| Hotline: 0983.970.780

Cây xóa nghèo ở Con Cuông

Thứ Tư 02/03/2016 , 07:15 (GMT+7)

Đồng bào dân tộc Thái tại huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) coi cây mét là cây “xóa đói giảm nghèo”. 

Với chi phí đầu tư thấp, thích nghi rộng, ít sâu bệnh, tạo ra nguồn thu thường xuyên, ổn định… những năm qua, diện tích mét trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên.

Cây mét đã có mặt trên các cánh rừng phía tây Nghệ An từ rất lâu đời nhưng chỉ tăng nhanh diện tích trong vòng 10 năm trở lại đây. Đó cũng là thời điểm, nhiều hộ dân tộc Thái ở nơi đây mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tìm hướng thoát nghèo.

Năm 2004, ông Lang Vi Ngọ, bản Phục, xã Đôn Phục chuyển 1,5/3ha ha đất rẫy kém hiệu quả sang trồng mét. Tổng đầu tư chưa đến 16 triệu đồng/ha bao gồm giống, 100 kg phân lân, phân chuồng. Lúc đầu, bà con dân bản nghi ngại, cho rằng ông Ngọ dở hơi, miếng ăn trước mắt không lo lại đi lo chuyện viển vông.

Cây mét không thể thiếu trong đời sống hàng ngày nhưng để trở thành cây hàng hóa, bán lấy tiền thì đồng bào nghe… ngược tai lắm! Hơn nữa, nếu chăm sóc tốt cũng phải 6 - 7 năm mét mới cho thu hoạch. Trong khoảng thời gian đó biết lấy gì để bỏ vào cái bụng đói?

Đoán biết được khó khăn trước mắt, không những vẫn duy trì 1,5 ha lúa rẫy, trong 4 năm đầu ông còn trồng xen cây sắn dưới tán khi rừng mét chưa khép tán. Để cây mét phát triển tốt, ông chỉ để mỗi gốc 6 - 7 cây, số cành kém được phát xẻ gọn gàng. Trồng xen dưới tán vừa có giá trị cải tạo, làm cỏ, làm xốp đất vừa giúp gia đình ông có sản phẩm chăn nuôi lợn đen địa phương, gà, vịt, ngan ngỗng. Vì thế, cái đói đã không đến như nhiều dân bản lo nghĩ.

Ông Nguyễn Quang Thu, Phó ban Phát triển Nông thôn miền núi huyện Con Cuông cho rằng, trồng cây mét không khó, đầu ra rộng; trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều lần, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật mét có thể lưu niên 40 -50 năm. Muốn cây mét phát triển tốt, năng suất cao thì phải chọn được giống tốt từ những cây mẹ 9 - 12 tháng tuổi, cây khoẻ mạnh phát triển cân đối, không gãy ngọn, không sâu bệnh. Có thể nhân giống bằng gốc hoặc hom cành...

Năm 2007, được Ban Phát triển Nông thôn miền núi huyện Con Cuông đầu tư dự án hỗ trợ trồng rừng 327, ông Ngọ tiếp tục chuyển 1,5 ha đất rẫy còn lại sang trồng mét. Đến năm 2010, gia đình ông bắt đầu có thu hoạch từ cây mét, xe ô tô vào tận rẫy thu mua.

“Hai vợ chồng tôi ngày nào cũng chặt chừng 20 - 30 cây mét, gom lại, chặt hết vùng này lại chuyển sang vùng khác chờ xe đến chở. Quanh năm chặt mét, chỉ trừ 1 - 2 tháng cây mét ra măng là ngừng chặt thôi.

Với giá bình quân 20 nghìn đồng/cây mét, trừ các khoản chi phí đầu tư, công chặt, từ 3 ha mét, mỗi năm vợ chồng tôi cũng thu 50 - 60 triệu đồng, chưa kể nuôi thêm con gà, con vịt thả dưới vườn mét cũng bán rất được giá. Nói là giàu thì không có nhưng cây mét cho thu hoạch quanh năm, đều đặn, chi phí đầu tư thấp. Giờ thì tôi chỉ làm vài sào ruộng nước còn lại đều trồng mét hết”, ông Ngọ cho hay.

Noi gương ông Ngọ, đến nay bản Phục có 178/178 hộ đều trồng mét, toàn xã có 2,7 nghìn hộ trồng mét. Hộ nhiều 5 - 6 ha, hộ ít cũng 1 - 2 ha.

Ông Lang Vi Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã Đôn Phục phấn khởi: “Không có cây mét thì đồng bào không có tiền tiêu hàng ngày, không có tiền cho con đi học, mua sắm xe máy, ti vi. Làm giàu thì không có nhưng cây mét có thể giúp bà con thoát nghèo bền vững vì trồng một lần, chi phí đầu tư thấp lại có thể thu hoạch trong nhiều năm”.

Theo ông Tuấn, hiệu quả kinh tế từ cây mét có thể gấp 3 - 4 lần keo nguyên liệu. Ông Tuấn nhẩm tính, chu kỳ phát triển của cây keo nguyên liệu phải mất 7 năm. Nếu đất tốt, có thể cho sản lượng 90 tấn/ha, tương đương với 60 triệu đồng/7 năm, trừ các chi phí đầu tư, lợi nhuận chỉ còn trên dưới 20 triệu đồng. Trong khi đó, từ năm thứ 6, mỗi năm, cây mét có thể cho nguồn thu trên dưới 20 triệu đồng/ha, lợi nhuận có thể đạt trên dưới 10 triệu đồng/ha/năm…

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

TP.HCM nghiên cứu lập đề án phủ kín rừng phòng hộ Cần Giờ

TP.HCM nghiên cứu Đề án phủ kín và mở rộng rừng phòng hộ Cần Giờ. Từ đó, tạo ra giá trị lớn hơn, hướng tới bán tín chỉ carbon, thu lợi từ rừng.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.