| Hotline: 0983.970.780

Cao su đối mặt khủng hoảng nguồn cung

Thứ Tư 17/03/2021 , 08:16 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu, giá cả, dịch bệnh đang đe dọa nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu. Liệu đã đến lúc thế giới phải tìm sản phẩm thay thế trước khi quá muộn?

Một nhân công người Campuchia đang thu hoạch mủ cao su. Ảnh: globalrubbermarkets.com.

Một nhân công người Campuchia đang thu hoạch mủ cao su. Ảnh: globalrubbermarkets.com.

Cao su tự nhiên là vật liệu độc đáo, dẻo dai và có khả năng chống thấm cao. Nó là nguyên liệu chính làm ra lốp xe, đế giày, gioăng cho động cơ và rất nhiều bộ phận trong các thiết bị điện, thiết bị gia dụng.

Trên thực tế, cao su được coi là một mặt hàng có tầm quan trọng toàn cầu đến mức nó được đưa vào danh sách các nguyên liệu thô đặc biệt quan trọng của EU.

Thật không may, có những dấu hiệu cho thấy thế giới có thể đang cạn kiệt cao su tự nhiên. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu và giá cả lao dốc đã khiến nguồn cung cao su trên thế giới gặp khủng hoảng. Trước tình trạng đó, các nhà khoa học đang phải tìm kiếm giải pháp trước khi quá muộn.

Nhưng do đâu mà một mặt hàng quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống như vậy lại rơi vào tình trạng khủng hoảng như vậy ngay từ đầu?

Nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu - khoảng 20 triệu tấn mỗi năm - được sản xuất phần lớn bởi các nông hộ nhỏ lẻ ở vùng khí hậu nhiệt đới, tập trung ở Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Tây Phi. Những nông dân này cung cấp 85% nguồn cung cao su tự nhiên của thế giới.

Nhưng nguồn cung này đang bị đe dọa. Là một loài cây bản địa của rừng nhiệt đới Brazil, cây cao su Hevea brasiliensis không còn được trồng thương mại tại nước này do bệnh cháy lá Nam Mỹ lan rộng, một mầm bệnh thảm khốc từng kết liễu ngành công nghiệp cao su Brazil vào những năm 1930. Các biện pháp kiểm soát kiểm dịch nghiêm ngặt đã ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cả khu vực Nam Mỹ, nhưng không tránh khỏi việc dịch lan đến châu Á.

Trong khi đó, nông dân ở các nơi khác trên thế giới vẫn phải đối mặt với các mầm bệnh khác như bệnh trắng rễ và các bệnh cháy lá.

Biến đổi khí hậu cũng đang gây ra hậu quả nghiêm trọng. Sản lượng cao su của Thái Lan đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán và lũ lụt trong những năm gần đây, chưa kể vi khuẩn gây bệnh không kiểm soát được trên khắp các vùng trồng trọt.

Mặc dù cao su tổng hợp có thể được sản xuất từ sản phẩm hóa dầu, nhưng cao su tự nhiên có những đặc tính độc đáo mà ngay cả những chất tổng hợp này cũng không thể sánh được: Găng tay cao su tự nhiên có khả năng chống rách tốt hơn găng tay nitrile, trong khi lốp máy bay sử dụng cao su tự nhiên vì độ đàn hồi cao và khả năng chống nhiệt đặc biệt lúc tích tụ do ma sát trong quá trình hạ cánh.

Nhu cầu cao su ngày càng tăng đi kèm nguồn cung thiếu hụt ngỡ tưởng là tin tốt cho người trồng, giúp phát triển cao su thuận lợi hơn. Nhưng thực tế vấn đề không đơn giản như vậy. Giá cao su được thiết lập bởi Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải, nơi các nhà môi giới đầu cơ giá trị của cao su gắn với vàng, nhôm và nhiên liệu.

Robert Meyer, đồng sáng lập công ty kinh doanh cao su Halcyon Agri, giải thích: “Việc định giá không liên quan gì đến chi phí sản xuất. Do sự neo giá cao su với các mặt hàng khác, giá mỗi tấn có thể thay đổi gấp 3 lần từ tháng này sang tháng sau, và trong những năm gần đây đã được giữ ở giá trị rất thấp”.

Cơ chế định giá đó “trở mặt” gây hại cho nguồn cung. “Công thức các hộ nông dân mặc định là thu nhập bằng giá nhân với khối lượng”, theo Meyer. Giá thấp thúc họ tăng sản xuất nên khai thác mủ quá nhiều là sức khỏe cây suy yếu, dễ nhiễm bệnh. Giá thấp cũng không khuyến khích việc trồng cây mới để thay thế những cây đã hết tuổi thọ và nhiều nông dân đã bỏ rừng trồng hoàn toàn.

Eleanor Warren-Thomas, nhà nghiên cứu tại Đại học Bangor (Xứ Wales) đưa ra một phân tích khác: “Kiếm tiền từ cây cọ dầu và cao su tự nhiên ngang nhau trên một đơn vị diện tích đất, nhưng lao động đầu vào của cao su cao hơn. Khi giá cao su giảm, nông dân chuyển sang bán gỗ để thu lợi nhuận ngắn hạn và thay bằng cây cọ dầu".

Tổng hợp các yếu tố này dẫn đến nhận định nguồn cung cao su tự nhiên thế giới không theo kịp nhu cầu. Vào cuối năm 2019, Hội đồng Cao su quốc tế cảnh báo nguồn cung toàn cầu sẽ giảm 900.000 tấn vào năm 2020, khoảng 7% sản lượng.

Rồi đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến làm tụt giảm nhu cầu nguyên liệu ngay lập tức. Phong tỏa, giãn cách dẫn đến hạn chế đi lại, phương tiện ít lưu thông, tiêu thụ chậm đánh cú nốc-ao với ngành cao su vì lĩnh vực sản xuất lốp xe bị đóng băng.

Ấy vậy nhưng khi các biện pháp phong tỏa được gỡ bỏ, người dân Trung Quốc mua sắm lượng lớn ô tô mới do lo ngại về phương tiện công cộng, dẫn đến khủng hoảng nguồn cung. Theo Meyer, “thế giới đang thiếu cao su trầm trọng, lượng hàng lưu kho của các nhà sản xuất lốp xe còn rất thấp”.

Lời giải dễ hình dung ra là trồng nhiều cây cao su hơn. Lúc này, do khan hiếm cao su và giá cả leo thang, nông dân sẽ có động cơ phá rừng mưa nhiệt đới để trồng thêm cao su, có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc mất đa dạng sinh học. Một ví dụ là năm 2011, nhu cầu lớn của Trung Quốc làm giá cao su tăng đột biến, dẫn đến nạn phá / chuyển đổi mục đích rừng trên diện rộng ở cả khu vực Đông Nam Á để tìm kiếm lợi nhuận. Riêng tại Campuchia, một thống kê cho thấy các đồn điền cao su là nguyên nhân của 1/4 số vụ phá rừng.

Một lựa chọn khác là từ bỏ hoàn toàn giống Hevea brasiliensis. Tại Đại học bang Ohio, các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những loại cây có thể thay thế cây cao su.

Một trong số đó là Taraxacum kok-saghyz (một loại bồ công anh), một loại cây cỏ nhỏ được người Nga trồng khi nguồn cung cao su châu Á bị đe dọa trong Thế chiến thứ hai (Mỹ cũng thử nghiệm nó như một loại cây cao su khẩn cấp). Cây bồ công anh chỉ tạo ra lượng cao su trên một mẫu Anh bằng 1/10 so với cây cao su, nhưng cách nghiền nát và ép rễ để lấy nguyên liệu cộng thêm thời vụ thu hoạch chỉ trong vòng 3 tháng khiến nó là lựa chọn thay thế không tồi.

Cũng từ bồ công anh, Viện nghiên cứu Fraunhofer ISC của Đức đã tạo ra loại cao su sản xuất lốp có tên Biskya có khả năng chống mài mòn vượt trội so với cao su thông thường. Viện còn lập ra được quy trình sản xuất cho phép thu nhựa bồ cong anh 5 lần/năm.

Còn một loại cây nữa hứa hẹn tiềm năng là guayule - cây bụi thân gỗ mọc ở sa mạc giáp biên giới Mỹ và Mexico. Theo nghiên cứu, guayule có đặc tính hóa học giống cao su tự nhiên nhưng không chứa các protein gây dị ứng cao su. Chỉ mất 2 năm đầu tư ban đầu, guayule có thể cho thu hoạch hàng năm, trong khi thời gian của cao su tự nhiên là 7 năm.

Nhiều khách hàng cao su lớn như Bridgestone, Continental hay Goodyear đang tính đến giải pháp bền vững về nguyên liệu. Họ đã ký với Tổ chức toàn cầu vì phát triển cao su bền vững thỏa thuận truy xuất nguồn gốc nhằm tiến tới chấm dứt sử dụng nguyên liệu từ cây cao su trồng trên vùng phá rừng.

Warren-Thomas bổ sung "(ngành công nghiệp chế biến) phải hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ làm những gì tốt nhất có thể, giúp họ có khả năng chống chọi với các cú sốc về giá”.

Như Robert Meyer tiết lộ, đang có một nhóm vận động để ấn định giá tối thiểu cho cao su tự nhiên, tương tự chương trình thương mại công bằng với cây cà phê, ca cao. “Làm được điều đó sẽ giúp cây cao su phát triển hài hòa, ổn định nguồn cung”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.