| Hotline: 0983.970.780

Xác định nguyên nhân dịch tả lợn Châu Phi tái phát ở Hải Phòng

Chủ Nhật 09/06/2024 , 23:00 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Cơ quan chức năng đã vào cuộc để kiểm tra, xác minh nguồn lây khiến dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy.

Lực lượng chức năng tổ chức tiêu hủy số lợn bị chết do dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Lực lượng chức năng tổ chức tiêu hủy số lợn bị chết do dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy (TP. Hải Phòng), cơ quan chức năng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp cấp bách để phòng chống, ngăn chặn, dù vậy dịch bệnh vẫn lây lan khá nhanh.

Chỉ trong vòng 1 tháng, tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi của Chi cục Thú y vùng II, từ 1 hộ dân ban đầu dịch bệnh đã xuất hiện tại 10 hộ dân khác nhau. Ngoài hàng chục con lợn nái có giá trị kinh tế cao, số lượng tiêu hủy còn lại chủ yếu là lợn thịt, đã hoặc gần đến thời điểm có thể xuất bán với trọng lượng hơn 4 tấn.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Sinh Thanh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Thụy cho biết, sau khi nhận được thông tin của chính quyền địa phương, lực lượng cán bộ thú y đã nhanh chóng kiểm tra, lấy mẫu để gửi Chi cục Thú y vùng II để xét nghiệm, kiểm tra dịch bệnh.

Sau khi có kết quả xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi ở xã Ngũ Đoan, Trạm chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Thụy đã phối hợp với Phòng NN-PTNT báo cáo cơ quan có thẩm quyền để ban hành các thông báo, hướng dẫn các hộ dân không được di chuyển lợn ra khỏi địa bàn khi địa phương đang có dịch.

Tổ chức khuyến cáo người dân nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh động vật theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Việc tiêu hủy được thực hiện cẩn trọng, đúng quy định để hạn chế lây lan dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Việc tiêu hủy được thực hiện cẩn trọng, đúng quy định để hạn chế lây lan dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Về nguồn lây, kết quả điều tra, xác minh ban đầu cho thấy, người dân mua lợn từ thương lái không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm dịch, trong thời gian nuôi không tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Mặt khác, khi lợn mới chết lác đác, người dân không báo chính quyền địa phương mà tự tiêu hủy tại chỗ không đảm bảo vệ sinh thú y theo quy định, thậm chí có hộ dân còn vứt lợn chết xuống ao cho cá chim ăn. Sau đó lấy chính nguồn nước từ ao để rửa lại chuồng, từ đó đã làm lây lan mầm bệnh sang những con lợn khác, chuồng khác.

Để ngăn chặn dịch bệnh, người dân cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng trong phòng chống dịch bệnh trong tình hình khẩn cấp. Không vận chuyển lợn dịch bệnh ra khỏi địa bàn và chỉ nuôi trở lại khi đã đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học cũng như tiêm phòng vacxin đầy đủ.

“Qua theo dõi và thông tin từ người dân, dịch bệnh đợt này lợn chết nhanh hơn. Do vậy, ngoài các biện pháp theo quy định, trước mắt, chúng tôi sẽ tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn xã Ngũ Đoan và thành lập các chốt kiểm soát, không cho vận chuyển lợn ra vào địa bàn xã, đồng thời thực hiện các giải pháp cần kíp để tránh lây lan sang các đàn lợn khác”, ông Thanh cho hay.

Tiêu độc khử trùng toàn bộ các khu vực chăn nuôi lợn ở xã Ngũ Đoan. Ảnh: Đinh Mười.

Tiêu độc khử trùng toàn bộ các khu vực chăn nuôi lợn ở xã Ngũ Đoan. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Vũ Duy Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Đoan cho biết, chính quyền địa phương đang triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

Các hộ nuôi lợn được yêu cầu theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình đàn lợn và báo cáo ngay khi phát hiện lợn có dấu  hiệu bị bệnh, nghi bị bệnh, không bán, vận chuyển lợn, sảm phẩm lợn ra khỏi khu vực chăn nuôi khi chưa có kết luận của cơ quan thú y có thẩm quyền.

Đồng thời, phải thực hiện đồng thời các biện pháp nhốt riêng lợn nghi mắc bệnh ra khu vực cách ly, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi.

Người dân tạm ngừng tái đàn, nhập lợn giống về nuôi và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Đối với đàn lợn đã đến kỳ xuất bán, còn khỏe mạnh, khi có kết quả âm tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi được phép xuất bán, vận chuyển, giết mổ theo quy định.

Trong việc tiêu hủy, với những hộ có số lợn ít hoặc nhỏ thì sẽ vận động nhân dân tiêu hủy luôn tại vườn theo đúng quy trình vệ sinh thú y. Còn  với những hộ có lợn to, số lượng lớn thì đưa ra khu tập trung để tiêu hủy.

Liên quan đến vấn đề này, để kịp thời khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi trên địa bàn UBND huyện Kiến Thụy cũng đã chỉ đạo UBND xã Ngũ Đoan thành lập chốt kiểm dịch động vật, bố trí lực lượng thường trực kiểm soát hặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn.

Thực hiện khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy lợn bệnh 1 lần/ngày liên tục trong 7 ngày và khử trùng, tiêu độc khu vực xung quanh  2 lần/tuần, liên tục trong 3 tuần.

Với các địa phương chưa xuất hiện dịch bệnh, UBDN huyện Kiến Thụy cũng yêu cầu quyết liệt liên quan đến kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, lợn và sản phẩm lợn  từ các địa phương có dịch về địa bàn tiêu thụ.

UBND huyện Kiến Thụy cũng yêu cầu lực lượng công an và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát  việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các địa phương khác  nhập vào địa bàn huyện Kiến Thụy tiêu thụ, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, vận chuyển lợn, thịt và sản phẩm từ lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không  rõ nguồn gốc xuất xứ, mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo luật định.

Xem thêm
Giá lợn hơi sẽ tiếp tục đứng ở mức cao

Mùa hè, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn thường giảm do học sinh nghỉ hè, qua đó khiến giá lợn hơi giảm. Nhưng hè năm nay, giá lợn hơi vẫn ở mức cao.

Đất trũng nở hoa sen

Những vùng đầm lầy hoang hóa giờ đây đã biến thành các đầm sen lộng lẫy, không chỉ làm đẹp cho Thành phố mà còn đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm