| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác đạo ôn cổ bông gây hại lúa xuân

Thứ Hai 15/04/2024 , 07:45 (GMT+7)

HÀ TĨNH Bệnh đạo ôn cổ bông đã xuất hiện trên lúa xuân ở huyện Nghi Xuân, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chủ động theo dõi thời tiết, đồng ruộng để phun phòng kịp thời.

Lúa trổ sớm 7 – 10 ngày

Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo cấy hơn 59.000ha lúa. Hiện nay, lúa đang giai đoạn phân hóa đòng, trổ bông. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, đã có gần 6.000ha lúa tại các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ, Thạch Hà trổ bông. Dự kiến từ ngày 14 – 25/4, diện tích lúa trổ khoảng 45.000ha, số còn lại sẽ trổ sau ngày 25/4.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh (thứ 3 bên phải sang) kiểm tra, chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa xuân. Ảnh: TN.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh (thứ 3 bên phải sang) kiểm tra, chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa xuân. Ảnh: TN.

“Năm nay nhiệt độ trung bình 3 tháng đầu năm cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5 – 1,6 độ C, do đó lúa vụ xuân trổ sớm hơn so với lịch thời vụ từ 7 – 10 ngày. Hiện bệnh đạo ôn cổ bông đã xuất hiện trên một số diện tích ở xã Xuân Hội, Đan Trường (huyện Nghi Xuân).

Theo dự báo, từ nay đến cuối tháng 4 nền nhiệt độ toàn tỉnh thấp, nhiều mây, một số ngày có mưa, độ ẩm cao về đêm và sáng sớm kết hợp nguồn bệnh đạo ôn sẵn có trên đồng ruộng nên tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, phát triển và có nguy cơ gây thiệt hại, làm giảm năng suất, sản lượng”, ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cảnh báo.

Theo ông Hà, bệnh đạo ôn cổ bông như bệnh “ung thư ở người”, việc điều tra, phát hiện sớm vết bệnh để phun phòng kịp thời đóng vai trò then chốt quyết định thắng lợi của vụ sản xuất. Bà con không được chủ quan, chờ đến khi vết bệnh lan rộng từng mảng ruộng rồi mới phun phòng, lúc này sẽ mất hết hiệu lực, hiệu quả.

Để phòng bệnh đạo ôn cổ bông gây mất mùa, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa ban hành công điện yêu cầu các địa phương thành lập các tổ công tác trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ bà con tổ chức phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả, tuyệt đối không dấu dịch.

Chủ tịch huyện, thị xã, thành phố nào chủ quan, thiếu quyết liệt trong tổ chức, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, để dịch bệnh phát sinh, gây hại diện rộng, gây thiệt hại đối với sản xuất phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Cảnh giác cao độ nhóm giống mẫn cảm

Đặc biệt, đối với nhóm giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như VNR20, Thái Xuyên 111, ADI 168, Hương Bình, P6, XT28… và các vùng thường xuyên nhiễm bệnh (ven biển các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên; các xã Bùi La Nhân, Lâm Trung Thủy – huyện Đức Thọ; Cẩm Lạc, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng, Cẩm Hưng – Cẩm Xuyên; Trung Lộc, Tùng Lộc, Khánh Vĩnh Yên – Can Lộc; Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn –Thạch Hà; Tân Mỹ Hà, An Hòa Thịnh – Hương Sơn; Kỳ Văn, Kỳ Thọ - Kỳ Anh), cán bộ khuyến nông cơ sở và người dân cần giám sát đồng ruộng thường xuyên, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng sinh thái, từng giống để có giải pháp ứng phó phù hợp. Tuyệt đối không chủ quan, lấy lý do lúa trồng để ăn, gần trổ bông nên không phun phòng, làm lây lan bệnh.

Đối với nhóm giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn, người dân cần theo dõi sát đồng ruộng để phun phòng kịp thời, tuyệt đối không chủ quan. Ảnh: TN. 

Đối với nhóm giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn, người dân cần theo dõi sát đồng ruộng để phun phòng kịp thời, tuyệt đối không chủ quan. Ảnh: TN. 

Theo ghi nhận, chiều muộn ngày 12/4, một số hộ dân xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà) tranh thủ thời tiết nắng ấm ra đồng phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Theo ông Lê Văn Hưng, hộ dân có 3 sào lúa gieo cấy giống ADI 168, năm nay diện tích lúa của gia đình ông trổ sớm hơn so với thời vụ khoảng 5 ngày. Giai đoạn đạo ôn lá có một diện tích xuất hiện vết bệnh cục bộ, ông đã phun phòng 2 lần.

“Hiện nay lúa đã trổ được khoảng 40 – 50%. Trên đồng cũng xuất hiện một vài vết bệnh đạo ôn cổ bông nên tôi mua thuốc về phu, đề phòng bệnh lây lan”, ông Hưng nói.

Vụ xuân năm 2024, huyện Thạch Hà sản xuất hơn 7.900ha lúa. Địa phương này là một trong những huyện đi đầu toàn tỉnh Hà Tĩnh về “cuộc cách mạng” tích tụ đất đai, phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn, đưa các giống lúa mới, chất lượng cao như Bắc Thịnh, Hà Phát 3, BT09, Hana số 7... vào sản xuất. Hiện, hầu hết diện tích lúa của địa phương đang cuối phân hóa đòng, dự kiến trổ tập trung từ ngày 15 - 25/4.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.