| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông chuyển mình

'Cánh tay nối dài' tạo sức sống mới cho hệ thống khuyến nông

Thứ Ba 03/01/2023 , 09:45 (GMT+7)

Đến nay, 25 tỉnh thành đã có tổ khuyến nông cộng đồng. Đây được xem là "cánh tay nối dài" tạo nên sức sống mới, hiệu quả mới cho hệ thống khuyến nông.

Triển khai thí điểm Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu trên cả nước, tại ĐBSCL có 5 tỉnh thực hiện Đề án là Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang và Long An. 

Empty

Đại biểu tham dự hội nghị đánh giá hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng được tổ chức mới đây tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Tại TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), mới đây Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội thảo vùng đánh giá kết quả thực hiện hoạt động Đề án sau một năm thực hiện và thảo luận những khó khăn, đề xuất các hoạt động cho năm 2023.

Được các địa phương hưởng ứng trên sự mong đợi

Bài liên quan

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Sau đó, ngày 3/8/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng vùng nguyên liệu và Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, Đề án đã triển khai thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu gồm: Vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La); vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế); vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum); vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang); vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).

Ngoài 13 tỉnh trong Đề án thí điểm, cả nước hiện đã có thêm 12 tỉnh/thành phố đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng, một số tỉnh thành lập số lượng lớn như Hải Phòng (132 tổ), Hậu Giang (50 tổ)…

Sau 1 năm triển khai Đề án, ngoài 26 tổ khuyến nông cộng đồng đã được xây dựng trong vùng nguyên liệu, đến nay, đã tổ chức được 13 cuộc tọa đàm xây dựng quy chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng với 1.024 đại biểu tham dự. Cùng với đó, tổ chức 26 lớp tập huấn nâng cao kiến thức phát triển HTX, marketing phát triển thị trường và kỹ thuật ứng dụng trong các vùng nguyên liệu với gần 400 học viên tham gia.

Đồng thời, Ban chỉ đạo Đề án cũng tổ chức 4 cuộc hội thảo vùng triển khai đề án với hơn 1.000 đại biểu tham dự và xây dựng 13 clip giới thiệu về quá trình thành lập và hoạt động của các tổ, 5 bộ tài liệu tập huấn cho cán bộ khuyến nông cộng đồng.

Tại Tiền Giang, ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, đến nay địa phương đã thành lập được 117 tổ khuyến nông cộng đồng tại 10 huyện, thị, thành phố, với 1.138 thành viên. Trong đó, có 2 tổ khuyến nông cộng đồng tại các xã trong vùng nguyên liệu khu vực Đồng Tháp Mười (huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và Thị xã Cai Lậy) do Sở NN-PTNT thí điểm thành lập.

Cán bộ khuyến nông triển khai kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái cho bà con nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

Cán bộ khuyến nông triển khai kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái cho bà con nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

Bài liên quan

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên việc thành lập, quản lý và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng rất thuận lợi. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đánh giá: Tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập về chuyên môn kỹ thuật là "cánh tay nối dài" của hệ thống khuyến nông để truyền tải thông tin, kỹ thuật đến với người dân một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang, bên cạnh được sự ủng hộ về chủ trương của trung ương, đặc biệt được Bộ NN-PTNT tạo điều kiện triển khai, Đề án cũng gặp nhiều khó khăn cần được quan tâm. Hiện nay, tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập nhưng chưa được đầu tư về phương tiện, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động; không có tư cách pháp nhân nên chỉ thực hiện nhiệm vụ phối hợp là chủ yếu. Một số địa phương còn lúng túng, chưa hiểu hết lợi ích, cách thức hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng…

Phải duy trì được các hoạt động dịch vụ

Tại An Giang, tỉnh cũng thành lập thí điểm 10 tổ khuyến nông cộng đồng. Các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng được hưởng các lương phụ cấp, chế độ theo quy định hiện hành; được bố trí chỗ làm việc… Tuy nhiên, thành viên của tổ chịu sự chi phối của nhiều đầu mối như lãnh đạo ngành dọc, chính quyền địa phương... nên còn lúng trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động. Bên cạnh đó, còn hạn chế trong việc tạo mối liên hệ, gắn kết với doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ nông sản; công cụ, trang thiết bị phục vụ công việc còn thiếu…

Empty

Hội thi cắt tỉa cành cây sầu riêng do Trung tâm Khuyến nông Bến Tre phối hợp doanh nghiệp thực hiện. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng Phòng Đào tạo - Huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) nhìn nhận: Chức năng, nhiệm vụ đặt ra cho tổ khuyến nông cộng đồng phải nói là nhiều. Đây là nhiệm vụ mới, trong khi đó, cán bộ khuyến nông chỉ giỏi về kỹ thuật, không có thế mạnh về marketing, chuỗi liên kết...

Về giải pháp và phương hướng hoạt động sắp tới, ông Khoa cho rằng cần phải tăng cường năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng, nhất là kết nối với doanh nghiệp trong hợp tác công tư (PPP). Bên cạnh đó, cần tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án quốc tế của các tổ chức như GIZ, WB.... Qua đó, tạo được nguồn kinh phí cho các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động. Về lâu dài, các tổ khuyến nông cộng đồng cần phải tổ chức được các hoạt động dịch vụ.

“Năm 2023, chúng tôi giao nhiệm vụ mỗi tổ khuyến nông cộng đồng sẽ thử nghiệm tư vấn cho 2 hợp tác xã về hoạt động sản xuất, liên kết, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ… Không còn con đường nào khác, chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm khi triển khai xây dựng và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng”, ông Nguyễn Viết Khoa nói.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, giai đoạn hiện tại, công tác khuyến nông đang được kiện toàn về tổ chức, đặc biệt là khuyến nông cơ sở, đa dạng hoạt động khuyến nông theo cách tiếp cận dịch vụ. Cụ thể như tăng cường công tác khuyến nông cơ sở, đặc biệt là cấp xã, lấy hợp tác xã nông nghiệp là nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững.

Cùng với đó, tăng cường nhiệm vụ khuyến nông theo hướng dịch vụ, bám vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hình thành phát triển HTX (vận động, tư vấn thành lập HTX, tư vấn tổ chức sản xuất...), thông tin thị trường, liên kết sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số. Đồng thời, đa dạng các loại hình hoạt động khuyến nông theo hướng dịch vụ, ưu tiên phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.