| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác với cúm gia cầm thời điểm giao mùa

Thứ Năm 19/10/2023 , 08:52 (GMT+7)

Thời tiết hiện đang giai đoạn chuyển mùa, sức đề kháng vật nuôi giảm, dễ nhiễm virus cúm gia cầm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người.

Bệnh cúm gia cầm dễ phát sinh vào thời điểm chuyển mùa, virus lây lan nhanh, gây nguy hiểm cho tất cả các loại gia cầm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bệnh cúm gia cầm dễ phát sinh vào thời điểm chuyển mùa, virus lây lan nhanh, gây nguy hiểm cho tất cả các loại gia cầm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Càng về những tháng cuối năm, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm từ gia cầm tăng mạnh. Thêm vào đó, thời tiết hiện đang giai đoạn chuyển mùa khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm, dễ nhiễm virus cúm gia cầm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người.

Trước tình hình đó, ngành chức năng và các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan, ngành nông nghiệp Thái Nguyên cùng với chính quyền các địa phương đã tập trung giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, nhất là những khu vực đã từng xuất hiện bệnh. Đôn đốc công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại khu vực chuồng trại, vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao.

Các địa phương trong tỉnh cũng tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch cúm A/H5N1 đối với sức khỏe con người, cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, bệnh cúm gia cầm dễ phát sinh vào thời điểm chuyển mùa, virus lây lan nhanh, gây nguy hiểm cho tất cả các loại gia cầm.

Ngoài ra, một số chủng virus cúm gia cầm có thể lây sang người. Do vậy, cùng với áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, bà con cần đặc biệt lưu ý, khi thấy đàn gia cầm có biểu hiện nhiễm bệnh không nên tự mua thuốc điều trị mà phải báo ngay cho cán bộ thú y để được hỗ trợ, không vứt bỏ xác gia cầm ra ngoài môi trường.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, ngành chức năng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, ăn chín, uống sôi, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Đặc biệt, khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.