| Hotline: 0983.970.780

Cây mắc ca bên kia biên giới: Gặp gỡ Long Châu

Thứ Tư 03/06/2015 , 11:10 (GMT+7)

Trung Quốc là nước châu Á tiếp cận cây mắc ca khá sớm, họ có kinh nghiệm gì?

Mắc ca ở Trung Quốc được trồng tại 5 vùng: Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Đông, trong đó Vân Nam được xem “thủ phủ” mắc ca với khoảng 80 vạn mẫu. Là nước châu Á tiếp cận cây mắc ca khá sớm, họ có kinh nghiệm gì?

PV Báo NNVN cùng một số nhà khoa học, các cán bộ chủ chốt Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, đơn vị có kế hoạch đầu tư 20.000 tỷ đồng phát triển mắc ca, vừa có chuyến khảo sát một số vùng trồng mắc ca tại Quảng Tây (Trung Quốc).

Đoàn cán bộ Sở Khoa học Nông nghiệp Nam Á, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây về tận cửa khẩu Hữu Nghị đón chúng tôi. Trong đoàn phía bạn có cả GS Lục Siêu Trung, cán bộ Viện KHNN nhiệt đới thuộc Viện KHNN Trung Quốc, chuyên gia khá nổi tiếng về mắc ca, ông đến từ Quảng Đông theo lời mời của một người bạn Việt Nam, cũng là chuyên gia mắc ca có tiếng, GS Hoàng Hòe.

Từ Hữu Nghị quan về Long Châu chỉ nửa giờ xe chạy. Tôi đã mấy lần sang đất nước Trung Quốc, lần nào cũng ấn tượng mạnh bởi hệ thống đường sá. Nó quá tốt, cho dù đó là những tuyến đường vùng núi cao hay nơi nông thôn hẻo lánh.

Hệ thống đường sá luôn đảm bảo độ đồng đều vận tốc. Có lẽ vì thế cánh tài xế không để ý hoặc không cần biết đi bao nhiêu cây số, họ quen đo độ dài quãng đường bằng đơn vị thời gian: Hữu Nghị đi Long Châu nửa giờ; Hữu Nghị đi Nam Ninh 2 giờ 30 phút... (Mỗi giờ đi tương ứng 100 km đối với ô tô lớn và 120 km đối với ô tô nhỏ).

Long Châu là huyện cực nam Trung Quốc giáp với Lạng Sơn và Cao Bằng của Việt Nam, diện tích 2.300 km2, dân số 26.000 người trong đó 95% người dân tộc Choang. Đất đai Long Châu phần lớn đồi núi, những dãy núi đá vôi rộng lớn xen kẽ vùng đồng bằng nhỏ hẹp là đất phong hóa đá vôi.

Cũng như nhiều huyện Quảng Tây khác, cây trồng chủ lực của Long Châu là mía với diện tích 500.000 mẫu Trung Quốc (33.000 ha), sản lượng trên 2 triệu tấn mía/năm. Giá mía nhà máy thu mua 320 nhân dân tệ (1,12 triệu VND)/tấn, năng suất mía trung bình 65 tấn/ha, người trồng mía thu gần 21.000 nhân dân tệ (73 triệu VND)/ha.

Cũng như nhiều loại cây nông nghiệp khác, cây mía được Nhà nước cấp không giống cùng một số vật tư; đường nhựa được đầu tư làm đến tận ruộng, việc tiêu thụ mía đơn giản, không tốn nhiều chi phí. Với những điều kiện đó, nông dân Long Châu an tâm trồng mía.

An tâm thôi chứ trồng mía xưa nay chẳng mấy ai giàu. Vì vậy lãnh đạo huyện Long Châu luôn ý thức tìm tòi cây trồng mới có giá trị cao cho nông dân trong đó cây mắc ca là một lựa chọn; tỉnh cũng có nhiều chính sách phát triển nhà máy chế biến nông sản cho huyện vùng biên Long Châu, đặc biệt là chế biến các loại quả từ nguồn nội địa và nhập qua con đường Việt Nam.

Tại huyện, Sở KHNN Nam Á, từ chỗ chỉ nghiên cứu cây ăn quả có múi và mía thì bắt đầu từ năm 2006 đã dành ra 30 ha đất lập vườn mẫu nghiên cứu cây mắc ca. Và sau một số năm thử nghiệm, Sở KHNN Nam Á đã chắt lọc được 5 giống mắc ca phù hợp đất Long Châu là OC, 246, 788, 2 giống chịu hạn, năng suất cao là Quế Nhiệt 1 và JW. Hiện tại Long Châu mới có 1 vạn mẫu (700 ha) mắc ca, kế hoạch 3 năm tới phát triển lên 8 vạn mẫu (trên 5.000 ha) nhờ bộ giống tốt bắt đầu được khẳng định.

mc-c-7172840102
Đoàn cán bộ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và cán bộ địa phương huyện Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc

Quảng Tây của những ngày nắng nóng như đun. 3h chiều, trên xe nhìn ra nắng lóa hết mắt. Có vẻ như đây không phải vùng đất thiên nhiên ưu đãi, núi đồi chiếm quá nhiều diện tích. Còn những ruộng mía đặc trưng truyền thống đúng là dài nối nhau nhưng không có nước tưới cằn lên dưới nắng. Với đất đai và khí hậu này, người dân Long Châu vẫn tìm tòi phát triển được mắc ca đạt hiệu quả kinh tế- đấy là một ý thức vươn lên đáng nể.

Buổi chiều xem vườn mẫu 30 ha mắc ca, Chủ tịch huyện cùng Phó bí thư Huyện ủy Long Châu đến tận nơi chào đoàn Việt Nam rồi tất cả cùng về Sở KHNN Nam Á dùng cơm tối. Giản dị, thân thiện. Bữa cơm chóng vánh.

Cũng gà luộc, thịt ba chỉ rang, rau lang xào, phần lớn là đồ ăn Việt Nam, bớt món chao dầu mỡ kiểu truyền thống Trung Quốc. Bây giờ tôi vẫn giữ nguyên cảm giác đêm Long Châu đó, không khí từa tựa một nông trường miền trung du Việt Nam thân yêu của mình. Xong bữa, tất cả cùng lên hội trường Sở nghe GS Lục Siêu Trung nói tổng quan cây mắc ca ở Trung Quốc.

*  *  *

Con số mà GS Lục Siêu Trung đưa ra khiến chúng tôi giật mình: Đến năm 2014, Trung Quốc đã trồng được 100 vạn mẫu (gần 67.000 ha) mắc ca, gấp đôi diện tích mắc ca của Úc là nơi nguyên sản loài cây này, trở thành nước trồng mắc ca nhiều nhất thế giới. GS Lục nói: Muốn xem mắc ca thế giới, hãy đến Trung Quốc.

Ông cho biết Trung Quốc đã tập hợp hầu như toàn bộ giống mắc ca trên thế giới và đã chọn lọc được những bộ giống chuẩn chất lượng cao. Với nhu cầu thị trường, hiện mỗi năm Trung Quốc tăng 10 vạn mẫu (6.700 ha) mắc ca. Diện tích tăng nhanh nhưng diện tích thu hoạch được của năm 2014 mới chỉ khoảng 10.000 ha, sản lượng 12.000 tấn hạt (những lứa mắc ca trồng thời kỳ đầu của Trung Quốc NS rất thấp vì toàn giống thực sinh).

Theo GS Lục Siêu Trung, có 4 nguyên nhân khiến cây mắc ca được phát triển nhanh gần đây là: Nhận thức người dân tốt hơn; nghiên cứu mở rộng và phổ biến, nông dân am hiểu, làm chủ được kỹ thuật trồng mắc ca; nhà chế biến vào cuộc và điểm cốt yếu cuối cùng là tiêu dùng mạnh.

Mắc ca ở Trung Quốc được trồng tại 5 vùng: Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Đông, trong đó Vân Nam được xem “thủ phủ” mắc ca với khoảng 80 vạn mẫu. Mắc ca là cây trồng cần những điều kiện cụ thể về khí hậu và thổ nhưỡng nên mỗi tỉnh chỉ chọn một số tiểu vùng trồng, bởi trồng tràn lan cầm chắc thất bại.

GS Lục nêu những bài học đắt giá về phát triển mắc ca ở Trung Quốc. Đó là hàng ngàn ha mắc ca trồng vùng ven biển Quảng Đông bị gió làm gãy đổ hư hại hết. Cây đổ rồi, có dựng trồng lại về sau nó cũng chết. Đó là cả vạn ha mắc ca trồng ở độ cao quá cao ở Vân Nam đã bị “cháy sạch” vì rét, sương giá.

Mắc ca trồng nơi vùng đất đọng nước cây cũng chết; trồng nơi dốc quá, đất nhiều đá lớn, đều không phù hợp. Vùng nóng, lạnh, vùng nhiều mưa phùn mùa xuân, sương muối... đều không nên trồng mắc ca. Mắc ca chỉ nên trồng nơi khí hậu mát mẻ, yêu cầu nhiệt độ thời kỳ cây phân hóa mầm hoa xung quanh 18oC (thời gian này thời tiết nóng quá hoặc lạnh quá, càng xa biên nhiệt 18oC cây càng ít quả, thậm chí không ra quả), độ cao 700-800m, cùng lắm 1.000m trở xuống.

Ngoài chọn vùng trồng phải hết sức coi trọng khâu kỹ thuật. Giống phải chuẩn và tuyệt đối không dùng cây thực sinh trồng thương phẩm. Cần dày công huấn luyện nông dân trong chọn giống và kỹ thuật trồng.

Về hiệu quả kinh tế, nghiên cứu của GS Lục Siêu Trung cho thấy, ở các vùng trồng mắc ca phổ biến tại Trung Quốc, cây trồng đến năm thứ 3 bắt đầu cho quả bói, năm thứ 6 thu hồi toàn bộ vốn đầu tư, từ năm thứ 7 bắt đầu cho lợi nhuận ít nhất 20.000 nhân dân tệ (70 triệu VND)/ha và lợi nhuận tăng dần cho đến khi năng suất, sản lượng đạt đỉnh từ năm thứ 12.

*  *  *

Hôm sau, Chủ nhiệm Văn phòng huyện Long Châu Đặng Quân Bình dẫn đoàn thăm các nhà máy chế biến các loại quả khô khu vực cửa khẩu Thủy Khẩu giáp cửa khẩu Tà Lùng phía Cao Bằng của Việt Nam. Ông Đặng cho biết kim ngạch XNK cửa khẩu Thủy Khẩu – Tà Lùng đã đạt 5 tỷ USD/năm, trong đó nhiều nông sản từ phía Việt Nam như gạo và các loại quả khô hạt dẻ, điều... đi qua con đường này.

mc-c2180555402

Riêng mắc ca, năm 2014 có 1.200 container (trên 14.000 tấn) các nhà máy phía Trung Quốc nhập về từ Việt Nam và các nước qua Thủy Khẩu. Huyện cũng đã quy hoạch khu vực nhà máy chuyên chế biến quả khô, hiện đã có 1 nhà máy công suất 40 tấn/ngày của 1 DN Đài Loan đầu tư đã đi vào hoạt động; 2 NM công suất tương tự xây dựng sắp xong và 6 NM chuẩn bị xây dựng.

Nguyên liệu cho các nhà máy này, đến 80-90% nhập từ con đường Việt Nam; lao động cũng chủ yếu từ Việt Nam (Cao Bằng) sang. Ông Đặng nói, chỉ thời gian ngắn nữa khi cầu 2 (cùng với cầu 1, là 2 cây cầu lớn trên cao tốc từ Thủy Khẩu về Nam Ninh, thủ phủ Quảng Tây) xây xong thì hàng hóa từ cửa khẩu chuyển về Nam Ninh chỉ mất 2 giờ xe chạy, giảm một nửa thời gian so với hiện tại, khi đó khu kinh tế vùng Thủy Khẩu (Trung Quốc) – Tà Lùng (Việt Nam) sẽ cực kỳ sôi động.

Bà Hoàng Vi Đồng, chủ nhà máy chế biến quả khô (hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, mắc ca...) công suất 40 tấn/ngày ở khu kinh tế Thủy Khẩu – Long Châu, nói với chúng tôi rằng có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, thậm chí hợp đồng đặt cọc trước. Bà Đồng nói nhà máy của bà đang phải nhập mắc ca từ Úc qua cảng Hải Phòng về để chế biến với giá cả đắt đỏ nên tính kinh tế chưa cao.

Điều bà cũng như những chủ nhà máy trong khu vực ước mong và chờ đợi là có những vùng nguyên liệu mắc ca đủ lớn thực sự cho chế biến của Trung Quốc và cả Việt Nam, để khỏi lệ thuộc nguồn từ các nước Úc, Mỹ xa xôi.

Điều ước đó có vẻ như đang đến rất gần... (Còn nữa)

Cây mắc ca bên kia biên giới, xem bài tiếp theo Tại đây.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng

Ông Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Siêu bão Man-yi đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 9

Cơ quan khí tượng cho biết, bão Man-yi đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9. Bão đang giật cấp 15 và di chuyển rất nhanh hướng vào các tỉnh Trung Trung bộ.