Hết thời “trồng chơi ăn thật”
Ở xã Ia Lâu, Ia Piơr, huyện Chư Prông ngoài cây lúa nước, cây mì (sắn) thì cây điều đang được người nông dân chú trọng phát triển trong thời gian qua. Theo nhiều nông dân, nếu so với các loại cây trồng khác, cây điều sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Vì nhiều lý do như giá cả hạt điều không ổn định, thiếu kỹ thuật canh tác và đặc biệt với đặc tính dễ trồng nên nhiều người dân vẫn tồn tại ý nghĩ trồng điều chẳng cần chăm sóc, phân bón, sống bằng “nước trời” cũng có ăn. Vì vậy, suốt những năm qua, cây điều tại xã Ia Lâu, Ia Piơr, chưa thật sự mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
Là một người có thâm niên trồng điều, anh Vi Văn Quảng, thôn Lũng Vẫn, xã Ia Lâu cho biết, cây điều trước đây chỉ được bà con trồng xen canh, quy mô nhỏ lẻ và rất manh mún.
“Gia đình tôi trồng thử nghiệm 120 cây ngay cạnh căn nhà chừng 20 năm nay nhưng nghĩ trồng chơi, chúng sống hoàn toàn phụ thuộc tự nhiên chứ chẳng bón phân, cắt tỉa cành, tưới nước. Năm nào thời tiết thuận lợi thì điều trúng mùa còn không thì cũng chẳng mất mát gì”, anh Quảng chia sẻ.
Tuy nhiên, khoảng ba năm trở lại đây, rất nhiều nông dân trồng điều tại xã Ia Lâu và Ia Piơr đã thay đổi tập tục canh tác, chăm sóc. Cụ thể như hộ ông Lê Văn Biến (làng Phung, xã Ia Piơr) trồng hơn 3 ha điều từ năm 2000, trước đây bình quân năng suất chỉ chừng 5 – 7 tạ/ha. Cũng diện tích đó, từ năm 2017 gia đình ông đã đầu tư chăm sóc, cắt tỉa cành, phun thuốc, bón phân và tưới nước, vườn điều đã tăng năng suất thấy rõ.
Theo ông Biến, từ năm 2018 đến nay năng suất điều đạt khoảng 2,8 tấn/ha, giá có lúc 42 ngàn đồng/kg, bình quân trên 100 triệu đồng/ha. Nếu so với các loại cây trồng khác, cây điều rõ ràng cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Ông Biến cho biết thêm, trồng điều ngoài áp dụng các kỹ thuật chăm sóc thì phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, đặc biệt lúc điều đang vào mùa ra hoa kết trái mà gặp mưa hay sương muối rất dễ mất trắng.
Phó Chủ tịch xã Ia Lâu, ông Hoàng Văn Long cho biết, hiện nay diện tích điều trên địa bàn xã khoảng trên 400 ha được trồng tại 10 thôn, làng. Trong đó, diện tích điều già rất ít, chủ yếu điều bắt đầu cho thu hoạch.
Theo ông Long, cây điều bén rễ trên vùng đất Ia Lâu chừng 20 năm nay nhưng lại rơi vào cảnh “lẹt đẹt” là do người nông dân chưa quan tâm đúng mức, thiếu kỹ thuật canh tác và có thời điểm lại chạy theo xu thế cây trồng.
Ông Bùi Văn Tiến, Phó chủ tịch xã Ia Piơr cho biết, diện tích điều trên địa bàn xã xấp xỉ 400 ha, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc, lai ghép và chọn giống nên vườn điều đã tăng năng suất. Đối với điều non (điều tơ) hiện năng suất đạt từ 8 tạ đến 1,3 tấn/ha, còn với cây điều kinh doanh từ năm thứ 8 năng suất đạt khoảng 2,5 tấn đến 3 tấn/ha.
Cần nhiều giải pháp để cây điều hồi sinh
Dù chưa đưa cây điều vào danh sách cây trồng chính trong Đề án phát triển nông nghiệp của huyện Chư Prông, nhưng vài năm trở lại đây giá điều luôn giữ ở mức ổn định và có lúc bật tăng khiến nông dân trồng điều có lãi.
Ông Hoàng Văn Long cho biết, năm 2019, UBND xã phối hợp Hội Nông dân xã tổ chức một lớp tham quan, tập huấn, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật lai ghép, trồng chăm sóc cây điều cho nông dân trồng điều tại tỉnh Bình Phước. Với chủ trương người đi học hỏi sẽ truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật cho người ở nhà và hỗ trợ kỹ thuật. Qua lớp tập huấn, nhiều người đã hàm thụ được nhiều kinh nghiệm và đặc biệt đã biết lai ghép điều.
Điển hình như anh Vi Văn Quảng, sau khi trở về từ lớp tập huấn đã tiến hành hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con trồng, lai ghép điều già cỗi cho 50 hộ gia đình.
Anh Nguyễn Văn Chung, thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu cho biết, nhờ sự hỗ trợ của anh Quảng, gia đình ông đã tiến hành ghép 120 cây điều già cỗi đến nay sinh trưởng, phát triển rất tốt. Theo anh Chung, điều ghép có ưu điểm khoảng hai năm là cho thu hoạch. “Nếu ghép thì sẽ mất ít thời gian hơn trồng điều lại từ cây nhỏ, vì vậy giúp bà con tiết kiệm chi phí trồng, chăm sóc”, anh Chung chia sẻ.
Ông Lưu Hoàng Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông cho biết, diện tích điều trên toàn huyện khoảng 2.000 ha phân bố tại 6 xã. Dù cây điều đã trồng và thích ứng rất tốt tại một số xã nhưng đến nay vẫn chưa được xác định cây trồng chính. Về lâu dài, ngoài việc duy trì diện tích điều hiện có, huyện sẽ tập trung hỗ trợ nông dân trồng điều nâng cao kỹ thuật canh tác, chăm sóc, tuyển chọn giống.
Năm 2018 và 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ giống cho 129 ha tại tại 6 xã, trong đó chủ yếu là giống điều Pn1, Ab29 có năng suất, sản lượng cao, có khả năng thích ứng tốt.
“Việc thay đổi quan niệm “trồng chơi ăn thật” của bà con với cây điều đã khó, nhưng cái khó nhất hiện nay là làm sao kiểm soát được diện tích điều. Ngoài ra, các vùng trồng điều bị thương lái ép giá vì chưa có doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ người nông dân bao tiêu sản phẩm, khi giá điều lao dốc rất dễ làm nông dân dao động phá bỏ vườn điều để chạy theo cây trồng khác”, ông Hưng nói.