![watermark_anh-1-1541_20220921_392.jpg Empty](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/bao_in/2022/09/26/watermark_anh-1-1541_20220921_392-150145.jpeg)
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tỉnh có định hướng trong chiến lược phát triển và trồng tre là một loại cây trồng có giá trị kinh tế lại phát triển nơi đất hoang hóa, nhiễm phèn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo thống kê từ Bộ NN-PTNT, diện tích tre cả nước hiện khoảng 1,6 triệu ha, hàng năm khai thác từ 500 - 600 triệu cây tre với khoảng 2,5 - 3 triệu tấn sản phẩm, cho giá trị xuất khẩu từ 300 đến 400 triệu USD. Cây tre là loài thực vật phát triển nhanh, cung cấp nguồn tài nguyên bền vững và có thể tái chế.
Sản phẩm từ tre nhẹ, bền có thể thay thế gỗ tự nhiên và các hợp chất hóa học, tre đã trở thành loại vật liệu có khả năng chống chịu động đất, ngăn chặn xói mòn đất và phục hồi đất bị thoái hóa. Với khả năng hấp thụ carbon tốt, tre còn góp phần tích cực vào giảm tác động biến đổi khí hậu.
Để phát triển bền vững ngành hàng tre ở ĐBSCL và chiến lược trước yêu cầu hội nhập quốc tế của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp có buổi gặp gỡ với đoàn chuyên gia Hội thảo Tre Thế giới lần thứ IV. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Hội thảo Tre Thế giới lần thứ IV năm 2022 do Tổ chức Tre Thế giới, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức.
![watermark_anh-2-1541_20220921_226.jpg Empty](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/bao_in/2022/09/26/watermark_anh-2-1541_20220921_226-150146.jpeg)
Cây tre với vai trò vô cùng đặc biệt, góp phần phát triển đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, du lịch sinh thái và cảnh quan kiến trúc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã triển khai trồng tre gắn với phát triển khu du lịch sinh thái. Hình ảnh những cây tre bắt đầu phát triển tại Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh giúp cho tỉnh có định hướng trong chiến lược phát triển và trồng tre, loại cây trồng vừa có giá trị bảo vệ môi trường vừa có giá trị kinh tế lại có thể sinh trưởng nơi vùng đất hoang hóa và nhiễm phèn của tỉnh.
Với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1909 của Bộ NN-PTNT, Đồng Tháp đang trong giai đoạn ban hành Kế hoạch hành động, với mục tiêu, đến năm 2030 phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Theo đó, việc phát triển cây tre với vai trò quan trọng trong hấp thụ carbon, một trong giải pháp giảm phát thải khí nhà kính vô cùng hiệu quả.
![watermark_anh-3-1541_20220921_788.jpg Empty](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/bao_in/2022/09/26/watermark_anh-3-1541_20220921_788-150147.jpeg)
Theo đó, việc phát triển cây tre với vai trò quan trọng trong hấp thụ carbon, một trong giải pháp giảm phát thải khí nhà kính vô cùng hiệu quả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Từ năm 2014 đến nay, Đồng Tháp luôn tìm kiếm những loại cây trồng mới và cây tre với vai trò vô cùng đặc biệt, có thể thấy rõ trong góp phần phát triển đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, du lịch sinh thái và cảnh quan kiến trúc, lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc. Đồng thời, còn tạo sinh kế, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng sâu. Và mối lương duyên với Cô Diệp Thị Mỹ Hạnh, được mệnh danh là “Người Phụ nữ của cây Tre” đã làm nền bức tranh quy hoạch tổng thể của huyện Cao Lãnh – Đồng Tháp về định hướng trồng cây tre, bảo tồn cây tràm gắn với phát triển Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng.
Sau hơn 5 năm, khi những cây tre bắt đầu phát triển trên vùng đất ngập phèn hoang hóa của Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng với biết bao cảm xúc dâng trào, từ đây, giúp tỉnh Đồng Tháp có định hướng trong Chiến lược phát triển và trồng tre - một loại cây trồng có giá trị kinh tế lại phát triển nơi đất hoang hóa, nhiễm phèn trên địa bàn Đồng Tháp.
“Tỉnh Đồng Tháp mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều hỗ trợ giúp phát triển nền nông nghiệp bền vững và ngành hàng tre trong thời gian tới. Việt Nam có câu thơ về tre: “Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi” – chính là những nét đặc sắc về con người Việt Nam nói chung, như người dân Đất Sen hồng nói riêng, luôn ấm áp, chân thành, và đầy nhiệt huyết với cây tre” ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng.
![watermark_anh-4-1541_20220921_715.jpg Empty](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/bao_in/2022/09/26/watermark_anh-4-1541_20220921_715-150147.jpeg)
Ngoài ra, tre còn có nhiều công dụng làm mỹ nghệ và các vật dụng khác trong gia đình như: làm thúng, rổ, xề, nia…phục vụ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tại buổi gặp gỡ, các diễn giả được nghe ông Michel Abadie, Chủ tịch Tổ chức Tre Thế giới chia sẻ về định hướng phát triển ngành hàng tre thế giới, ông Yves Crouzet - chuyên gia người Pháp thông tin về vai trò của tre trong du lịch sinh thái, ông Jorg Stamm - kỹ sư chuyên về xây dựng trình bày ứng dụng của cây tre trong xây dựng… Qua đó, giúp tỉnh Đồng Tháp có những định hướng mới trong chiến lược phát triển cây tre để bảo vệ môi trường trong thời gian tới.