| Hotline: 0983.970.780

Cậu bé nghèo người Ca Dong mắc bệnh lạ

Thứ Sáu 05/10/2012 , 10:21 (GMT+7)

Mọi người xung quanh làng vẫn gọi cậu bé ấy với cái tên “cậu bé người ngoài hành tinh”, bởi năm nay mới được gần 3 tuổi nhưng bé đã có chiếc đầu to một cách lạ thường...

Mọi người xung quanh làng vẫn gọi cậu bé ấy với cái tên “cậu bé người ngoài hành tinh”, bởi năm nay mới được gần 3 tuổi nhưng bé đã có chiếc đầu to một cách lạ thường, nhìn không khác gì những nhân vật người ngoài hành tinh có khuôn mặt và chiếc đầu quá cỡ.

Chúng tôi lần theo con đường rất đẹp trên dãy Trường Sơn, tìm về thôn 5, xã Trà Giác (Bắc Trà My, Quảng Nam) để hỏi thăm về cậu bé có cái đầu kỳ lạ tên Trần Văn Hoài (3 tuổi, dân tộc Ca Dong, xã Trà Giác- Bắc Trà My). Ngược lên những con dốc cao ngút trời, một thôn nghèo thuộc khu tái định cư thủy điện sông Tranh nằm cheo leo trên sườn núi.

Hỏi mấy người dân ở đầu thôn, họ tận tình chỉ dẫn: “Hỏi nhà thằng người ngoài hành tinh hả? Nhà nó ở cuối thôn ấy! Xuống hết mấy con dốc cao kia là tới đó. Mà chắc mẹ nó đi lên rẫy rồi. Các anh lên cho nó tiền đi, nhà nó tội lắm!”.

Theo lời của những người dân, chúng tôi tìm mãi mới thấy căn nhà gỗ nhỏ cửa đóng im ỉm, gọi mãi nhưng không thấy tiếng ai trả lời. Anh Hồ Văn Búc, nhà bên cạnh mới chạy ra nói: “Mẹ nó đi rẫy hái trái bắp rồi. Nó ở nhà ông bà ngoại ở dưới kia kìa. Để tôi dẫn các anh đi!”.

Dẫn chúng tôi vào nhà, anh Búc nói với ông Hồ Văn Noi (75 tuổi, ông ngoại cậu bé Hoài) bằng tiếng Ca Dong khi ông đang cố dỗ dành những tiếng khóc khó khăn đứt quãng như những tiếng ré của cậu bé Hoài. Ông Noi nói tiếng Kinh rất khó khăn nên chúng tôi đành phải nhờ anh Búc dịch lại.

Ông Noi bảo: “Mẹ nó đi rẫy rồi. Nhà không có gì ăn phải lên rẫy bẻ trái bắp khô về nấu cháo cho nó ăn. Gạo không còn nữa, ăn bắp mấy ngày nay rồi. Nó đói nên nó khóc thế đấy!” rồi ông Noi nhờ người chạy lên rẫy gọi chị Hồ Thị Lệ (27 tuổi, mẹ cháu Hoài) về để tiếp chuyện chúng tôi.

Thấy có người lạ đến nhà, cậu bé thôi không khóc nhưng đôi mắt trợn tròn đảo liên tục rồi ứa nước mắt, kèm theo là những dòng rãi chảy xuống khiến cậu bé phải lấy lưỡi liếm liên tục. Tay, chân cậu co quắp lại không cử động được, ngoại trừ cái đầu to quá cỡ, phần còn lại của cơ thể từ cổ xuống chân gầy đét chỉ còn da bọc xương.


Với cái đầu to kỳ dị và cơ thể teo tóp, bé Hoài đang sống dở chết dở 
vì bị coi là “ma rừng”

Chúng tôi ước tính chiều cao của cậu bé Hoài vỏn vẹn chưa đầy 60 cm, cân nặng chưa tới 15kg, riêng cái đầu to một cách lạ thường chiếm gần một nửa kích thước và trọng lượng toàn bộ cơ thể. Rọi ánh sáng vào đầu bé, chúng tôi thấy nhiều chất lỏng như nước.

Ông Noi cho biết, ban đầu khi mọi người nhìn thấy cậu bé có cái đầu to kỳ dị như thế, tất cả đều sợ hãi và cho rằng đó là “con ma rừng của làng”. Ông Noi và bà Hồ Thị Bí (bà ngoại của Hoài) cũng đã mất mấy con heo để cúng “ma rừng”, cúng làng nhưng đầu đứa cháu chẳng thấy nhỏ lại mà ngày càng to ra, mọi người lại càng sợ hãi hơn và lánh xa khiến ông bà cũng không dám đi đến nhà người khác, luôn bị xua đuổi vì nhà có con “ma rừng”.

Đang trò chuyện với ông Noi thì mẹ cháu bé về, chị Hồ Thị Lệ vừa lau mặt cho con, vừa tâm sự với chúng tôi: “Lúc mang thai các bác sỹ bảo không nên sinh ở nhà vì có nhiều dấu hiệu bất thường, thế nên em cũng xuống trạm y tế xã sinh nở nhưng không có chuyện gì xảy ra. Lúc mới sinh ra, cháu cũng bình thường như bao đứa trẻ khác thôi. Rồi đến khi 2 tháng tuổi, em đưa cháu đi tiêm chủng thì các bác sĩ phát hiện sau đầu bé có một khối u nhưng không rõ u gì".

"Rồi sau đó em ẵm con xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam (TP Tam Kỳ) để khám nhưng các bác sỹ lắc đầu không biết bệnh gì. Thế là em đành đưa cháu về nhà. Mấy tháng trước em có vay mượn khắp nơi được gần 7 triệu rồi đưa cháu ra Đà Nẵng khám và điều trị, nhưng các bác sỹ ở đây cũng chưa biết được bệnh. Các bác sỹ bảo phải để cháu nằm lại kiểm tra lâu dài mới biết, nhưng rồi hết tiền nên em lại đưa con về”, chị Lệ kể tiếp.

Nhiều người dân khi thấy chúng tôi đến cũng lần mò sang, mỗi người một lời kể về hoàn cảnh của mẹ con chị Lệ. Anh Việt, chồng chị Lệ bỏ rơi mẹ con chị, thế nhưng ngay cả gia đình chồng chị Lệ cũng không đoái hoài gì đến đứa cháu nội bệnh tật. Viện lý do chị Lệ sinh ra con “ma rừng”, khiến anh Việt mắc tội với gia đình và với dân làng nên chị Lệ phải chịu trách nhiệm, phải tự nuôi con và đưa con đi chữa bệnh cũng như để anh Việt đi lấy vợ khác.

Đứa con gái lớn của chị Lệ năm nay đã lên lớp 2, nhưng không có sách vở, không có quần áo mặc đến lớp, mỗi ngày chị Lệ phải dậy từ 4 giờ sáng dắt con qua nhiều dốc núi để đến lớp, rồi trở về trông chừng đứa con bệnh tật nên không làm ăn gì được, trong khi cha mẹ chị đã quá già, không thể lên rẫy như những người khác. Cái ăn trong nhà không biết kiếm đâu ra, chỉ trông chờ vào bà con trong thôn cứu giúp.

Chị Lệ ngậm ngùi cho biết: “Từ khi dời nhà lên đây theo diện tái định cư thủy điện Sông Tranh, không có rẫy để làm, mà rẫy cũ thì xa đi về mất cả ngày đường nên không làm được. Thi thoảng đến mùa lúa hay mùa bắp đi làm thuê cho người ta, lấy mấy ký gạo, mấy gùi bắp mang về nấu cháo cả nhà cùng ăn. Bữa trước mượn tiền người ta đưa bé Hoài đi bệnh viện giờ không có tiền trả, người ta đến đòi miết mà không biết làm gì ra tiền đây”. Nói rồi chị lại quệt nước mắt.

Ông Hồ Văn Phít, trưởng thôn 5 (xã Trà Giác) cho biết: “Ban đầu khi thấy bệnh của cháu Hoài như thế, mọi người trong làng ai cũng sợ, nhưng chúng tôi đã phân tích, tuyên truyền rằng đó là bệnh chứ không phải do ma rừng làm nên thời gian sau người dân không còn hoang mang nữa. Sau này có người thương hoàn cảnh ba mẹ con chị Lệ nên cũng thi thoảng mang gạo, mang bắp đến cho. Nhưng như anh thấy đấy, người dân tộc chúng tôi còn nghèo, giúp mấy mẹ con chị Lệ được chừng nào thì tốt chừng ấy thôi. Tôi cũng đã đề nghị lên xã xem cháu có được khoản trợ cấp tật nguyền nào đó để bớt khó khăn cho mẹ con chị Lệ. Tuy nhiên xã chưa trả lời. Chúng tôi cũng mong các nhà hảo tâm giúp đỡ cho mẹ con chị ấy qua cảnh ngặt nghèo này!”

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Chị Hồ Thị Lệ (thôn 5, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam). ĐT: 01693 017293. Hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tử Trọng, TP. Cần Thơ, ĐT: 0710.3845431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm