Bước đầu kết nối với doanh nghiệp
Đề án về khuyến nông cộng đồng mặc dù mới thí điểm triển khai, nhưng Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã mạnh dạn, tiên phong đi đầu trong thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn, mang lại khí thế mới và hiệu quả rõ rệt. Đến nay, các địa phương tại Hải Phòng đã thành lập được 132 tổ khuyến nông cộng đồng.
Ghi nhận tại các địa phương tại Hải Phòng, cái được rõ nét của các tổ khuyến nông cộng đồng có lẽ là thể hiện tốt vai trò trong triển khai các dự án, hỗ trợ rất tích cực trong việc rà soát các tiêu chí để lựa chọn mô hình.
Tại một số xã, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng là chủ trang trại, đủ năng lực trình độ, tích tụ được ruộng đất đã được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng giao mô hình để trực tiếp thực hiện.
Điều này được đánh giá rất quan trọng trong tương lai, bởi đây sẽ là những hạt nhân có kinh nghiệm trong sản xuất, kết nối thị trường… để nhân rộng các mô hình tại các địa phương.
“Tổ khuyến nông hoạt động sẽ có 1 nhóm làm việc, thay vì trước đây chỉ có 1 hoặc 2 cán bộ khuyến nông, tổ khuyến nông có quy chế, quy định, giúp xử lý những việc khó mà trước đây chưa làm được. Tuy nhiên, hỗ trợ ban đầu của nhà nước là chưa có, cần có hỗ trợ để hoạt động như địa điểm, đào tạo, cho đi thực tế để học hỏi các mô hình hay. Cần đào tạo các lớp có thời gian dài hơn”, ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo chia sẻ.
Trên thực tế, để các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động tốt, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng thực hiện kết nối các doanh nghiệp cung ứng vật tư ký kết hợp đồng với một số tổ khuyến nông như dịch vụ cung ứng phân bón chậm trả cho nông dân, ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm lúa, khoai tây, góp phần hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng đánh giá: Tổ khuyến nông cộng đồng đã làm thay đổi nhận thức cả hệ thống khuyến nông, nhất là ở cơ sở. Đến nay, mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng các tổ khuyến nông cộng đồng đã có những thành công bước đầu, các thành viên đã tiếp cận được những kiến thức về ứng dụng công nghệ mới, chuyển giao mô hình nhanh hơn...
Thông qua các tổ khuyến nông cộng đồng, nhiều mô hình hay được lan tỏa rộng rãi. Nhất là những xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động mạnh hơn, giúp hoàn thành các tiêu chí phát triển sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao...
“Tổ khuyến nông cộng đồng giúp triển khai các mô hình sản xuất được nhân rộng, lan tỏa nhanh hơn. Tuy đã có những hướng dẫn nhưng tới đây, cần có những hướng dẫn đầy đủ hơn nữa để các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động linh hoạt, đầy đủ hơn và thống nhất trong toàn Thành phố.
Các thành viên trong tổ khuyến nông cộng đồng phải có kiến thức về sản xuất nông nghiệp nhiều hơn, sâu hơn bà con nông dân, phải được đào tạo, tập huấn sâu hơn, bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa...”, ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng đề nghị.
Chủ động, sáng tạo
Nhờ sự góp sức của những người làm công tác khuyến nông, nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu có liên kết bao tiêu sản phẩm đã được xây dựng tại Hải Phòng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Hải Phòng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các loại cây trồng chủ lực dựa trên tiềm năng, lợi thế, nhiều loại cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế đã được chú trọng xây dựng chuỗi giá trị. Đơn cử như trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai mô hình sản xuất lúa giống gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở vụ mùa với quy mô 17ha trên đồng ruộng xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy.
Việc xây dựng mô hình phù hợp với định hướng phát triển của Thành phố, ngành nông nghiệp và địa phương, mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất, hướng tới hình thành các vùng chuyên sản xuất lúa giống tại Hải Phòng để cung ứng giống cho nông dân trên địa bàn Thành phố, giảm chi phí cho cả doanh nghiệp sản xuất giống và chi phí mua giống của nông dân.
Bên cạnh đó, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết bao tiêu sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp cũng được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng xây dựng, triển khai nhân rộng.
Điển hình như mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi thâm canh cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai thí điểm tại gia đình ông Phạm Trung Hiếu, thôn Kim Châm, xã Mỹ Đức, huyện An Lão. Điểm mới của mô hình là ứng dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi nhằm giảm thiểu hiện tượng bệnh trên đàn cá, giảm ô nhiễm môi trường. Sau khi thu hoạch, mô hình cho năng suất hơn 32 tấn/ha, cỡ thu hoạch đạt từ 0,7kg/con; hệ số thức ăn 1,5; tỉ lệ sống đạt hơn 85% trở lên, lãi thuần thu được trên 250 triệu/ha, tăng 15 - 20% so với mô hình truyền thống.
Cái được lớn nhất của mô hình là không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để làm ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ khuyến nông còn phát huy tính chủ động, sáng tạo, nghiên cứu các đề tài khoa học mới trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Nổi bật như mô hình mô hình ứng dụng Ozone và tia cực tím xử lý nước trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn.
Trên cơ sở hệ thống trang thiết bị tích hợp công nghệ tia cực tím và Ozone, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm tại một số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh cao tại quận Dương Kinh và xây dựng, hoàn thiện quy trình nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn. Đây là quy trình nuôi hoàn toàn mới đối với nghề nuôi thủy sản của Thành phố, tiên tiến hơn, sáng tạo hơn, từng bước thay thế những công nghệ, cách nuôi cũ kém hiệu quả.
Trong quá trình nuôi, cán bộ khuyến nông đã đồng hành, sát sao với mô hình, chuyển giao các kiến thức cần thiết như tiến hành xác định nồng độ, liều lượng tia UV, Ozone và hướng dẫn theo dõi các yếu tố môi trường pH, độ trong, H2S, NH3, NO2, độ kiềm…
Khi được áp dụng rộng rãi, công nghệ này sẽ giúp quản lý nghề nuôi tôm tốt hơn, có thể ứng dụng trong quy trình nuôi được khuyến kích như thực hành nuôi tốt (GAP), thực hành quản lý tốt (BMP), nuôi an toàn sinh học, nuôi kết hợp, nuôi sinh thái...
Ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết, các mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp giúp các mắt xích phát triển rời rạc liên kết với nhau để tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tạo ra hệ sinh thái sản xuất mới tại khu vực nông thôn, thực hiện phân chia rủi ro, trách nhiệm, quyền lợi giữa tất cả các bên.
Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cách thức phát triển nền nông nghiệp theo hướng có kế hoạch, gắn với nhu cầu thị trường..., góp phần hình thành những vùng nguyên liệu ổn định, quy mô sản lượng cao, chất lượng sản phẩm đồng đều. Mặt khác, thay đổi những điểm yếu của nông dân như tập quán sản xuất nhỏ lẻ, quy trình canh tác tự do, khả năng hợp tác yếu, chậm thay đổi quy trình - công nghệ sản xuất, ít cập nhật thông tin thị trường.
“Đóng góp vào những thành công trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ khuyến nông Hải Phòng. Với đặc thù là những người luôn sâu sát, gần gũi với bà con nông dân, họ chính là cầu nối quan trọng để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đến với nông dân, xây dựng nhiều mô hình điểm, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP”, ông Nguyễn Ngọc Đam chia sẻ.