| Hotline: 0983.970.780

Xử lý nghiêm việc vận chuyển, thu mua lợn bệnh, lợn ốm từ vùng dịch

Chủ Nhật 09/06/2024 , 12:06 (GMT+7)

BẮC KẠN Thương lái đăng trên mạng xã hội, lén lút phát tờ rơi mua lợn bệnh, lợn chạy dịch khiến công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi gặp nhiều khó khăn.

Kiểm tra vận chuyển lợn ra vào tỉnh tại Trạm Kiểm dịch động vật Chợ Mới. Ảnh: Ngọc Tú. 

Kiểm tra vận chuyển lợn ra vào tỉnh tại Trạm Kiểm dịch động vật Chợ Mới. Ảnh: Ngọc Tú. 

Vẫn còn tình trạng mua bán lợn ốm, lợn bệnh

Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát dữ dội tại tất cả các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn.

Đến ngày 7/6, toàn tỉnh có gần 1.900 hộ, 444 thôn, 89 xã ở tất cả các huyện, thành phố xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Chỉ tính riêng ngày 7/6, tỉnh Bắc Kạn tiêu huỷ 371 con lợn với trọng lượng 15.243kg. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 89/108 xã, phường, thị trấn có dịch.

Dù lực lượng chuyên môn, chính quyền địa phương đã vào cuộc dập dịch, nhưng tình trạng thu mua lợn ốm, lợn từ vùng dịch mang đi tiêu thụ vẫn còn xảy ra.

Trên một số hội nhóm mạng xã hội, thương lái ngang nhiên đăng thông tin mua lợn ốm, lợn từ vùng dịch. Trên nhóm Facebook “Huyện Ba Bể - Bắc Kạn”, tài khoản Minh Chi đăng “Mai xe lên Bắc Kạn lấy lợn các loại. Chuyên thu mua các loại lợn sự cố, chạy dịch, bỏ ăn 24/24…”.

Thậm chí có trường hợp thương lái lén lút đưa tờ rơi mua lợn ốm cho người dân. Theo phản ánh của người dân, tư thương lén lút đi mua lợn ốm trong đêm khiến cho việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Không ít hộ chăn nuôi có lợn ốm hoặc nghi ốm đã tranh thủ bán tống, bán tháo với giá rẻ để thu hồi vốn.

Theo lãnh đạo UBND xã Khang Ninh (huyện Ba Bể), trên địa bàn xuất hiện một số đối tượng vào thôn, bản phát tờ rơi thu gom lợn số lượng lớn. Chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền, nhắc nhở nhưng các đối tượng thường mua bán lén lút, lợi dụng đêm tối nên rất khó kiểm soát.

Ngày 01/6, tại huyện Chợ Mới, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ 2 xe ô tô chở 14 con lợn từ vùng dịch (huyện Ba Bể và Na Rì) mang đi tỉnh Thái Nguyên tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

Trước đó, tại huyện Na Rì, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cũng đã phát hiện một xe mua lợn ốm từ vùng dịch để chở đi nơi khác tiêu thụ.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Chợ Mới cho biết: hiện nay trạm có 2 chốt kiểm dịch trên Quốc lộ 3 và tuyến đường BOT Chợ Mới - Thái Nguyên, đơn vị đã phân công cán bộ trực 24/24, tuy nhiên trạm chỉ có cán bộ thú y nên không thể dừng phương tiện để kiểm tra, rất khó phát hiện các đối tượng vận chuyển lợn không có giấy tờ ra vào tỉnh.

Thương lái đăng thông tin mua lợn ốm, lợn chạy dịch trên các nhóm mạng xã hội. Ảnh: Ngọc Tú. 

Thương lái đăng thông tin mua lợn ốm, lợn chạy dịch trên các nhóm mạng xã hội. Ảnh: Ngọc Tú. 

Khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch

Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại Bắc Kạn, ngày 7/6, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương chỉ đạo cơ quan chuyên môn, thú y địa phương và các đoan vị có liên quan chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch.

Cục Thú y đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố dịch, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan không kịp thời tham mưu, chỉ đạo chống dịch theo quy định.

Tập trung nguồn lực của địa phương kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi của Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi của Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hướng dẫn người chăn nuôi, nhất là tại địa phương đang có dịch, các địa phương có nguy cơ cao áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

Chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh.

Cục Thú y cũng đề nghị địa phương rà soát, yêu cầu các lực lượng tham gia chống dịch áp dụng nghiêm các biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu hủy lợn bệnh.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về sự nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Yêu cầu thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS), xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo.

Tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT tại Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 về việc sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi và Công văn số 2560/BNN-TY ngày 09/4/2024 về việc tập trung tổ chức tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Địa phương thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%

BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.  

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.