Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Cao Bằng có 58 sản phẩm OCOP, dự kiến hết năm 2022 sẽ có thêm ít nhất 30 sản phẩm nữa. Hiện tại, cả 10 huyện, Thành phố trên toàn tỉnh đều có các sản phẩm OCOP, thuộc 6 lĩnh vực: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, đồ lưu niệm - nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch.
Trong đó có nhiều sản phẩm nổi tiếng, có thương hiệu trên thị trường như miến dong, lạp sườn, thịt lợn hun khói, thạch đen, rượu ngô,… Các sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh, mà xuất hiện trên nhiều kệ hàng các hệ thống siêu thị lớn và các cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước.
Để có được kết quả như vậy, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Ngay tại thành phố Cao Bằng, các cơ quan chức năng cũng tạo điều kiện xây dựng các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản để người dân, khách du lịch dễ dàng tiếp cận mua về sử dụng và mang đi làm quà.
Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng cũng tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm được tổ chức, chú trọng đưa vào các hệ thống siêu thị, nơi phân phối, trưng bày và tiêu thụ hàng hóa ổn định. Ngoài ra, các sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, được chính các chủ thể tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức.
Không chỉ vậy, tỉnh Cao Bằng cũng xây dựng nhiều Website giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện và hỗ trợ các chủ thể đưa hàng hóa lên các chợ thương mại điện tử, trên các mạng xã hội. Tất cả những điều đó, chính là điều kiện thuận lợi để sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng được vươn ra thị trường.
Theo ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Cao Bằng: Trong năm 2022, tỉnh Cao Bẳng định hướng phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, hướng đến sản phẩm chất lượng cao. Nhấn mạnh việc sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải, không làm theo phong trào. Trọng tâm của tỉnh là hỗ trợ chủ thể đầu tư chế biến sâu theo chuỗi liên kết và đẩy mạnh công tác quảng bá, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP trên thị trường. Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, định hướng các mặt hàng ngày càng được nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Ngoài những giải pháp kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nói trên, tỉnh Cao Bằng xác định việc ẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình. Đặc biệt là xây dựng hệ thống phân phối, bán hàng đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền; liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội, tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp. Kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP lan tỏa rộng rãi trên thị trường, tạo động lực để các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm.
Đối với các đơn vị sản xuất, tỉnh Cao Bằng tạo mọi điều kiện phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn. Từ đó hình thành sản xuất theo vùng hàng hóa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, qua đó đảm bảo có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.