| Hotline: 0983.970.780

Cây mắc ca bên kia biên giới: Trông người, nghĩ về ta

Thứ Năm 04/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Thời kỳ đầu phát triển mắc ca, nông dân Trung Quốc cũng bị lúng túng trong lựa chọn giống, do thiếu hiểu biết nên rất nhiều diện tích trồng bằng giống thực sinh... 

Tham quan vườn sản xuất giống mắc ca tại Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Trần Cao.

Tham quan vườn sản xuất giống mắc ca tại Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Trần Cao.

Có tới hơn 20 cán bộ chủ chốt Ban chỉ đạo phát triển mắc ca của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) gồm giám đốc, phó giám đốc, cán bộ khối sản phẩm, giám sát kinh doanh, quản lý rủi ro, đối ngoại, truyền thông do Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng dẫn đầu sang Quảng Tây xem trồng mắc ca.

Với ông Hưởng, cán bộ ngân hàng, hơn ai hết cần phải bám sát thực tế. Có thực tế để đầu tư trúng, tránh đánh mất cơ hội.

Tôi hiểu. Đây là thời kỳ dòng vốn dịch chuyển rất mạnh về hướng sản xuất. Bởi thiên hạ không thể mãi ném tiền vào đất đai, các loại bất động sản, vàng bạc hay chứng khoán mà dòng tiền trước sau phải chảy vào sản xuất, trong đó đầu tư nông nghiệp là một lựa chọn, thậm chí là kênh đầu tư hấp dẫn, nhiều DN lớn hết sức quan tâm và đã vào cuộc.

Con đường công nghiệp hóa nông thôn trước sau cũng phải đi, đích đến xa hay gần không ai khác chính do DN quyết định. Ngân hàng, nơi khởi nguồn khơi thông vốn chảy về nông thôn, dù trách nhiệm nặng nề, rủi ro cao, nhưng không thể khoanh tay đứng nhìn.

Trên báo chí, con số 70% sổ đỏ nông dân ĐBSCL nằm ở ngân hàng, cho thấy nông dân quá đói vốn sản xuất. Nông dân đang cần vốn tái canh hàng trăm ngàn ha cà phê, hàng chục ngàn ha điều; ngư dân đang cần hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đóng tàu lớn vươn khơi; chuyện làng quê đâu đó vẫn còn bão tín dụng đen, có phần trách nhiệm ngân hàng.

TS Hưởng nói, chẳng riêng gì cây mắc ca, ông yêu cầu cán bộ ngân hàng ông phải biết cụ thể SX đang muốn gì, cần gì. Tổng dư nợ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hiện tại đạt 55.000 tỷ đồng thì chiếm 40% cho vay khu vực nông thôn.

Kế hoạch đến cuối năm nay, tổng dư nợ 82.000 tỷ trong đó cho vay khu vực nông thôn không hề nhỏ. Hiểu cơ sở, bám sát cơ sở là nhiệm vụ hàng đầu lúc này đối với những người làm ngân hàng.

Ông Hưởng nói: "Sang Quảng Tây thấy họ không mấy lợi thế trồng mắc ca nhưng vẫn phát triển được, đấy là điều chúng ta phải học hỏi. Chúng ta tuy đi sau, vẫn có lợi thế của người đi sau, đừng dẫm lên thất bại người đi trước, học cách người ta làm, từ nghiên cứu giống, kỹ thuật trồng đến quy hoạch.

Tôi nghĩ vấn đề này chúng tôi đã có câu trả lời. Chưa nói Tây Nguyên chính là điều kiện lý tưởng trồng mắc ca số một thế giới, thuận lợi hơn xa Trung Quốc, nên không có lý gì chúng ta không phát triển được, để đem lại thu nhập cao hơn cho đồng bào Tây Nguyên".

*

Từ Long Châu, mất 3 giờ xe chạy, chúng tôi về huyện Phú Thủy xem trang trại mắc ca 280 ha. Trang trại của Cty TNHH Kim Quang, thành lập năm 2005 tại xã Xương Bình, vốn đầu tư 66 triệu nhân dân tệ (230 tỷ VND).

Đây vốn là đất nông trường quốc doanh làm ăn thua lỗ, nhà nước thu hồi đất giao cho tư nhân thuê, sử dụng. Lúc bàn giao đất có sẵn 120 ha mắc ca nhưng chất lượng thấp.

Năm 2006 Cty Kim Quang tiến hành mở rộng diện tích mắc ca với các giống OC, OV, 65, GR1, JW, để rồi đến năm 2013 được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công nhận “Vườn cây mắc ca tiêu chuẩn hóa”.

Cty có vườn ươm 400.000 cây giống, năm 2015 dự kiến xuất bán 60.000 cây giống thu 1,5 triệu nhân dân tệ (5,25 tỷ VND). Còn sản lượng quả, năm 2014 là 410 tấn, giá trị 10 triệu nhân dân tệ (35 tỷ VND). Năm 2015 dự kiến sản lượng tăng hơn vì nhiều diện tích mới trồng năng suất đang tăng trưởng mạnh.

Tham vọng của Cty Kim Quang là tiếp tục mở rộng vùng mắc ca bằng cách liên kết với các hộ dân quanh vùng cùng trồng, đảm bảo đủ diện tích để xây dựng một nhà máy chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm.

Chúng tôi thực sự ấn tượng vườn mắc ca chạy dài cả cây số, độ đồng đều rất cao, đúng hàng lối, khoảng cách, mật độ. Giống mắc ca mới GR1, JW thật tuyệt vời, quả trĩu trịt, cây trồng 7-8 tuổi mà dự kiến thu 15-20kg/cây. Cty còn dự tính nuôi gà thả dưới tán mắc ca tạo thành một chuỗi thu nhập hoàn hảo hơn.

Một vùng đất, một loại cây trồng, giao cho tư nhân quản lý, sử dụng hiệu quả hơn hẳn.

*

Chúng tôi trở về TP Nam Ninh, sáng hôm sau đi huyện Cẩm Khê tìm hiểu mô hình hiệp hội mắc ca cấp huyện. Mất 4 giờ xe chạy. Phải nói Quảng Tây không có lợi thế trồng mắc ca khi đất đai cằn cỗi, tầng đất canh tác nông, vùng trồng được mắc ca ít, phân tán. Bù lại nơi trồng được, hiệu quả kinh tế khá cao.

vuon-uom-8185841739

Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Cẩm Khê, ông Lương Thiết Thụ có 30 mẫu (2ha) mắc ca giống OC, 65, 788 từ 8-10 năm tuổi, mỗi năm cho tổng thu 50-60 vạn nhân dân tệ.

Bà Lâm Xướng, Phó chủ tịch Hiệp hội mắc ca có 140 mẫu mắc ca, mỗi năm thu lợi 100 vạn nhân dân tệ (3,5 tỷ VND). Mắc ca đến kỳ thu hoạch là có thương nhân đến đặt cọc, thu mua từ 14-30 nhân dân tệ/kg quả theo phân loại tốt xấu.

Cẩm Khê là huyện miền núi nghèo thuộc thị Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây, giáp Quảng Đông. Diện tích 2.800 km2; dân số 76 vạn người. Đất đai phần lớn đồi núi, cây trồng chính là bạch đàn, thông, chè, lúa, cam, quýt, nhãn, vải...

Mắc ca bắt đầu được đưa vào trồng 10 năm nay, chủ yếu ở những vùng trồng cam và cây ăn quả bị dịch bệnh tàn phá. Hiện diện tích mắc ca toàn huyện 3.700 ha.

Hiệp hội Mắc ca Cẩm Khê mới được thành lập, có 500 hội viên, gồm 10 DN, HTX, và hộ nông dân tham gia. Hiệp hội có vai trò chính giúp đỡ các thành viên trồng mắc ca, bao tiêu sản phẩm và đặc biệt liên kết sản xuất giống mắc ca cung cấp cho vùng Lưỡng Quảng.

Thành viên Hiệp hội có nhiều chủ vườn ươm lớn: 40 vạn, 50 vạn, 1,5 triệu cây giống. Các vườn ươm đương nhiên phải đạt tiêu chuẩn, cây giống bán ra thị trường đều là giống ghép đảm bảo chất lượng do cơ quan quản lý nông nghiệp của huyện chứng nhận.

Giống xuất vườn phải đạt 2-2,5 tuổi (gốc ghép 1,5 tuổi, sau khi ghép mắt tối thiểu nửa năm sau mới được xuất bán). Giá giống 20-25 nhân dân tệ (70-85 ngàn đồng)/cây ghép.

Nói chuyện giống ghép. Thời kỳ đầu phát triển mắc ca, nông dân Trung Quốc cũng bị lúng túng trong lựa chọn giống, do thiếu hiểu biết nên rất nhiều diện tích trồng bằng giống thực sinh hay giống gieo từ hạt, cây bị phân ly mạnh, chất lượng thấp, độ đồng đều không cao, lâu cho quả.

Thực tế này lý giải vì sao hiện nay Trung Quốc có đến 10.000 ha mắc ca cho thu hoạch nhưng tổng sản lượng chỉ đạt 12.000 tấn, nguyên nhân chính bởi phần lớn diện tích đang cho thu hoạch này là cây trồng thực sinh, năng suất, chất lượng thấp.

Cho mãi tới 2007, cơ bản nông dân mới nhận thức hết trồng mắc ca phải từ giống cây ghép mới đạt độ đồng đều, chất lượng như mong muốn và đặc biệt rút ngắn thời gian thu hoạch (cây giống ghép trồng 3 năm là cho quả), mở ra thời kỳ mới về phát triển mắc ca của Trung Quốc.

Tôi chợt nghĩ bên đất nước mình, mắc ca trồng bằng cây thực sinh vẫn phổ biến, rồi đây những người nông dân đó sẽ phải trả giá đắt vì thiếu hiểu biết.

Đến như một người được gọi là “vua” mắc ca ở Lâm Đồng mà Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu gần đây, đầu tư hàng chục tỷ trồng trên trăm ha mắc ca mà chẳng tham vấn ai, chẳng có ai chỉ bảo thành ra cả vườn mắc ca rộng lớn đó của “vua” chỉ toàn giống thực sinh, tiên lượng hiệu quả sẽ rất thấp.

TS Hưởng bảo tôi, anh không thuyết phục được ông “vua” này khi chính anh từng đến tận vườn mắc ca của “vua”, tư vấn nên ghép cải tạo lại vườn cây, nhưng “vua” kiên quyết từ chối vì nghĩ cây trồng lên sẽ gãy phần... ghép!

Đó là sự đầu tư có thể coi là mông muội và sẽ không có ngân hàng nào rót vốn vào đấy, nếu không thay đổi.

Đêm ấy chúng tôi ở lại Cẩm Khê. Những người trong Hiệp hội mắc ca thật dễ gần, thân thiện. Sau bữa cơm chiều, tất cả lại vội vàng kéo nhau về khách sạn hội thảo, bàn chuyện liên doanh liên kết giúp nhau cùng phát triển... 

“Từ chuyến tham quan mắc ca ở Trung Quốc chúng tôi thấy bên họ điều kiện tự nhiên không thuận lợi vẫn phát triển được mắc ca, cho hiệu quả kinh tế khá cao, nên không lý gì chúng ta không làm được, nhất là vùng Tây Nguyên.

Hiện nay, Cty Him Lam, là DN hợp tác phát triển mắc ca cùng ngân hàng chúng tôi, đã tiến hành thuê chuyên gia nghiên cứu giống ở Lâm Đồng theo đúng quy trình khoa học với mục tiêu tạo cây giống tốt, giá rẻ hơn thị trường hiện nay; đồng thời tháng 7/2015 sẽ khởi công hai nhà máy chế biến mắc ca tại Đà Lạt và Bình Dương sau đó sẽ đến từng vườn mắc ca ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Riêng NH Liên Việt đã ban hành sản phẩm cho vay phát triển mắc ca; đã ký kết với các tổ chức bảo hiểm để bảo hiểm tiền vay liên quan đến mắc ca và đang rà soát các cơ sở cung cấp giống tốt, ký thỏa thuận hợp tác cung cấp cây giống, bàn giao kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca”.

(Ông Nguyễn Đức Hưởng, PCT Thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt).

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.