Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là đơn vị cùng Tập đoàn Him Lam triển khai trồng 200.000 ha mắc ca tại Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt
Dự định táo bạo
Ông Hưởng nói: Chúng tôi tính, trong vòng 5 năm nữa, tổng tài sản của chúng tôi sẽ tăng lên khoảng 200-300 ngàn tỷ rồi. Vậy thì có bỏ ra 20.000 tỷ đồng, là không thấm tháp gì.
Cơ sở nào để Tập đoàn Him Lam cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt quyết định đầu tư một cách mạnh mẽ vào cây mắc ca như vậy, thưa ông?
Hai năm qua, chúng tôi đã thuê chuyên gia nghiên cứu, đúc kết và kết luận rõ Tây Nguyên là vùng rất thích hợp để trồng cây mắc ca.
Nhưng để dự án này thành công, các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành cần vào cuộc giúp nông dân, chúng tôi sẽ là người đầu tư vốn. Xin nói thêm, hiện Tập đoàn Him Lam đã trở thành thành viên của Hiệp hội Mắc ca Úc và phía Úc sẽ giúp Him Lam từ quy trình kỹ thuật, thiết bị đến bao tiêu sản phẩm.
Đó là tín hiệu tốt để phát triển cây mắc ca ở Việt Nam.
Có một số ý kiến cho rằng, kỳ vọng làm giàu từ cây mắc ca là hoang tưởng?
Tôi nghĩ, chính những người phát ngôn ra câu đấy mới là hoang tưởng. Vì thực tế, có những người chỉ thu thập thông tin trên mạng, họ không có thực tế hoặc họ chỉ đến những vùng trồng mắc ca ở miền Bắc.
Đúng là có một số viện nghiên cứu cũng trồng và nghiên cứu về cây mắc ca, nhưng không tuân thủ đúng mật độ trồng và kỹ thuật chăm sóc, do đó năng suất kém.
Chúng tôi đã trực tiếp thăm nhiều vùng trồng mắc ca ở Tây Nguyên, thấy rằng có những thông tin phát ra chưa đúng với năng suất thực tế tại các vườn mắc ca ở đây.
Ví dụ, vườn mắc ca của hộ ông Ba ở Đơn Dương (Lâm Đồng), năng suất đạt trung bình 25 kg hạt/cây. Mỗi ha 400 cây. Ông bán luôn tại vườn từ 300 – 500 ngàn đồng/kg. Tính ra thu gần 4 tỷ/ha chứ không phải mấy trăm triệu đâu.
Ở Tây Nguyên, trước đây nhà nào nghe bác Tạn (cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn) trồng cây mắc ca thì bây giờ giàu. Nghe nông dân phát biểu, Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng phải bất ngờ vì tại sao lại có một cây giá trị như vậy.
Trước đây, chính các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên cũng chống, vì đây là cây lạ, họ không cho trồng xen với cà phê. Còn bây giờ thì có thể khẳng định, những vườn cây cà phê nào trồng xen với cây mắc ca lại cho năng suất rất tốt.
Mắc ca vừa làm cây bóng mát cho cà phê, đồng thời rễ của nó lại góp phần làm tơi xốp đất. Hiệu quả kinh tế mô hình trồng xen này có thể nói cao nhất.
Xin nói thêm, chúng tôi làm không hẳn hoàn toàn vì lợi nhuận mà còn vì mục đích làm giàu cho nông dân Tây Nguyên.
Nếu làm cho bản thân chúng tôi, thì Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hay Tập đoàn Him Lam thừa sức bỏ tiền ra để mua hàng trăm ngàn ha ở Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Kon Tum từ 2 năm trước rồi. Sau khi gom đất, trồng cây giống và bán lại cho các nhà đầu tư khác được rất nhiều tiền.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đã từng chia sẻ với tôi rằng: “Làm sao để mỗi hộ ở Tây Nguyên chỉ cần có 50 cây mắc ca thôi đã khá giả”.
Thưa ông, kế hoạch phát triển lên tới 200.000 ha mắc ca có phải quá tham vọng?
Chưa nói đến trồng mới, riêng 550.000 ha cà phê ở Tây Nguyên, nếu trồng xen mắc ca chưa đến 50% đã đạt chỉ tiêu đó rồi. Lợi thế là đa số vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên đều thích hợp để trồng mắc ca.
Nó là hoàng hậu quả khô. Dịp tết vừa rồi chỉ có một số người giàu mới may mắn được ăn hạt mắc ca thôi. Ở Hàn Quốc, chỉ những hành khách đi máy bay hạng thương gia mới được thưởng thức vài hạt mắc ca. Còn nếu hạng thường thì không có.
Chuyên gia Úc sang đây, chia sẻ với tôi rằng, tại sao vườn mắc ca ở Tây Nguyên năng suất cao như vậy mà không phát triển? Chúng tôi muốn phát triển lắm nhưng không được. Thái Lan, Trung Quốc cũng đang phát triển ồ ạt cây mắc ca, nhưng họ thất bại. Vì thế, họ rất thèm có những vùng đất như Tây Nguyên để trồng mắc ca.
Cơ hội từ cây trồng khó tính của thế giới
Các chuyên gia cảnh báo mắc ca là cây trồng rất khó tính, vì vậy trồng diện tích lớn là không thể?
Đây là cây rất khó phát triển trên thế giới, chính vì thế Việt Nam mới có cơ hội. Nếu dễ, Trung Quốc đã phát triển rất kinh khủng rồi. Đến nay, trên thế giới mới chỉ trồng được 80.000 ha thôi.
Mắc ca có thể sống được ở bất cứ loại đất nào, nhưng nó có ra quả hay không lại là một chuyện. Thời kỳ cây ra hoa (tháng 1, 2, 3), yêu cầu nhiệt độ từ 14-18oC, ít mưa phùn, thì mới có quả. Ngoài biên nhiệt độ đó cây không ra quả hoặc rất ít quả.
Mắc ca có thể sống được ở bất cứ loại đất nào, nhưng nó có ra quả hay không lại là một chuyện
Tây Nguyên là một trong những vùng hiếm hoi của thế giới đáp ứng yêu cầu này.
“Cần có quy hoạch chi tiết về trồng cây mắc ca ở từng tỉnh, được Chính phủ và Bộ NN-PTNT phê duyệt. Thứ đến, Tây Nguyên đang có một diện tích rất lớn cà phê già cỗi (khoảng 150.000 ha) cần phải tái canh, do đó cần có chính sách chuyển đổi dần sang trồng cây mắc ca, trước hết là trồng xen, xem đây là một chủ trương trong tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên”. (Ông Nguyễn Đức Hưởng) |
Điều đó chính là cơ hội để biến Tây Nguyên thành thủ phủ của cây mắc ca trên thế giới. Vùng Tây Bắc Việt Nam cũng có thể trồng mắc ca nhưng rủi ro hơn Tây Nguyên vì sương muối và mưa phùn, năng suất sẽ không ổn định.
Thứ 7 tuần này, Ban chỉ đạo phát triển cây mắc ca của chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị họp bàn phát triển cây mắc ca tại Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) để các đại biểu xuống từng bờ bãi ngắm cây mắc ca. Chứ cứ ngồi một chỗ mà phán thì không bao giờ chính xác.
Các ông định đầu tư thế nào khi mà nguồn giống chưa nhiều và hơn nữa quỹ đất cần xác định là rất khó khăn?
Ngân hàng Liên Việt và Tập đoàn Him Lam sẽ hợp tác với nhau để xây dựng một vườn giống chất lượng. Chúng tôi thuê chuyên gia Úc để phát triển giống ngay từ đầu, nếu không có giống tốt, trồng ở vùng sinh thái không phù hợp không thể cho năng suất cao.
Quy trình sản xuất được một cây giống phải mất ít nhất 2 năm, sau đó trồng 3-4 năm sẽ bắt đầu cho quả. Tôi thấy vốn đầu tư trồng mắc ca cũng không nhiều, khoảng 150 – 200 triệu đồng/ha, là rẻ.
Hiện tại Tập đoàn Him Lam đã xin mỗi tỉnh Tây Nguyên 1.000 ha đất, nhưng diện tích đó mới chỉ đủ để làm giống thôi. Chúng tôi cam kết sẽ cung cấp giống cho nông dân với giá rất rẻ, giống như một hình thức từ thiện.
Hằng năm, Ngân hàng Liên Việt và Tập đoàn Him Lam có dành một quỹ từ thiện rất lớn. Nhưng từ năm 2016, hoạt động từ thiện sẽ tập trung vào cây mắc ca bằng việc cung cấp giống cho dân với giá rẻ để dân có điều kiện trồng.
Bảo hiểm toàn bộ vườn mắc ca
Thưa ông, đối tượng nào sẽ được vay trong gói 20.000 tỷ?
Đối tượng vay gồm nông dân và các nhà đầu tư, vay tín chấp chứ không cần phải thế chấp. Tuy nhiên, có sự ràng buộc là phải vào Hiệp hội mắc ca Tây Nguyên. Vì chỉ khi vào hiệp hội thì các thành viên mới có kiến thức để trồng và chăm sóc mắc ca theo đúng kỹ thuật, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Còn đầu ra sản phẩm thì sao?
Him Lam cam kết sẽ mua hết toàn bộ sản phẩm mắc ca cho nông dân.
Về xây dựng nhà máy chế biến, hiện tại đã xin đất ở Lâm Đồng, dự định tháng 6 năm nay sẽ khởi công trên cơ sở Hiệp hội Mắc ca Úc tư vấn. Sau này, khi có đủ vùng nguyên liệu, Tập đoàn sẽ đầu tư mỗi tỉnh Tây Nguyên một nhà máy chế biến mắc ca.
Với mắc ca, chỉ sợ thiếu nguyên liệu. Tôi nghĩ, 20 năm nữa thị trường mắc ca cung vẫn không đủ cầu.
Bây giờ Him Lam sẽ là người đứng ra để phát triển vườn giống, xây dựng nhà máy chế biến và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Ngân hàng Liên Việt sẽ cho nhà đầu tư và nông dân vay vốn để phát triển cây mắc ca không hạn chế.
Chúng tôi sẽ thành lập một công ty cổ phần bảo hiểm để bảo hiểm cho toàn bộ vườn mắc ca của các thành viên trong hiệp hội.
Xin cảm ơn ông!