| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách bảo vệ bờ biển xã đảo Tam Hải

Thứ Ba 08/08/2017 , 14:05 (GMT+7)

Tình trạng sạt lở ở khu vực bờ biển thuộc xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

10-01-37_nnvn_1
Tại nhiều vị trí, sóng biển đã đánh vỡ bờ kè lấn sâu vào đất liền

Trong những năm qua, cứ đến mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở bờ biển xã đảo Tam Hải lại diễn ra. Mỗi năm, bờ biển nơi đây bị sóng đánh sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền từ 5 - 10m đất, nhấn chìm nhiều nhà cửa, đất đai của người dân. Nhiều hộ dân phải bỏ lại nhà cửa để di dời đến nơi khác.

Gia đình ông Võ Minh Công (71 tuổi) là một trong 6 hộ dân của xóm 3, thôn Bình Trung (xã Tam Hải) vẫn đang bám trụ lại, chưa biết sẽ di dời nhà đi đâu. Ông Công buồn rầu: “Xóm 3 nằm ở khu vực cửa sông Trường Giang đổ ra biển nên sạt lở đã diễn ra từ lâu. Năm nay mặc dù không có gió bão lớn, khu vực này vẫn sạt lở rất nhanh làm người dân không kịp trở tay ứng phó. Nước biển đang tiến sát vào tận vườn nhà tôi”.

Cùng với thôn Bình Trung, các thôn Tân Lập, Thuận An cũng đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: “Trong 10 năm trở lại đây, nước biển xâm thực sâu vào đất liền hơn 50m. Mấy năm trước, làng Thuận An còn có những hàng dừa và phi lao dọc ven biển, nhưng bây giờ đã bị sóng biển bứng trơ gốc. Làn sóng nuôi tôm ồ ạt làm biến mất nhiều cánh rừng phi lao chắn gió bão nên mức độ tàn phá của thiên tai nặng nề hơn”.

Năm 2012, BQL Khu kinh tế mở Chu Lai có hỗ trợ địa phương xây dựng bờ kè biển dài 1,8km với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện phần cuối bờ kè với chiều dài 200m nằm ở thôn Tân Lập đã bị sóng biển đánh sập, cuốn đi những vệt rừng phòng hộ phía bên trong bờ kè. Đoạn kè bị hư hỏng, sạt lở khiến tình trạng xói mòn, xâm thực bờ biển sâu vào thôn Thuận An, tiếp giáp của 2 thôn này.

Xã đảo Tam Hải bị bao bọc bởi 4 bề sông nước, cách trở, khiến đời sống người dân nơi đây không ít khó khăn. Sống chung với sạt lở, càng khiến họ điêu đứng hơn. “Rừng phòng hộ đã bị biển phá và rồi sẽ bị vỡ. Nước biển đánh tan tác vào đất liền ngày một sâu, rộng hơn. Chỉ vài năm nữa thôi khu dân cư của chúng tôi cũng bị sóng chiếm nốt”, ông Nguyễn Hộ, thôn Tân Lập nói.

10-01-37_nnvn_2
Tình trạng xâm thực ngày càng nghiêm trọng

Để hạn chế tình trạng sạt lở, chính quyền địa phương và người dân xã Tam Hải đã trồng được 17ha rừng ngập mặn chống sạt lở, bên cạnh rừng nguyên sinh ngập mặn xã này đang có là 50ha. Tuy nhiên, đó là giải pháp về lâu dài, còn trước mắt cần đầu tư xây dựng bờ kè.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa khẩn cấp kè chống sạt lở bờ biển tại thôn Tân Lập và thôn Thuận An (xã Tam Hải), với tổng vốn đầu tư gần 21,5 tỷ đồng. Gồm các hạng mục: Xây dựng tuyến kè dài khoảng 340m (trong đó, đoạn sửa chữa dài 143,5m, đoạn làm mới dài 196,5m), xây dựng một cống tiêu nước và một số hạng mục khác. BQL dự án Đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện trong 2 năm 2017 - 2018.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, mục tiêu đầu tư xây kè nhằm bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của gần 200 hộ dân sinh sống tại xã Tam Hải; bảo vệ ổn định, bền vững lâu dài tuyến kè đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện ổn định đời sống dân cư và phát triển sản xuất của nhân dân trong khu vực; chống xâm thực bờ biển vùng cửa sông khu vực vịnh An Hòa.

 

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.