| Hotline: 0983.970.780

Cây quế đổi thay kinh tế lâm nghiệp vùng cao

Thứ Sáu 18/11/2022 , 08:03 (GMT+7)

Quế những năm trở lại đây trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào vùng cao, nhớ đó kéo theo nhiều ngành nghề phụ trợ hưởng lợi.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường (thứ 2 từ trái qua) thăm vườn quế của gia đình ông Hoàng Văn Trưởng. Ảnh: H.Đăng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Trịnh Xuân Trường (thứ 2 từ phải qua) thăm vườn quế của gia đình ông Hoàng Văn Trưởng. Ảnh: H.Đăng.

Lão nông sỡ hữu vườn quế giống lớn nhất Lào Cai

Với niềm đam mê lĩnh vực lâm nghiệp, ông Hoàng Văn Trưởng, người dân tộc Tày ở bản Pác Mạc, xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên, Lào Cai) đã mạnh dạn đầu tư vườn ươm giống quế để bán cho bà con trong tỉnh.

Cơ sở của ông Trưởng nay trở thành nơi cung cấp quế giống chất lượng, uy tín cho bà con quanh vùng. Nhờ vậy, nay người trồng quế ở địa phương không phải đi tới các địa phương khác để mua giống như trước. Được biết, hiện vườn ươm quế giống của gia đình ông Hoàng Văn Trưởng đang thuộc diện quy mô lớn nhất không chỉ huyện Bảo Yên mà cả tỉnh Lào Cai. 

Ông Hoàng Văn Trưởng cho biết, từ năm 2011, khi phong trào trồng quế bắt đầu nhen nhóm, nhưng do đường xá đi lại còn khó khăn nên việc mua giống rất vất vả. Thấy bà con có nhu cầu về giống quế, ông nghĩ đến việc ươm quế giống để bán.

Tuy nhiên, thời gian đầu gây dựng vườn giống rất khó khăn bởi khi đó ông Trưởng rất đói vốn lại chưa có kinh nghiệm. Nhưng không vì thế mà ông buông xuôi, bỏ cuộc, qua nhiều lần thử nghiệm, ông Trưởng đã ươm thành công 3 vạn cây quế giống để trồng trên chính thửa đất rừng của gia đình.

"Việc tự ươm được giống đã giúp gia đình tôi giảm rất nhiều chi phí mua giống nơi khác về. Đây cũng là nền móng để tôi quyết định mở rộng diện tích vườn ươm quế giống sau này. Nay bà con quanh đây không còn phải phụ thuộc vào thương lái cung cấp giống như trước, chưa kể tiết kiệm được đáng kể thời gian phải chờ đợi chuyển giống từ nơi khác về." Ông Hoàng Văn Trưởng tâm sự.

Ông Trưởng nhớ lại, lúc đầu, khi chưa nắm bắt sâu được các kỹ thuật ươm giống, ông phải tự mày mò, tìm hiểu, học hỏi. Song với bản tính chịu thương, chịu khó và sáng tạo trong lao động nên ông đã nhanh chóng nắm bắt được những bí kíp trong nghề để có được thành công. Đồng thời, ông Trưởng nay cũng học hỏi được thành công cách tạo mặt bằng, nguồn nước, chọn giống, chọc lỗ, gieo hạt, đóng bầu cho cây và cách sử dụng các loại thuốc phòng bệnh, chăm sóc cây.

"Ban đầu gặp nhiều khó khăn do không có mặt bằng nên phải gieo quế ở bãi ruộng nên giống thường xuyên bị sâu bệnh ăn mặt lá, sâu cuống lá, các loại nấm hồng, nấm phấn trắng... Tuy nhiên, quyết tâm phải làm bằng được, tôi đã đi đến những địa phương có mô hình vườn ươm giống thành công để học hỏi, đặc biệt là ở Yên Bái, Phú Thọ. Từ đó, tôi dần nắm bắt kỹ thuật và hoàn thiện được quy trình ương giống như hiện nay." Ông Hoàng Văn Trưởng chia sẻ.

IMG_0400

Quế giống của gia đình ông Hoàng Văn Trường được bà con trong vùng ưa chuộng. Ảnh: P.Hiếu.

Tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương

Cơ sở quế giống của gia đình ông Hoàng Văn Trưởng không chỉ là nơi cung cấp giống quế uy tín, chất lượng cao, tạo điều kiện cho bà con trồng rừng phát triển sản xuất mà còn tạo công ăn việc làm cho  nhiều lao động địa phương. 

Hiện, cơ sở sản xuất giống của gia đình ông có khoảng 8 lao động thường xuyên làm việc với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, vào những đợt cao điểm nhu cầu của bà con mua giống tăng lên cơ sở sản xuất phải sử dụng thêm hàng chục lao động thời vụ mới đáp ứng sản xuất giống đủ nhu cầu của thị trường. 

Bà Hoàng Thị Hồng, người bản Pác Mạc tâm sự, công việc của bà ổn định trong nhiều năm liền tại cơ sở giống của ông Hoàng Văn Tưởng. Công việc làm giống không quá vất vả nhưng cũng đòi hỏi người lao động phải có kỹ thuật nhất định. Bà Hồng rất vui vì vừa được làm việc gần nhà mà lại có thu nhập ổn định.

Từ hiệu quả mô hình vườn ươm của gia đình ông Hoàng Văn Trưởng, bà con gần xa đã đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Hoàng Văn Trưởng rất vô tư, không giấu giếm nghề mà sẵn sàng chia sẽ mọi bí quyết cho bà con cũng như tận tình hướng dẫn, trả lời thấu đáo những câu hỏi liên quan tới kỹ thuật, giống thậm chí là các bài học về kinh doanh.

Được biết, hiện Lào Cai có tổng diện tích rừng giống chuyển hóa sang trồng cây quế là 48ha nằm trên 3 huyện: Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng. Cùng với đó, 114 cơ sở sản xuất, kinh doanh cung ứng giống cây lâm nghiệp với tổng diện tích vườn ươm cả tỉnh là 19,5ha, năng lực bình quân gieo ươm được khoảng 80 triệu cây/năm.

Hằng năm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống sản xuất gieo ươm khoảng 50 - 60 triệu cây giống quế, đáp ứng được nhu cầu trồng rừng của người dân trên địa bàn và một phần cung cấp cho các tỉnh lân cận như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang...

IMG_0569

Cây quế ở Lào Cai đang mang lại thu nhập tốt cho bà con nông dân. Ảnh: H.Đăng.

Sau những năm miệt mài tự nghiên cứu, học hỏi, gia đình ông Hoàng Văn Trưởng đã làm ra hàng trăm nghìn cây giống quế trên diện tích đất của gia đình. Ông chia sẻ, khi mới bắt tay vào làm cũng không nghĩ được việc ươm giống sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà ban chỉ nghĩ là để giúp gia đình, bà con xung quanh. Bởi khi đó, người dân còn rất nghèo, kinh tế chưa phát triển nên cứ đổi thóc, ngô để lấy cây giống, thậm chí là nợ khi đến ngày mùa mới phải trả.

Do vậy, từ 3 vạn cây quế giống ban đầu, ông Hoàng Văn Trưởng đã phát triển lên 50 vạn rồi 100 vạn cây giống. Hiện tại, vườn ươm của gia đình ông luôn có duy trì cả trăm vạn cây quế giống để cung cấp cho bà con quanh vùng. Chính vì vậy, nguồn thu từ quế giống của gia đình ông sau khi trừ chi phí mỗi năm có thể thu về tới 300-400 triệu đồng.

Gia đình ông Hoàng Văn Trưởng giờ đây đã xây dựng căn nhà mới khang trang, sắm sửa tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình điều mà trước đây không dám nghĩ tới. Cơ sở sản xuất của ông Hoàng Văn Trưởng cũng trở thành mô hình quy mô, bài bản và có hiệu quả nhất vùng, điểm đến của những người trồng quế tại Lào Cai.

Theo chương trình phát triển cây quế của UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này tiếp tục mở rộng thêm diện tích 12.000ha quế, nâng tổng diện tích trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.000ha. Giai đoạn 2026 - 2030, Lào cai đặt mục tiêu tổng diện tích quế đạt 66.000ha và đến 2050 đạt 68.000ha, trở thành một trong những vùng quế lớn của cả nước. 

Cây Quế bắt đầu được đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh Lao Cai cách đây gần 50 năm bởi bà con dân tộc thiểu số (chủ yếu người Dao) tại một số xã vùng thấp thuộc các huyện: Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng. Tuy nhiên, cây quế chỉ thực sự phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ năm 2012 trở lại đây. Đến nay, cây quế đã và đang phát triển mạnh, được trồng tại 100/152 xã, phường, thị trấn của tỉnh Lào Cai với tổng diện tích đạt trên 53.300ha, trong đó vùng trọng điểm quế tại các huyện vùng thấp của tỉnh là Bảo Yên, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng với diện tích 48.582ha. Qua điều tra, nghiên cứu cho thấy, toàn bộ quế của tỉnh Lào Cai được trồng cùng một giống là Cinnamomum cassia L.J.Presl.

Xem thêm
Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.