Song, lựa chọn bước đi và tạo sự chuyển mình thế nào cho hệ thống khuyến nông trong chặng đường mới cũng đang là điều mà ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn nhiều trăn trở.
Vượt qua khuôn khổ của một đề án
“Sau câu chuyện hệ thống khuyến nông bị đứt gãy, chúng ta mới thấy được rằng, sự kết nối hệ thống trở thành sức mạnh của khuyến nông”, ông Lê Quốc Thanh mở đầu câu chuyện khi nói về sự chuyển mình của hệ thống khuyến nông trong năm 2022.
Ông Lê Quốc Thanh cho rằng, nếu khuyến nông không có hệ thống xuyên suốt từ trên xuống dưới, sức mạnh cũng sẽ không còn. Không ai có thể làm công tác khuyến nông một cách “đơn thương, độc mã”. Một cán bộ khuyến nông trung ương có giỏi cỡ nào nhưng không có lực lượng khuyến nông cơ sở tham gia trực tiếp cùng nông dân, cụ thể hóa các công nghệ vào sản xuất thì công tác khuyến nông không thể làm được.
“Có thể nói, chúng ta đã bắt được đúng căn bệnh mà khuyến nông đang gặp phải và kết nối lại được hệ thống, đưa hệ thống đó trở về nguyên nghĩa của nó”, ông Lê Quốc Thanh nói.
Trên cơ sở "bắt đúng bệnh”, Đề án Khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 - 2025 (Đề án Khuyến nông cộng đồng) được xây dựng nhằm tăng cường năng lực của khuyến nông viên cơ sở được xem là bước đột phá, chưa có tiền lệ.
Nói về Đề án Khuyến nông cộng đồng, mặc dù đây là đề án với phạm vi không lớn, mới triển khai, nhưng những kết quả thu được đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một đề án thí điểm. Đề án bước đầu đã cho thấy sự phù hợp với xu thế, đi vào thực tế sản xuất, nhận được sự quan tâm, đón nhận của cả cộng đồng.
Để có được thành quả này, nhận thức của lực lượng làm công tác khuyến nông từ trung ương đến địa phương; hình thức, phương pháp hoạt động đào tạo, thông tin, tuyên truyền (những công cụ chủ yếu của khuyến nông trước đây) đã thay đổi rõ rệt. Dễ nhận thấy nhất là sự đa dạng của lực lượng tham gia làm công tác khuyến nông.
Trước đây, tham gia công tác này chủ yếu là các đơn vị viện, trường, cán bộ khuyến nông trong hệ thống nhà nước..., bây giờ đã mở rộng ra, có thêm lực lượng khuyến nông của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX)...
Hoạt động đào tạo trước đây chủ yếu là cán bộ khuyến nông lên lớp giảng bài, hiện tại, đã hình thành đang dạng các hình thức tập huấn như học tập ngay tại thực địa; nông dân chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho nông dân; không còn sự phân biệt giữa người dạy và người học mà thay vào đó là sự trao đổi, tương tác hai chiều.
Lĩnh vực thông tin, tuyên truyền cũng có sự chuyển biến theo hướng, trước đây hầu hết chỉ xoay quanh các bộ tài liệu, bây giờ đã hình thành nên các diễn đàn với sự tham gia của đông đảo các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất...
Theo ông Lê Quốc Thanh, điều đáng mừng của Đề án Khuyến nông cộng đồng là mặc dù mới ở giai đoạn thí điểm nhưng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội.
Minh chứng là Đề án đã triển khai thành lập thí điểm được 26 tổ khuyến nông cộng đồng tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu. Toàn bộ tài liệu và phương pháp luận của Đề án khi được gửi tới các địa phương, ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng và nhanh chóng bắt tay vào triển khai. Đặc biệt, có những địa phương như Hải Phòng, mặc dù không nằm trong Đề án nhưng đã triển khai rất mạnh mẽ, hiện tại đã thành lập được 135 tổ khuyến nông cộng đồng tại tất cả các xã.
Một điểm đặc biệt khác của Đề án là chưa có tiền lệ, không có mô hình mẫu nên chủ yếu dựa trên tinh thần xây dựng của cộng đồng, lấy lực lượng khuyến nông làm nòng cốt. Nhờ đó, đã thu hút được sự tham gia của đông đảo của các thành phần trong xã hội. Đây là điều hoàn toàn khác với cách làm khuyến nông trước đây.
Tuy nhiên, do không có công thức, mô hình mẫu nên vẫn phải tiếp tục thu thập thông tin, tổng hợp, đánh giá lại những điểm đã và chưa làm được, thậm chí hàng ngày, hàng giờ phải cập nhật thông tin về Đề án để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp.
“Đã có nhiều bài học thất bại vì chúng ta rập khuôn áp dụng chung một công thức hoạt động. Mỗi vùng miền, địa phương có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, văn hóa, đặc thù sản xuất... Do đó, đã gọi là khuyến nông cộng đồng thì phải lấy cộng đồng làm cốt lõi. Khi có sự tham gia của cả cộng đồng, chứng tỏ khuyến nông đã nằm trong cộng đồng”, ông Lê Quốc Thanh nêu quan điểm.
“Chúng tôi xác định, để công tác khuyến nông đạt hiệu quả, không thể chỉ đơn thuần một mình lực lượng khuyến nông nhà nước triển khai mà phải thu hút được sự tham gia của cả khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông của các tổ chức chính trị xã hội, nông dân tự làm khuyến nông, thậm chí một bài báo hay về cách làm khuyến nông, truyền tải thông tin rộng rãi đến người dân cũng là một cách làm khuyến nông”, ông Lê Quốc Thanh đánh giá.
Người làm khuyến nông phải sống tốt được bằng nghề
Từ khi hình thành đến nay, lực lượng khuyến nông đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đã có những giai đoạn khuyến nông trở thành lực lượng chủ chốt trong việc chuyển nền sản xuất từ đảm bảo đủ an ninh lương thực sang từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Tuy nhiên, sự chuyển biến không ngừng của sản xuất, bối cảnh lịch sử... đòi hỏi người làm khuyến nông phải thường xuyên nhìn lại, thiết kế, điều chỉnh hệ thống cho phù hợp. Nếu không làm điều này, chắc chắn hệ thống khuyến nông sẽ không duy trì được.
Công tác khuyến nông hiện nay sẽ đi theo con đường xã hội hóa và khuyến nông dịch vụ. Các tổ khuyến nông cộng đồng phải gắn được với HTX, người sản xuất; giúp sản xuất đi đúng hướng, đạt chuẩn... Đồng thời, phải kết nối được với các doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp phải nằm trong tổ khuyến nông.
Trước đây, chúng ta xây dựng kế hoạch, triển khai xong ngồi đợi kết quả, nhưng bây giờ phải khác, doanh nghiệp sẽ tham gia giám sát quá trình thực hiện, đưa ra những điều chỉnh kịp thời khi có vướng mắc phát sinh. Lực lượng làm công tác khuyến nông cũng vậy, từ chỗ sử dụng số lượng đông đảo chuyển sang tinh gọn bộ máy theo hướng chất lượng, chuyên nghiệp...
Tuy nhiên, một điều rất đáng tiếc là chúng ta không có hệ thống chuyên biệt để đào tạo lực lượng khuyến nông. Phải thừa nhận rằng, hiện tại chất lượng của lực lượng làm công tác khuyến nông vẫn chưa có sự đồng đều ở các tuyến. Do đó, yêu cầu bắt buộc là phải không ngừng đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp...
Một trăn trở khác mà hệ thống khuyến nông phải tìm cách tháo gỡ là làm thế nào để những người làm công tác khuyến nông ngoài việc được thỏa sức cống hiến theo đam mê thì họ có thể sống được bằng nghề. Chỉ khi cuộc sống của họ được đảm bảo thì tình yêu, sự say mê mãnh liệt với nghề nghiệp mới có thể được duy trì, hệ thống khuyến nông mới có thể trở nên lớn mạnh.
Với một nền kinh tế mở như hiện nay, khó khăn thách thức sẽ càng nhiều hơn. Tuy nhiên, đấy cũng là cơ hội cho lực lượng khuyến nông phát triển, vấn đề là chúng ta nắm bắt cơ hội ấy như thế nào?
Thiết nghĩ, nhà nước chỉ cần duy trì “bộ khung” với số lượng cán bộ khuyến nông không cần quá nhiều, nhưng phải tạo điều kiện về mặt cơ chế, chính sách cho họ hoạt động. Ngay cả khi không có sự đầu tư của nhà nước về mặt tài chính thì hệ thống ấy vẫn hoạt động hiệu quả; người làm công tác khuyến nông vẫn cảm thấy vui vẻ, yêu nghề.
“Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là tận dụng mọi nguồn lực từ nhà nước, hợp tác công tư, hợp tác quốc tế để đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp; tập trung xây dựng, đổi mới hệ thống; đa dạng các hình thức hoạt động..., đưa khuyến nông chuyển động không ngừng theo hơi thở của cuộc sống, sản xuất; trở thành điểm tựa vững chắc cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.