên Sơn (Tân Yên) đặt mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả trên mạng Internet với mục đích vay anh Ngô Văn Đ (SN 1995), trú tại thị trấn Cao Thượng (cùng huyện) 150 triệu đồng. Tuy nhiên, hành vi sử dụng giấy tờ giả của Phương đã bị văn phòng công chứng phát hiện khi đến làm thủ tục. Ngày 27/8, anh Ngô Văn Đ đã trình báo sự việc với Công an huyện Tân Yên về hành vi sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả của Phương.

Thị trường bất động sản có nhiều biến động. Giá nhà, đất tăng mạnh tạo ra những cơn sốt đất, thu hút nhiều người đổ tiền đầu tư. Vì vậy, đối tượng lừa đảo sử dụng giấy tờ giả làm “mồi câu” có thể khiến nhiều người vì chủ quan, hám lợi mà sập bẫy. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cảnh báo tới người dân khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng bất động sản cần xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc, tình trạng đất trước khi quyết định giao dịch.

Người dân cần đến cơ quan công chứng, đăng ký đất đai của địa phương nơi có tài sản để kiểm tra thông tin về chủ sử hữu, từ đó xác định tình trạng thửa đất, tính hợp pháp của giấy tờ. 

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.